Hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần có bắt buộc có “Sổ BHXH”? Khi chấm dứt Hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động trả sổ BHXH cho người lao động khi nào? Xử lý ra sao khi người sử dụng lao động không trả sổ BHXH
240 lượt xem
Ông Nguyễn Văn T làm việc
theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn tại Công ty TNHH MTV P.P và đóng bảo
hiểm xã hội từ tháng 4 năm 2015 đến khi nghỉ việc. Ngày 24/4/2020, ông T được
Công ty đồng ý cho nghỉ việc. Ông T ngừng đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 5 năm
2020.
Ông T đã nhiều lần gọi điện
thoại đến Công ty yêu cầu trả sổ bảo hiểm xã hội để ông hưởng chế độ bảo hiểm
thất nghiệp và chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, đến nay – tháng
9/2020, Công ty vẫn không trả sổ bảo hiểm xã hội cho Ông.
1. Sau 04 tháng nghỉ việc,
ông T không được Công ty P.P trả sổ bảo hiểm xã hội là đúng hay trái pháp luật?
2. Trường hợp không được trả
sổ bảo hiểm xã hội, ông T có thể nộp hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp
và chế độ bảo hiểm xã hội một lần hay không?
3. Ông T nên gửi đơn đến cơ
quan, tổ chức nào để buộc Công ty P.P trả sổ bảo hiểm xã hội?
Ban biên tập
19-01-2021
1. Sau 04 tháng nghỉ việc, ông T không được Công ty P.P trả sổ bảo hiểm xã hội là đúng hay trái pháp luật?
Tại khoản 2, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định quyền của người lao động "Được cấp và quản lý sổ BHXH". Bên cạnh đó, tại khoản 5, Điều 21, Luật này cũng quy định: Trách nhiệm của người sử dụng lao động là “phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động: “Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày” và “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Như vậy, việc công ty giữ sổ BHXH của ông T 04 tháng mà không trả cho ông là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của ông T.
2. Trường hợp không được trả sổ bảo hiểm xã hội, ông T có thể nộp hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chế độ bảo hiểm xã hội một lần hay không?
Tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về các giấy tờ cần thiết khi chuẩn bị hồ sơ hưởng BHXH một lần là phải có “sổ BHXH”.Vì vậy, để nhận được tiền trợ cấp BHXH một lần thì phải có sổ BHXH. Nếu trường hợp của ông T chưa nhận được sổ BHXH từ đơn vị sử dụng lao động, thì ông T phải liên hệ với đơn vị cũ để yêu cầu đơn vị làm thủ tục xác nhận quá trình đóng BHXH và trả sổ BHXH cho ông. Bởi lẽ, trong trường hợp không được trả sổ bảo hiểm thì hồ sơ để hưởng chế độ BHXH 1 lần của ông T đã không đủ điều kiện do thiếu “Sổ BHXH”.
3. Ông T nên gửi đơn đến cơ quan, tổ chức nào để buộc Công ty P.P trả sổ bảo hiểm xã hội?
Theo khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 số 58/2014/QH13 thì: “Người lao động… có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Về trình tự khiếu nại được quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật này là: “a) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết”;
Như vậy, trong trường hợp đơn vị cố tình không trả sổ BHXH cho thì ông T có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH. Ngoài ra, ông T còn có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Phòng Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty ông có trụ sở để cơ quan này giải quyết buộc công ty trả lại sổ BHXH cho ông T. Bên cạnh đó ông T cũng có thể thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án để buộc công ty trả lại sổ BHXH cho mình theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.