Quyền của cơ quan BHXH được pháp luật quy định như thế nào? Biện pháp xử lý khi có hành vi vi phạm về BHXH? Và lãi chậm trả đối với hành vi vi phạm về BHXH của NSDLĐ?
158 lượt xem
Bên tranh chấp 1: Bảo Hiểm Xã Hội Thành Phố H.
Bên
tranh chấp 2: Công ty cổ phần thương mại TH
Công
ty cổ phần thương mại TH (Công ty TH) trong quá trình họat động đã liên tục để
nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Ngày 09/9/2013, đoàn
kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của Bảo hiểm xã hội quận T. đến làm
việc tại Công ty TH và thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất
nghiệp và bảo hiểm y tế đến ngày 31/8/2013 cho Công ty TH. Tổng số nợ bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế mà Công ty TH còn nợ đến ngày
31/8/2013 là 3.907.586.643 đồng. Mặc dù Công ty TH đã được nhắc nhở nhiều lần
nhưng từ ngày kiểm tra 09/9/2013 đến ngày 15/5/2014, Công ty TH chỉ thanh toán
được một phần nợ là 299.447.935 đồng. Theo quy định tại Thông tư số
134/2011/TT–BTC ngày 30/9/2011 của Bộ Tài Chính thì số tiền đã trả này được trừ
theo thứ tự ưu tiên vào bảo hiểm y tế và lãi, bảo hiểm thất nghiệp và lãi, bảo
hiểm xã hội và lãi. Cụ thể trong trường hợp này số tiền 299.447.935 đồng Công
ty TH đã đóng, thanh toán hết số tiền bảo hiểm y tế và lãi, bảo hiểm thất nghiệp
và lãi, và một phần bảo hiểm xã hội.
Nay,
Bảo hiểm xã hội TP. H. nộp đơn khởi kiện yêu cầu Công ty TH thanh toán số tiền
nợ bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/8/2013 còn lại là 3.608.138.708 đồng (trong
đó bao gồm: bảo hiểm xã hội chưa đóng là 2.754.152.533 đồng, tiền lãi do chậm
đóng là 853.986.175 đồng).
1.
Bảo hiểm xã hội TP. H. có quyền gì trong vụ việc trên theo quy định của pháp luật?
2.
Hành vi nợ tiền bảo hiểm xã hội của Công ty TH đã vi phạm quy định nào của pháp
luật và biện pháp xử lý ra sao?
3.
Việc Bảo hiểm xã hội TP. H. tính lãi chậm trả đối với số tiền nợ trên có đúng
quy định pháp luật hay không?
Ban biên tập
15-01-2021
1. Căn cứ khoản 7, khoản 9 Điều 22 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong vụ việc trên, Bảo hiểm xã hội TP. H. có quyền:
+ Kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của Công ty TH.
+ Thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
+ Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
2. Hành vi của công ty TH đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vì theo quy định trên không cho phép chậm đóng bảo hiểm xã hội. Do đó việc công ty TH nợ tiền bảo hiểm xã hội là hành vi chậm đóng bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động và của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Công ty TH còn vi phạm trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Về biện pháp xử lý hành vi vi phạm:
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Công ty TH sẽ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của mình.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 7 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Công ty TH còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng do hành vi vi phạm nêu trên của mình.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên và yêu cầu của Bảo hiểm xã hội TP. H., Công ty TH phải thanh toán số tiền nợ bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31/8/2013 là 2.754.152.533 đồng.
3. Việc tính lãi chậm trả với số nợ trên là phù hợp quy định của pháp luật bởi lẽ theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, do Công ty TH vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật này về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội và đây là hành vi bị nghiêm cấm. Cho nên ngoài việc phải đóng đủ số tiền chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, Công ty TH còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên và yêu cầu của Bảo hiểm xã hội TP. H., bên cạnh số tiền nợ phải thanh toán, Công ty TH còn phải thanh toán tiền lãi do chậm đóng là 853.986.175 đồng, tổng số tiền bao gồm tiền nợ bảo hiểm xã hội và lãi chậm đóng là 3.608.138.708 đồng.
Thêm vào đó, nếu Công ty không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của Công ty này để nộp số tiền chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.