Mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
268 lượt xem
Mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được pháp
luật quy định như thế nào?
Ban biên tập
18-01-2021
Căn cứ quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định như sau:
Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với điều kiện mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất phải bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn công thức tính cụ thể như sau:
Mdt = 22% x Mtnt
Trong đó:
- Mdt: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng.
- Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn, được tính theo công thức dưới đây:
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)
Trong đó:
- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng:Từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2020 mức đóng hằng tháng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng; từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 4 năm 2016 mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.060.000 đồng/tháng, từ tháng 5 năm 2016 trở đi mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.324.000 đồng/tháng cho tới khi Chính phủ quy định mức lương cơ sở mới.
Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần thì mức đóng cũng được xác định bằng công thức trên sau đó nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Trong trường hợp người tham gia bảo hiểm tự nguyện đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Nghị định này thì mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng theo công thức sau đây:
Trong đó:
- T1: Mức đóng một lần cho n năm về sau (đồng).
- Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).
- n: Số năm đóng trước do người tham gia bảo hiểm xã hội chọn, nhận một trong các giá trị từ 2 đến 5.
- i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến (n×12).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Trong trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo các quy định nêu trên mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định này thì mức đóng được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng với công thức dưới đây:
Trong đó:
- T2: Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu (đồng).
- Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%/tháng).
- t: Số tháng còn thiếu, nhận một trong các giá trị từ 1 đến 120.
- i: Tham số tự nhiên có giá trị từ 1 đến t.
Còn đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 9 Nghị định này mà trong thời gian đó dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định này hoặc bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó.
Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong hai trường hợp đầu hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có), được xác định theo công thức sau:
Trong đó:
- HT: Số tiền hoàn trả (đồng).
- Mi: Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- T: Số tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).
- r: Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng (%).
- n: Số năm đã đóng trước do người tham gia bảo hiểm xã hội chọn, nhận một trong các giá trị từ 2 đến 5.
- t: Số tháng còn lại của phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng.
- i: Tham số tự nhiên có giá trị từ (n×12-t+1) đến (n×12).
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ sẽ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động theo từng trường hợp cụ thể được quy định trong pháp luật hiện hành.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.