Nước trái cây lên men có độ rượu dưới 5% theo thể tích có chịu thuế TTĐB không?

748 lượt xem

Công ty tôi là công ty sản xuất nước uống trái cây. Hiện công ty đang nghiên cứu sản phẩm mới là nước trái cây lên men và có độ rượu là 4,5% theo thể tích. Xin hỏi nước trái cây có độ cồn này có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không?

Ban biên tập
18-06-2020

 

Theo Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội và Khoản 1 Điều 1 của Luật số 70/2014/QH13  ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt:

“Điều 2. Đối tượng chịu thuế

1. Hàng hóa:

a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;

b) Rượu;

c) Bia;

d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;

đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;

e) Tàu bay, du thuyền;

g) Xăng các loại;

h) Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;

i) Bài lá;

k) Vàng mã, hàng mã.

2. Dịch vụ:

a) Kinh doanh vũ trường;

b) Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);

c) Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;

d) Kinh doanh đặt cược;

đ) Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;

e) Kinh doanh xổ số.”

Đồng thời, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu quy định: “Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của các cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm (ethanol).

Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích”

Theo Điểm 3.4 Phần I Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) có giải thích:

“3.4. Rượu vang (wine): Là đồ uống có cồn thu được từ quá trình lên men rượu từng phần/hoàn toàn từ nho tươi (hoặc từ dịch ép nho), không qua chưng cất. Độ rượu  không dưới 8,5 % tính theo thể tích.

3.5. Rượu vang nổ (sparkling wines): Là rượu vang được tiếp tục xử lý trong hoặc sau quá trình sản xuất. Sản phẩm có sủi bọt khi mở nắp chai do quá trình giải phóng CO2 nội sinh.

3. 6 Rượu mạnh (spirit drinks): Là đồ uống có cồn, độ rượu không dưới 15 % tính theo thể tích. Sản phẩm thu được từ một trong các quá trình sau:

- Chưng cất các sản phẩm lên men tự nhiên (có thể bổ sung hoặc không bổ sung hương liệu);

- Bổ sung hương liệu, đường hoặc các sản phẩm tạo ngọt khác (mật ong, siro quả, các carbohydrat tự nhiên có vị ngọt) vào cồn thực phẩm hoặc các loại rượu thuộc nhóm rượu mạnh;

- Phối trộn một hoặc nhiều loại rượu mạnh với nhau và/hoặc với cồn thực phẩm và/hoặc đồ uống khác.

Trong quy chuẩn này các sản phẩm rượu mạnh bao gồm:

- Rượu vang mạnh (wine spirit);

- Rượu Brandy/ Rượu Weinbrand (Brandy/ Weinbrand);

- Rượu bã nho (grape marc spirit hoặc grape marc);

- Rượu trái cây (fruit spirit);

- Rượu táo và rượu lê (cider spirit and pery spirit);

- Rượu Vodka (Vodka);

- Rượu gin Luân Đôn (London gin)”

Căn cứ quy định trên và thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng mặt hàng nước trái cây lên men có độ rượu là 4,5 % theo thể tích thì mặt hàng này không thuộc danh mục các sản phẩm rượu được quy định tại QCVN 6-3:2010/BYT nên hàng hóa này không thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và vì vậy, nước uống trái cây lên men này không là hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận