Mức hưởng và Hồ sơ, thủ tục để người lao động được hưởng chế độ thai sản theo pháp luật quy định như thế nào?
216 lượt xem
Bên
tranh chấp 1: Bà B
Bên
tranh chấp 2: Công ty cổ phần D
Bên
liên quan khác : Bảo hiểm xã hội quận T
Tháng
3/2018 bà B nộp đơn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu buộc Công ty D phải trả cho bà
số tiền bảo hiểm xã hội đáng lẽ bà được nhận.
1.
Bà B cần làm hồ sơ và thực hiện thủ tục gì để được hưởng chế độ thai sản khi
sinh con?
2.
Yêu cầu của bà B được giải quyết như thế nào?
3.
Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con của bà B được tính như thế nào?
Ban biên tập
13-01-2021
1. Hồ sơ và thủ tục để bà B được hưởng chế độ thai sản khi sinh con là:
Theo quy định tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bà B cần làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm những giấy tờ sau:
+ Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con bà B.
+ Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động là Công ty D lập.
Sau đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 45 ngày làm việc, bà B phải có trách nhiệm nộp hồ sơ nêu trên cho Công ty D. Tiếp đến, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ bà B, Công ty D phải có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để cơ quan này giải quyết và chi trả chế độ thai sản cho bà.
2. Yêu cầu của bà B được giải quyết như sau:
Căn cứ khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bà B có quyền được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này và được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, cụ thể là trợ cấp thai sản kịp thời thông qua người sử dụng lao động là Công ty D.
Căn cứ khoản 4 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty D phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội quận T chi trả trợ cấp thai sản cho bà B.
Tuy nhiên, sau khi bảo hiểm xã hội quận T chi trả bằng cách chuyển số tiền trợ cấp thai sản cho bà B thông qua Công ty D vào tháng 9/2017 thì Công ty này đã không thanh toán lại cho bà. Hành vi này của Công ty D là hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội, cụ thể là tiền trợ cấp thai sản của bà B và đây là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 3 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, từ các quy định trên, Công ty D buộc phải trả cho bà B số tiền trợ cấp thai sản ngay một lần.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Công ty D sẽ bị phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động là bà B mà Công ty đã chiếm dụng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
3. Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con của bà B được tính như sau
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con là bà B được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Bà B sinh con nên đã nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ tháng 2/2017 đến tháng 7/2017, như vậy bà đã nghỉ việc hưởng chế độ tổng cộng 06 tháng.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng chế độ thai sản của bà B một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.
Giả sử: mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bà trong 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ là 6.000.000 đồng/tháng, vậy cứ mỗi tháng nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (tối đa 06 tháng) bà được hưởng 6.000.000 đồng/tháng. Do bà đã nghỉ việc từ tháng 02/2017 đến tháng 7/2017 nên tổng mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian này của bà là 6.000.000 đồng × 06 tháng = 36.000.000 đồng.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.