Khái niệm công ty cổ phần

270 lượt xem
Mô hình công ty cổ phần là gì?
Ban biên tập
22-07-2020

Khi có nhu cầu kinh doanh một cách thường xuyên và liên tục, nhà đầu tư có thể lựa chọn những loại hình doanh nghiệp khác nhau để đầu tư kinh doanh. Một trong những loại hình doanh nghiệp được nhà đầu tư ưu chuộng là công ty cổ phần (CTCP).

CTCP là một trong bốn mô hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đây là một loại hình kinh doanh phổ biến hiện nay, được xem là phương thức phát triển cao nhất từ trước đến nay của con người, nhằm thu hút và huy động vốn cho kinh doanh; qua đó, thúc đẩy và phát triển nền kinh tế của các quốc gia phát triển trên thế giới. Đặc biệt, mô hình kinh doanh này thích hợp với các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh với quy mô lớn, với những ưu điểm đặc trưng như: chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, kênh huy động vốn đa dạng, không bị hạn chế số lượng nhà đầu tư, quyền chuyển nhượng cổ phần (CP) dễ dàng… CTCP là mô hình công ty đối vốn điển hình, khác với mô hình công ty đối nhân, sự ra đời của công ty đối vốn không quan tâm đến nhân thân của người góp vốn mà chỉ quan tâm đến yếu tố vốn góp của họ.

Pháp luật doanh nghiệp hiện hành không đưa ra khái niệm CTCP, tuy nhiên, từ những đặc trưng pháp lý về CTCP nêu tại Điều 110 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, có thể khái quát về CTCP như sau: CTCP là một loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn, có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là CP, trong đó phải có CP phổ thông và có thể có các loại CP ưu đãi khác nhau, CP được tự do chuyển nhượng (trừ một số trường hợp ngoại lệ); công ty được phép phát hành các loại chứng khoán để huy động vốn; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa.

Cần lưu ý rằng, pháp luật chuyên ngành có thể không sử dụng trực tiếp thuật ngữ CTCP nhưng về bản chất pháp lý trong tổ chức hoạt động thì đó chính là CTCP. Chẳng hạn, Luật Chứng khoán năm 2019 sử dụng thuật ngữ công ty đại chúng để chỉ những CTCP thuộc một trong hai trường hợp sau đây: (i) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; (ii) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.[1] Hay theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì ngân hàng thương mại trong nước và tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước có thể được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty CP.[2] Các loại CTCP này còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành với tư cách là pháp luật chuyên ngành.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận