Người lao động nghỉ việc để chữa bệnh vào ngày thứ 7 và chủ nhật nhưng không được thanh toán chế độ ốm đau hai ngày này có đúng quy định không?

227 lượt xem
Ông Nguyễn Hoàng Nam đang làm việc tại Công ty Cổ phần A.K và cũng đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngày 24/12/2019, ông Nam đi chữa bệnh nên nghỉ 07 ngày, trong đó ngày 24/12/2019 là ngày phẫu thuật, 6 ngày tiếp theo điều trị ngoại trú. Sau đó, ông Nam đã nộp hồ sơ đầy đủ cho Công ty để xin thanh toán chế độ ốm đau.

Sau khi nhận hồ sơ, đại diện Công ty Cổ phần A.K đã trả lời ngày thứ 7 và chủ nhật không được bảo hiểm xã hội thanh toán chế độ.

Ông Nam không đồng ý với việc Ông không được thanh toán chế độ ngày thứ 7 và chủ nhật. Bởi vì Ông cho rằng, do tính chất công việc nên Ông làm việc 6 ngày/tuần, không được nghỉ ngày thứ 7 và chủ nhật, luân phiên nhau nghỉ vào các ngày thường trong tháng, mỗi tháng được nghỉ 1 ngày. Tháng 12/2019, tôi được nghỉ hằng tuần vào ngày thứ 6.

1. Ông Nam nghỉ việc, chữa bệnh ngày thứ 7 và chủ nhật nhưng không được thanh toán chế độ ốm đau hai ngày này là đúng hay không?

2. Trường hợp không đồng ý với việc thanh toán chế độ ốm đau, ông Nam có quyền khiếu nại hay không? Thủ tục, hồ sơ khiếu nại được quy định như thế nào?

Ban biên tập
19-01-2021

1. Ông Nam nghỉ việc, chữa bệnh ngày thứ 7 và chủ nhật nhưng không được thanh toán chế độ ốm đau hai ngày này là đúng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau thông thường trong 1 năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Tại Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu 01B-HSB) ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN hướng dẫn cụ thể đơn vị sử dụng lao động ghi ngày nghỉ hàng tuần của người lao động không rơi vào ngày nghỉ hàng tuần theo quy định chung (ngày thứ Bảy và Chủ nhật) thì cần ghi rõ. Ví dụ: Ngày nghỉ hàng tuần vào ngày thứ Hai, thứ Năm hoặc Chủ nhật thì ghi: T2, T5 hoặc CN.

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp của ông Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ốm đau do đơn vị sử dụng lao động nộp để giải quyết chế độ ốm đau đối với ông. Ông không được chi trả tiền trợ cấp ốm đau đối với thời gian nghỉ ốm đau trùng với ngày nghỉ hàng tuần (trừ trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành).

Tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ hàng tuần như sau: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động. Trường hợp ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

Tại Điều 118, Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản và phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh. Nội quy lao động bao gồm nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp một số thông tin để ông tham khảo và có ý kiến với công ty của ông cần căn cứ vào quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện đảm bảo quyền lợi đối với người lao động.

2. Trường hợp không đồng ý với việc thanh toán chế độ ốm đau, ông Nam được quyền khiếu nại.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là ông Nam có quyền khiếu nại về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Cụ thể trong trường hợp này là khiếu nại về việc thanh toán chế độ ốm đau cho ông.

Để làm rõ hơn, theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu người lao động là ông Nam có căn cứ cho rằng quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán chế độ ốm đau cho ông ngày thứ 7 và chủ nhật là vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông thì ông Nam có quyền đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội này xem xét lại quyết định của mình.

Thủ tục, hồ sơ khiếu nại bảo hiểm xã hội như sau:

Về hồ sơ khiếu nại bảo hiểm xã hội:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, hình thức khiếu nại như sau:

- Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ:

+ Ngày, tháng, năm khiếu nại;

+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại;

+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;

+ Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Bên cạnh đó, người khiếu nại là ông Nam có thể giao nộp thêm:

+ Tài liệu chứng cứ

+ Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có)

+ Tài liệu khác có liên quan

- Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại (trong trường hợp trên là cơ quan bảo hiểm xã hội) hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung vừa nêu ở trên.

Về thủ tục khiếu nại bảo hiểm xã hội:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, người lao động là ông Nam thực hiện thủ tục khiếu nại bảo hiểm xã hội như sau:

- Ông Nam khiếu nại lần đầu đến cơ quan bảo hiểm xã hội đã ra quyết định không thanh toán chế độ ốm đau cho ông ngày thứ 7 và chủ nhật.

- Trường hợp ông Nam không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Trường hợp ông Nam không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận