Điều kiện hưởng chế độ thai sản? Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc lập và nộp hồ sơ để người lao động hưởng chế độ thai sản? Người lao động có thể tự nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản không?

434 lượt xem
Chị Nguyễn Thanh L làm việc tại Công ty Cổ phần H.T theo hợp đồng lao động 36 tháng từ ngày 08/2/2017 đến ngày 22/4/2019. Khi làm việc ở tại Công ty này, chị L đã đóng bảo hiểm xã hội được 27 tháng.

Sau đó, Chị L đã thử việc tại Công ty TNHH T.P tháng 6/2019 và đóng BHXH ở Công ty này từ tháng 7/2019 đến tháng 2/2020. Do thai yếu cho nên chị L phải chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/3/2020. Chị L dự sinh vào 12/9/2020.

1.         Chị L có đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản hay không?

2.         Sau khi sinh con, Công ty H.T có nghĩa vụ lập và nộp hồ sơ để chị L hưởng chế độ thai sản sinh con hay không?

3.         Trường hợp Công ty H.T không thực hiện, chị L có thể tự mình nộp hồ sơ để hưởng chế độ thai sản hay không?

4.         Khi tự mình nộp hồ sơ để hưởng chế độ thai sản, chị L cần nộp hồ sơ gì và trình tự, thủ tục nộp hồ sơ được quy định như thế nào?

Ban biên tập
18-01-2021

1. Chị L có đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản hay không?

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của chị Lan đã đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty H.T được 27 tháng (do đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 08/2/2017 đến ngày 22/4/2019) và cũng đã đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty T.P được 8 tháng (do đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2019 đến tháng 2/2020). Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội của chị L là 35 tháng. Chị L dự sinh con vào 12/9/2020.

Như vậy, tính đến thời điểm dự sinh con, chị L đã đóng bảo hiểm xã hội được 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con nên chị L đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.

2. Sau khi sinh con, Công ty H.T có nghĩa vụ lập và nộp hồ sơ để chị L hưởng chế độ thai sản sinh con hay không?

Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về giải quyết chế độ thai sản như sau:

“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Theo quy định trên, sau khi trở lại làm việc, chị L có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho Công ty H.T. Sau đó, Công ty có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật này và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Thời hạn để thực hiện trách nhiệm trên là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động.

3. Trường hợp Công ty H.T không thực hiện, chị L có thể tự mình nộp hồ sơ để hưởng chế độ thai sản hay không?

Căn cứ theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu chị L vẫn tồn tại quan hệ lao động với Công ty H.T thì chị phải nộp hồ sơ thông qua Công ty chứ không thể tự mình nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm được. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu chị L đã thôi việc trước thời điểm sinh con thì chị có thể tự nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Còn đối với Công ty H.T, theo Công văn 1741/2014/LĐTBXH-BHXH có quy định trách nhiệm chi trả tiền thai sản cho người lao động thuộc về người sử dụng lao động, sau đó, người sử dụng lao động thực hiện quyết toán với tổ chức bảo hiểm xã hội. Vì vậy, nếu Công ty đã nhận hồ sơ của chị mà không giải quyết chế độ thai sản cho chị thì chị có quyền làm đơn khiếu nại lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Khi tự mình nộp hồ sơ để hưởng chế độ thai sản, chị L cần nộp hồ sơ gì và trình tự, thủ tục nộp hồ sơ được quy định như thế nào?

Khi tự mình nộp hồ sơ, căn cứ theo Điều 101 và khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chị cần nộp các loại giấy tờ sau:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.

Sau đó, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, chị L phải gửi hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Nếu chị nộp hồ sơ chậm thì phải giải trình bằng văn bản theo quy định tại Điều 116 Luật Bảo hiểm xã hội.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận