Điều kiện hưởng chế độ thai sản là gì? Người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không? Người lao động có thể tự đóng 100% tiền BHXH không?
252 lượt xem
Chị Trần Thị Kim S làm việc
tại Công ty Cổ phần T.C từ tháng 10/2017. Từ tháng 10/2017 đến nay, chị S và
Công ty đều tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Tháng 03/2020, chị S phát hiện
mình có thai được 01 tháng và dự kiến sinh con giữa tháng 12/2020.
Ngày 28/3/2020, chị S có
đơn xin nghỉ việc để ở nhà dưỡng thai và được Công ty T.C đồng ý cho nghỉ việc
từ ngày 01/4/2020. Trước khi chính thức nghỉ việc, chị S có gửi thư điện tử xin
Công ty T.C tạo điều kiện để chị được tham gia đóng bảo hiểm xã hội đến khi
sinh con, cụ thể chị S sẽ tự đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người đại
diện phòng nhân sự đã từ chối đề nghị của chị S.
1. Chị S có được hưởng chế
độ thai sản khi sinh con hay không?
2. Giả sử chị S không đủ điều
kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản thì chị S
có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện được hưởng chế độ
thai sản hay không?
3. Đại diện Công ty T.C từ
chối đề nghị tạo điều kiện để chị S tự đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội là đúng
không?
Ban biên tập
18-01-2021
1. Chị S có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Theo quy định trên, nếu chị S sinh con đúng theo dự kiện vào tháng 12/2020 thì khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con của chị S là từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2020. Trong khoảng thời gian này, chị đã tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định, vì vậy chị đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản.
2. Giả sử chị S không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản thì chị S có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản hay không?
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội tự nguyện là “Loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.”
Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ quy định áp dụng cho hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do đó, kể cả khi chị S tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cũng không được hưởng chế độ thai sản.
3. Đại diện Công ty T.C từ chối đề nghị tạo điều kiện để chị S tự đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội là đúng không?
Việc đại diện Công ty T.C từ chối đề nghị của chị S là đúng quy định pháp luật. Vì chị S vẫn tồn tại quan hệ lao động với Công ty nên Công ty vẫn có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho chị đúng với quy định tại Điều 85 và khoản 1 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, người lao động có nghĩa vụ đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất còn người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng 18% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Từ các dẫn chứng trên, dù chị S đã tự nguyện yêu cầu được tự đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội thì Công ty vẫn không thể chấp nhận đề nghị của chị. Nếu Công ty để chị tự đóng hoàn toàn tiền bảo hiểm xã hội thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.