Quyền đối với con dấu của doanh nghiệp
325 lượt xem
Doanh nghiệp có quyền như
thế nào đối với con dấu của doanh nghiệp?
Ban biên tập
29-06-2020
Văn hóa sử dụng con dấu đã ăn sâu vào đời sống kinh doanh của doanh nghiệp. Xuất phát đòi hỏi của thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời học hỏi kinh nghiệm nhiều nước tiến bộ trên thế giới, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều cải cách tiến bộ về con dấu của doanh nghiệp. Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật ràng buộc về sử dụng con dấu của doanh nghiệp, cho nên con dấu vẫn là một công cụ không thể thiếu đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 12 và Điều 14 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính Phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (Nghị định số 96/2015/NĐ-CP), doanh nghiệp được quyền quyết định về số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đối với DNTN, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh (HD), Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần (CP) quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:
(i) Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
(ii) Số lượng con dấu.
(iii) Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.
Thông tin về mã số doanh nghiệp và tên doanh nghiệp trong nội dung mẫu con dấu thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Khoản 1 Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu sau đây trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu:
(i) Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
(ii) Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
(iii) Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khi sử dụng hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu. Tranh chấp giữa doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan về từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh sử dụng trong nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp được giải quyết tại Tòa án hoặc trọng tài. Doanh nghiệp phải chấm dứt việc sử dụng con dấu có từ ngữ, ký hiệu hoặc hình ảnh vi phạm quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh theo quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án hoặc trọng tài.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.