Quyền của doanh nghiệp tư nhân
299 lượt xem
Quyền của doanh nghiệp tư nhân có
gì khác biệt so với quyền của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm
hữu hạn và công ty cổ phần?
Ban biên tập
16-07-2020
Với tư cách là doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có các quyền theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Điều 7 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các quyền chung dành cho mọi doanh nghiệp, cụ thể:
1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
11. Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
12. Quyền khác theo quy định của luật có liên quan.
Tuy nhiên, xuất phát từ quy chế pháp lý đặc thù của loại hình DNTN, cụ thể, DNTN không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân. Cho nên, một số quyền dành cho doanh nghiệp nói chung nhưng sẽ không dành cho DNTN, đặc biệt là hai quyền quan trọng sau:
Thứ nhất, quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật
Khi các tranh chấp liên quan đến DNTN thì chủ DNTN là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án.[1] Như vậy, DNTN không có quyền tham gia tố tụng với tư cách của chính mình, mà phải dựa vào tư cách của người chủ sở hữu. Khi phát sinh các trách nhiệm pháp lý về tài sản, chủ sở hữu sẽ là người phải thi hành, chứ không phải là DNTN.
Thứ hai, quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản
Đối với DNTN, tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.[2] Mặc dù, DNTN được thành lập để thực hiện hoạt động kinh doanh, nhưng nguồn vốn phục vụ hoạt động của doanh nghiệp đều phụ thuộc vào vốn đầu tư của người chủ sở hữu. Hay nói cách khác, DNTN không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật sở hữu. Cho nên, DNTN không có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản.
Như vậy, loại hình DNTN có những hạn chế nhất định về quyền so với các loại hình công ty. Đây cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn loại hình DNTN hay các loại hình công ty.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.