Thành viên bị kết án tù có thuộc trường hợp đương nhiên chấm dứt tư cách thành viên công ty TNHH 2TV trở lên hay không? Nguyên tắc và điều kiện phân chia lợi nhuận trong công ty TNHH là như thế nào?
383 lượt xem
Ngày 02/08/2014, ông Quý góp vốn làm thành
viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thành Tâm. Ngày 09/08/2014, ông Quý
được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm, phụ trách lĩnh vực xây
dựng của công ty. Tham gia vào Công ty TNHH Thành Tâm, các thành viên công ty
đều thỏa thuận về phương thức phân phối lợi nhuận như sau: Mỗi thành viên được
phân công hoạt động trong một lĩnh vực và phải tự lo toàn bộ hoạt động sản
xuất, kinh doanh của mình. Khi phát sinh doanh số thì phải nộp tiền thuế qua
công ty và phải nộp vào quỹ của công ty 1,5% để sử dụng chi tiêu vào các hoạt
động hành chính của công ty. Lãi còn lại thành viên đó được hưởng, lỗ thì phải
tự chịu.
Trong quá trình công ty hoạt động, ông Quý
bị Tòa án quân sự Quân khu I xử phạt hai năm tù về tội “Làm giả tài liệu cơ
quan, tổ chức”. Với lý do ông Quý vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín
của công ty nên Hội đồng thành viên công ty tổ chức họp và ra nghị quyết chấm
dứt tư cách thành viên công ty của ông Quý. Nội dung chấm dứt tư cách thành
viên của ông Quý cũng thể hiện trong quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2017 của
Giám đốc Công ty.
Do đó, ngày 25/8/2018, ông Quý đã khởi
kiện ra Tòa án với các yêu cầu sau:
Ông góp vốn làm thành viên công ty Thành
Tâm từ năm 2014. Ngày 28/10/2017, Giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm ra quyết định
số 18/QĐ-CT chấm dứt tư cách thành viên Công ty TNHH Thành Tâm của ông nên ông
yêu cầu:
- Hủy bỏ quyết định số 18/QĐ-CT ngày
28/10/2017 của Giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm của Giám đốc Công ty TNHH Thành
Tâm, phục hồi toàn bộ quyền lợi thành viên Công ty cho ông; bồi thường những
thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, về thu nhập bị mất do Quyết định sai trái này
gây ra;
- Buộc Giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm
phải thanh toán số tiền còn nợ (cả gốc và lãi) trong công trình Malaysia và các
khoản nợ theo cam kết, cụ thể gồm: 126.000.000 đồng chi phí khai thác công
trình Malaysia;
- Chia lợi nhuận của Công ty cho các thành
viên theo tỷ lệ vốn góp.
Tại tòa, ông Kim (Giám đốc công ty) đại
diện cho công ty TNHH Thành Tâm trình bày:
- Về công trình Malaysia, cả ông Kim và
ông Quý đều có công khai thác. Khi xong phần thủ tục ban đầu, chuẩn bị đến giai
đoạn thi công thì ông Quý bị bắt và bị Tòa án quân sự Quân khu I xử phạt hai
năm tù về tội “Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức”, thu lại thẻ thương binh. Do
đây là lĩnh vực kinh doanh của ông Quý, nên Công ty TNHH Thành Tâm đã ký hợp
đồng với ông Nguyễn Chừng (bố đẻ của ông Quý) để tiếp tục thi công đến hoàn
thiện công trình. Năm 2017, Công ty TNHH Thành Tâm đã quyết toán xong với ông
Chừng. Tổng giá trị công trình là 882.000.000 đồng, phần chi phí của ông Chừng
kê khai và đã lĩnh là 678.000.000 đồng, phần ông Kim chi phí là 187.662.000
đồng. Ngoài phần nộp thuế cho Nhà nước và nộp cho Công ty 1,5%, số lãi còn lại
giữa ông Chừng và ông Kim đã thanh toán xong, không phát sinh ý kiến gì. Việc
ông Quý đòi số tiền chi phí khai thác 126.000.000 đồng là không có căn cứ, nếu
ông Quý xuất trình được chứng từ hợp lệ thì Công ty sẽ thanh toán đầy đủ.
