NSDLĐ nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, nhưng NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH thì giải quyết như thế nào?
229 lượt xem
Công ty của tôi mới thành lập
nên còn nhiều khó khăn và đang nợ BHXH 7 tháng. Trong công ty hiện có khoảng 20
nhân viên cần chốt sổ BHXH và trường hợp nghỉ thai sản cần được giải quyết.
Theo tôi tìm hiểu, nếu việc nợ tiền này là do công ty đang trong tình trạng khó
khăn thì căn cứ Công văn 856/LĐTBHXH-BHXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
“3. Đối với các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ tiền đóng BHXH thì cho
phép doanh nghiệp đóng BHXH cho những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ
BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH nhằm bảo
đảm quyền lợi cho người lao động theo quy định”.
Tôi đã làm công văn gửi cơ
quan BHXH nơi công ty đang đóng bảo hiểm để đề nghị đóng tiền cho những nhân
viên cần giải quyết chế độ, nhưng cơ quan BHXH không chấp nhận, đề nghị cơ quan
chức năng hướng dẫn cách giải quyết đối với trường hợp của công ty tôi.
1. Công ty nợ tiền đóng
BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nhưng trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng
BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì Công ty có trách
nhiệm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN hay không?
2. Nếu không đồng ý với
cách giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội, Công ty có được khiếu nại cơ quan
này hay không, nếu được thì trình tự, thủ tục khiếu nại như thế nào?
Ban biên tập
19-01-2021
1. Công ty bạn nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nhưng người lao động của bạn đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì Công ty bạn có trách nhiệm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động.
Cụ thể:
Tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về BHXH bắt buộc quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.”
Tại Khoản 72 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, quản lý sổ BHXH, BHYT như sau:
“Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.”
Trường hợp công ty của Bạn có yêu cầu được đóng tiền BHXH cho các nhân viên đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH mà cơ quan BHXH không đồng ý, Bạn yêu cầu cơ quan BHXH trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Trong trường hợp lý do cơ quan BHXH trả lời không thỏa đáng, đề nghị bạn cung cấp thông tin cụ thể về công ty của bạn và cơ quan BHXH nơi công ty của bạn đóng BHXH đến BHXH Việt Nam để xem xét và có chỉ đạo với địa phương trong tổ chức thực hiện bảo đảm quyền lợi đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
2. Nếu không đồng ý với cách giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội, Công ty bạn được quyền khiếu nại cơ quan này hay không nếu được thì trình tự, thủ tục khiếu nại bảo hiểm xã hội như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động là Công ty bạn có quyền đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét lại quyết định, hành vi của chính cơ quan này khi bạn có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thủ tục, hồ sơ khiếu nại bảo hiểm xã hội như sau:
Về hồ sơ khiếu nại bảo hiểm xã hội:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 và khoản 1 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, hình thức khiếu nại như sau:
- Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ:
+ Ngày, tháng, năm khiếu nại;
+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
+ Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Bên cạnh đó, Công ty bạn có thể giao nộp thêm:
+ Tài liệu chứng cứ
+ Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có)
+ Tài liệu khác có liên quan
- Trường hợp Công ty bạn đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại (trong trường hợp trên là cơ quan bảo hiểm xã hội) hướng dẫn người khiếu nại (Công ty bạn) viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung vừa nêu ở trên.
Về trình tự, thủ tục khiếu nại bảo hiểm xã hội:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, Công ty bạn thực hiện thủ tục khiếu nại bảo hiểm xã hội như sau:
- Công ty khiếu nại lần đầu đến cơ quan bảo hiểm xã hội đã ra quyết định không chấp nhận công văn đề nghị đóng tiền cho những nhân viên cần giải quyết chế độ.
- Trường hợp Công ty bạn không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp Công ty bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.