Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị
323 lượt xem
Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị được quy định như
thế nào?
Ban biên tập
25-09-2020
Theo Điều
150 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhiệm kỳ và số lượng thành viên
Hội đồng quản trị được quy định như sau:
- Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ
công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.
- Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc
lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ
không hạn chế. Quy định về nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị trong Luật
Doanh nghiệp năm 2014 có thể dẫn tới nhiều bất cập trong thực tiễn. Bởi vì,
nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng quản trị đều là 05 năm nhưng thời điểm bắt
đầu và thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của từng thành viên Hội đồng quản trị là
khác nhau. Do đó, thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu vào những thời
điểm khác nhau. Nói cách khác, quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thể
dẫn đến hệ quả là bầu thành viên Hội đồng quản trị được chia ra làm nhiều đợt
để bầu. Với ưu thế về số phiếu bầu, trong từng đợt bầu thành viên Hội đồng quản
trị, cổ đông lớn dễ dàng chiến thắng để đưa ứng viên của họ vào Hội đồng quản
trị. Trong trường hợp này, phương thức bầu dồn phiếu không còn có tác dụng
trong bảo vệ cổ đông thiểu số, dẫn đến cơ hội để cổ đông thiểu số đưa người vào
Hội đồng quản trị sẽ thấp đi, hệ quả kéo theo là nguy cơ về sự thiếu minh bạch
trong quản trị công ty.[1]
Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên Hội
đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định. Trường
hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành
viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới
được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy
định khác.
Trường hợp công ty cổ phần được tổ chức quản lý theo quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 134 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Mô hình 2)
thì các giấy tờ, giao dịch của công ty phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước
họ, tên của thành viên Hội đồng quản trị tương ứng.
Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, quyền, nghĩa vụ,
cách thức tổ chức và phối hợp hoạt động của các thành viên độc lập Hội đồng
quản trị.
[1]
Hoàng Thị Hoài Thu (2020), Hai điểm yếu sinh tử
của luật trong bảo vệ cổ đông thiểu số, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online,
https://www.thesaigontimes.vn/td/299405/hai-diem-yeu-sinh-tu-cua-luat-trong-bao-ve-co-dong-thieu-so.html,
truy cập 15/4/2020.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.