- Về việc ông Quý đòi chia lợi nhuận của
Công ty, đây là yêu cầu trái với quy định của Công ty TNHH Thành Tâm. Theo quy
định này thì ở Công ty TNHH Thành Tâm mỗi người hoạt động kinh doanh độc lập
trên một lĩnh vực và tự hạch toán lỗ lãi – lời ăn, lỗ chịu chỉ phải đóng thuế
qua Công ty và phải nộp cho Công ty 1,5% tổng giá trị hợp đồng để chi phí hành
chính, số tiền này là rất nhỏ. Vì vậy, Công ty TNHH Thành Tâm chưa bao giờ có
việc chia lợi nhuận cho các thành viên.
- Do ông Quý vi phạm pháp luật làm ảnh
hưởng đến uy tín của Công ty nên tất cả các thành viên Công ty đã nhất trí ra
nghị quyết và Giám đốc Công ty đã ra quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2017
chấm dứt tư cách thành viên Công ty của ông Quý.
Cho hỏi:
1. Sự việc ông Quý bị Tòa án quân sự Quân
khu I xử phạt hai năm tù về tội “Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức” có phải là
trường hợp làm chấm dứt tư cách thành viên Công ty TNHH Thành Tâm?
2. Thỏa thuận về phương thức phân phối lợi nhuận của các thành viên Công ty TNHH Thành Tâm có phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không?
Ban biên tập
20-07-2020
Thứ nhất, về sự kiện ông Quý bị Tòa án quân sự Quân khu I xử phạt hai năm tù về tội “Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức”
Theo quy định pháp luật hiện hành, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thể phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý nhất định, phụ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi như trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính.
Liên quan đến công ty, nếu thành viên nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rõ ràng là thành viên phải tự chịu trách nhiệm cá nhân, cụ thể: (i) Vi phạm pháp luật; (ii) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác; (iii) Thanh toán khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.[1]
Như vậy, trước Nhà nước và pháp luật, thành viên chịu trách nhiệm cá nhân khi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tư cách thành viên công ty có bị chấm dứt hay không thì phải xem xét vào các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành viên không đương nhiên là người quản lý doanh nghiệp. Thành viên chỉ có thể là người quản lý khi được bầu, bổ nhiệm hoặc đề cử vào chức danh quản lý của công ty. Hay nói cách khác, tư cách thành viên độc lập với tư cách người quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy, Luật Doanhnghiệp năm 2014 có nhiều quy định mang tính gián tiếp cho thấy rằng, thành viên rơi vào trường hợp bị cấm quản lý doanh nghiệp vẫn không chấm dứt tư cách thành viên, chẳng hạn như:
- Khoản 2 Điều 54: Trường hợp có thành viên bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người giám hộ.
- Khoản 3 Điều 56: Trường hợp cá nhân là thành viên công ty TNHH bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty.
Trong Công ty TNHH Thành Tâm, ông Quý có tư cách thành viên từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Quý bị Tòa án quân sự Quân khu I xử phạt hai năm tù về tội “Làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức”. Với lý do ông Quý vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty, cho nên công ty tổ chức họp Hội đồng thành viên để ra nghị quyết chấm dứt tư cách thành viên Công ty của ông Quý. Nội dung chấm dứt tư cách thành viên của ông Quý cũng thể hiện trong quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2017 của Giám đốc Công ty.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc làm của Hội đồng thành viên và Giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, bởi lẽ:
Một là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên là người quản lý đương nhiên của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định minh thị chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh mới là người quản lý đương nhiên của doanh nghiệp.[2] Mặt khác, công ty TNHH là loại hình công ty trung gian giữa công ty đối nhân và công ty đối vốn, nó vừa có những tính chất của công ty đối nhân.[3] Tuy nhiên, yếu tố vốn góp của thành viên vẫn là yếu tố chi phối về quyền và nghĩa vụ của thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên.[4]
Hai là, khoản 3 Điều 56 quy định rõ ràng: Trường hợp cá nhân là thành viên công ty TNHH bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty.
Như vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, khi thành viên bị kết án tù thì thành viên đó không chấm dứt tư cách thành viên.
Việc Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thành Tâm tổ chức họp, ra nghị quyết chấm dứt tư cách thành viên của ông Quý với lý do vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chính vì vậy, ông Quý yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Hội đồng thành viên và Hủy bỏ quyết định số 18/QĐ-CT ngày 28/10/2017 của Giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm, phục hồi toàn bộ quyền lợi của thành viên cho ông là có cơ sở.
Thứ hai, thỏa thuận về phương thức phân phối lợi nhuận của các thành viên Công ty TNHH Thành Tâm
Với tư cách là công ty có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 69) quy định rất chặt chẽ về điều kiện để chia lợi nhuận, cụ thể: Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận. Sau khi thỏa mãn các điều kiện Luật định và các điều kiện khác của công ty, lợi nhuận được chia dựa trên tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty.[5]
Vốn điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty.[6] Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.[7] Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, quyền và nghĩa vụ của thành viên được Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định dựa trên tỷ lệ vốn góp. Về lợi nhuận, khác với mô hình công ty hợp danh[8], Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rõ ràng: “Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp”.[9] Tức là, Luật không cho phép công ty TNHH hai thành viên trở lên được lựa chọn nguyên tắc phân chia lợi nhuận khác.
Trong Công ty TNHH Thành Tâm, các thành viên đã thỏa thuận về phương thức phân phối lợi nhuận như sau: Mỗi thành viên được phân công hoạt động trong một lĩnh vực và phải tự lo toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Khi phát sinh doanh số thì phải nộp tiền thuế qua Công ty và phải nộp vào quỹ của Công ty 1,5% để sử dụng chi tiêu vào các hoạt động hành chính của Công ty. Lãi còn lại thành viên đó được hưởng, lỗ thì phải tự chịu”. Theo chúng tôi, thỏa thuận trên không phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, bởi lẽ:
Một là, thỏa thuận phân chia lợi nhuận của các thành viên Công ty TNHH Thành Tâm chưa đề cập đến các điều kiện quan trọng theo Luật Doanh nghiệp: 1. Kinh doanh có lãi; 2. Bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận. Do đó, nếu thực tế các thành viên vẫn tự phân phối lợi nhuận cho mình mà không thỏa mãn 02 điều kiện trên thì có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý là các thành viên phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận hoặc phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty cho đến khi các thành viên đã hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận tương đương với phần vốn đã giảm hoặc lợi nhuận đã chia.[10]
Hai là, thỏa thuận phân phối lợi nhuận của các thành viên không dựa trên tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ công ty, mà phụ thuộc thuộc vào khả năng tự kinh doanh dưới danh nghĩa công ty của các thành viên (lời ăn lỗ chịu). Thỏa thuận này đi ngược lại với các nguyên tắc và quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Vì các lẽ trên, có thể nhận định rằng, thỏa thuận phân chia lợi nhuận của các thành viên Công ty TNHH Thành Tâm và các ý kiến của ông Kim tại phiên xét xử liên quan đến yêu cầu chia lợi nhuận của ông Quý đều không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Khi các nhà đầu tư muốn kinh doanh bằng mô hình công ty thì họ có nhiều giải pháp khác phù hợp với khuôn khổ pháp luật, thay vì đưa ra những thỏa thuận nội bộ như trường hợp của các thành viên Công ty TNHH Thành Tâm. Chẳng hạn như các giải pháp sau:
(i) Thành lập công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh được thỏa thuận trong Điều lệ công ty là phân phối lợi nhuận theo mức cao hơn so với tỷ lệ vốn góp của thành viên hợp danh trong vốn điều lệ công ty.
(ii) Thành lập công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên: Các thành viên, cổ đông được xem là người lao động và công ty có thể ký hợp đồng lao động với họ, gồm các “đãi ngộ” phù hợp với mức độ đóng góp tích cực của thành viên, cổ đông đối với công ty công ty.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam – Tập 1, Nxb. Tư pháp, tr. 131.
[8] Công ty hợp danh là mô hình công ty mang tính đối nhân. Yếu tố ảnh hưởng đến việc ra đời, tồn tại của công ty phụ thuộc vào nhân thân của thành viên hợp danh. Chính vì vậy, bên cạnh nguyên tắc “chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp” thì lợi nhuận chia cho thành viên hợp danh có thể “theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty” (điểm đ khoản 1, Điều 176, Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.