Thành phần Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần
608 lượt xem
Đại hội đồng cổ đông bao gồm những cổ đông nào?
Ban biên tập
24-09-2020
Theo khoản 1 Điều 135 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, tức là bao gồm các cổ đông có sở hữu cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi biểu quyết hoặc cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định là có quyền biểu quyết. Các cổ đông không có quyền biểu quyết bao gồm các cổ đông chỉ sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi cổ tức hoặc cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định nhưng không có quyền biểu quyết; các cổ đông này sẽ không thuộc thành phần Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần. Như vậy, nếu cổ đông vừa sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết, vừa sở hữu cổ phần không có quyền biểu quyết thì cổ đông đó vẫn có quyền dự họp và biểu quyết thông qua các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trên số cổ phần có quyền biểu quyết; còn đối với cổ phần không có quyền biểu quyết thì sẽ không được tính phiếu biểu quyết khi thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Nếu cổ đông là cá nhân có thể thực hiện quyền của mình trong công ty cổ phần một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Còn nếu cổ đông là tổ chức thì có quyền cử một hoặc một số cá nhân đại diện cho mình thực hiện các quyền cổ đông tại công ty. Nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện. Nếu như cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể số cổ phần cho mỗi người đại diện. Trường hợp không xác định số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền, số cổ phần đó sẽ được chia đều cho số lượng người đại diện theo ủy quyền.[1]
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.