Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa chịu thuế và không chịu thuế GTGT
423 lượt xem
Công ty tôi là công ty chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng
và sản phẩm y tế. Hiện nay công ty tôi nhập khẩu nguyên liệu thép không gỉ
nguyên liệu để sản xuất các thiết bị gia dụng và nẹp vít trong xương. Vậy xin
hỏi toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào công ty tôi nộp khi nhập khẩu cho
nguyên liệu thép không gỉ trên có được khấu trừ toàn bộ khi sản xuất ra hai sản
phẩm trên không?
Ban biên tập
29-06-2020
Căn cứ Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ Y tế, những sản phẩm là trang thiết bị y tế thường dùng cho người tàn tật được liệt kê và mô tả tại các nhóm mã hàng 8713 và 9021, bao gồm:
- Xe lăn, xe đẩy, cáng cứu thương và các xe tương tự được thiết kế đặc biệt để chở người tàn tật có hoặc không có cơ cấu vận hành cơ giới;
- Các dụng cụ chỉnh hình hoặc đinh, nẹp, vít xương;
- Răng giả;
- Chi tiết gắn dùng trong nha khoa;
- Khớp giả;
- Các bộ phận nhân tạo khác của cơ thể;
- Thiết bị trợ thính, trừ các bộ phận và phụ kiện
- Thiết bị điều hòa nhịp tim dùng cho việc kích thích cơ tim, trừ các bộ phận và phụ kiện;
- Dụng cụ khác được lắp hoặc mang theo hoặc cấy ghép vào cơ thể để bù đắp khuyết tật hay sự suy giảm của bộ phận cơ thể (ví dụ: khung giá đỡ mạch vành, hạt nút mạch, lưới lọc huyết khối, dụng cụ đóng động mạch; thủy tinh thể nhân tạo...);…
Và đồng thời theo quy định tại Khoản 24 Điều 5 Luật thuế Giá trị gia tăng năm 2008 của Quốc hội có quy định:
“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
…
24. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật.
…”
Theo các quy định này thì nẹp vít xương là hàng hóa thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, căn cứ vào Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng được sửa đổi theo quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
…
2. Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.
…”.
Căn cứ vào các nội dung trên cho thấy, công ty bạn vừa sản xuất sản phẩm chịu thuế giá trị gia tăng (các sản phẩm gia dụng từ thép không gỉ) và sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng (nẹp vít xương). Cho nên, chúng tôi chia thành hai trường hợp:
(1) Công ty bạn chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của nguyên liệu dùng cho sản xuất hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sản phẩm gia dụng thép không gỉ) nếu công ty bạn hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ.
(2) Trường hợp công ty bạn không hạch toán riêng được phần nguyên liệu nào dùng sản xuất ra sản phẩm gia dụng thép không gỉ và vít nẹp xương thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (sản phẩm gia dụng thép không gỉ), doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (doanh thu của nẹp vít xương) so với tổng doanh thu của hàng hóa bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.