Hội đồng thành viên tổ chức họp có bắt buộc phải mời thành viên tham dự hay không? Thành viên của công ty TNHH 2TV trở lên có quyền nhân danh chính mình để kinh doanh các ngành, nghề của công ty hay không?

222 lượt xem

Năm 2016, ông Hải, ông Cường và ông Thắng cùng nhau thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn X, kinh doanh lĩnh vực tư vấn đầu tư. Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh H cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong vốn điều lệ của công ty, trong đó ông Hải góp 774 triệu đồng, ông Cường góp 775 triệu đồng và ông Thắng góp 800 triệu đồng. Ông Thắng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và là người đại diện theo pháp luật của công ty; còn ông Cường được bổ nhiệm làm Giám đốc.

Trong quá trình hoạt động, giữa ba ông nảy sinh bất đồng trong việc điều phối công việc và phân chia lợi nhuận. Từ giữa năm 2017, ông Cường vẫn thực hiện việc điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là Giám đốc. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời nhận khách hàng để tư vấn với danh nghĩa cá nhân mình, hưởng thù lao trực tiếp từ khách hàng mà không thông qua công ty. Các thành viên còn lại biết việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty, cho nên ngày 27/10/2017 đã triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên để giải quyết, nhưng ông Cường không tham dự cuộc họp.

Hoạt động của công ty ngày càng trì trệ vì mâu thuẫn giữa các thành viên. Ngày 17/03/2018, ông Thắng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức họp Hội đồng thành viên nhưng không mời ông Cường vì cho rằng có gửi thông báo mời thì ông Cường cũng không dự họp.

Cuộc họp Hội đồng thành viên thống nhất và ra nghị quyết khai trừ ông Cường ra khỏi công ty với lý do có hành vi kinh doanh, cạnh tranh với công ty. Công ty quyết định sẽ mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Cường với giá là 1 tỷ đồng.

1. Việc ông Thắng triệu tập họp Hội đồng thành viên nhưng không mời ông Cường có phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay không?

2. Ông Cường có được phép nhận khách hàng của công ty để tư vấn hay không?

Hành vi của ông Cường có phải là một căn cứ để Hội đồng thành viên khai trừ ông này ra khỏi Công ty?

Ban biên tập
20-07-2020

Thứ nhất, việc ông Cường triệu tập họp Hội đồng thành viên nhưng không mời ông Thắng.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, quyền dự họp Hội đồng thành viên là một quyền quan trọng của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.[1] Khi tổ chức họp Hội đồng thành viên, các thành viên sẽ thảo luận, kiến nghị và biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Nghị quyết được thông qua sẽ có giá trị thi hành, liên quan tới quyền lợi của công ty, các thành viên, thậm chí là các chủ thể liên quan khác. Chính vì vậy, trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp Hội đồng thành viên phải tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Việc ông Thắng triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên nhưng không gửi thông báo mời cho ông Cường là vi phạm quy định về thủ tục, trình tự tiến hành họp Hội đồng thành viên.[2] Ông Thắng cho rằng có gửi thông báo mời thì ông Cường cũng không tham dự là không phù hợp với quy định của pháp luật. Giả sử, nếu ông Thắng tuân thủ quy định về triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, và ông Cường không dự họp thì lúc này mới có cơ sở về tính hợp pháp và hiệu lực pháp lý của nghị quyết hội đồng thành viên. Bởi vì, theo Điều 59 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên thì cuộc họp Hội đồng thành viên có thể được tiến hành đến lần thứ ba, với các điều kiện giảm dần theo lần triệu tập. Trường hợp cuộc họp được triệu tập lần thứ ba thì điều kiện tiến hành sẽ không phụ thuộc số thành viên dự họp và số vốn điều lệ được đại diện bởi số thành viên dự họp. Thành viên không dự họp đương nhiên mất đi quyền biểu quyết, nghị quyết được thông qua sẽ có giá trị pháp lý, nếu nội dung nghị quyết phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Như vậy, về trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty X vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp có thể là cơ sở để ông Cường yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên.[3]

          Thứ hai, ông Thắng nhận khách hàng để tư vấn

          Trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, “trung thành với lợi ích của công ty” là một trong những trách nhiệm mà Luật Doanh nghiệp đặt ra cho người quản lý công ty. Người quản lý phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; đồng thời không được sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.[4] Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về trách nhiệm của người quản lý nhưng lại sử dụng các thuật ngữ mang tính chất “định tính” để xác định trách nhiệm, tạo ra những cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế. Đến hiện tại, vẫn chưa có án lệ nào về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp. 

          Ông Cường là Giám đốc, người quản lý doanh nghiệp. Cho nên, đứng từ góc độ Công ty và các thành viên còn lại, việc ông Cường nhận khách hàng của Công ty để tư vấn với danh nghĩa cá nhân mình và nhận thù lao trực tiếp từ khách hàng mà không thông qua Công ty là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc khẳng định ông Cường không trung thành với Công ty sẽ rất khó, bởi nội hàm trách nhiệm trung thành, trung thực, cẩn trọng và tốt nhất khá “mơ hồ”. Tất nhiên, nếu sự việc này kéo dài, hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng xấu. Do đó, để bảo vệ lợi ích của chính mình và công ty, Điều lệ công ty nên quy định và làm rõ vấn để này để có cơ chế xử lý.

          Thứ ba, vấn đề khai trừ ông Cường ra khỏi Công ty

Ông Cường mang hai tư cách pháp lý trong Công ty X: một là, Giám đốc Công ty (người quản lý doanh nghiệp); hai là, thành viên Công ty. Nếu như muốn miễn nhiệm hay bãi nhiệm chức danh Giám đốc của ông này thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật và thẩm quyền này thuộc về Hội đồng thành viên. Việc ông Hải và ông Thắng tự tổ chức họp Hội đồng thành viên để miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ Giám đốc của ông Cường là sai với quy định của pháp luật doanh nghiệp.[5] Một hành vi trái luật quan trọng hơn đó là khai trừ ông Cường ra khỏi Công ty. Vấn đề khai trừ thành viên chỉ được Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cụ thể đối với trường hợp công ty hợp danh; còn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định. Tuy nhiên, thẩm quyền của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn quy định các quyền khác do Điều lệ công ty quy định.[6] Do đó, Điều lệ công ty có thể quy định việc khai trừ thành viên công ty. Trong tình huống trên, ông Hải và ông Thắng muốn khai trừ ông Cường thì phải xem xét đến việc Điều lệ công ty có quy định về khai trừ thành viên hay không. Nếu Điều lệ công ty không quy định về quyền này cho Hội đồng thành viên Công ty X thì nội dung nghị quyết được xem là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

 


Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận