Điều kiện chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập và thời điểm xác lập tư cách cổ đông của người nhận chuyển nhượng cổ phần

375 lượt xem

Công ty cổ phần A được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 08/9/2015. Ông Hùng là cổ đông sáng lập, nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ông Hùng muốn chuyển nhượng một phần cổ phần phổ thông của mình cho Công ty X, là một công ty nước ngoài. Do đó, ngày 31/3/2017, Đại hội đồng cổ đông Công ty A được triệu tập và đã chấp nhận cho ông Hùng chuyển nhượng 50.000 cổ phần phổ thông của mình.

Ngày 08/4/2017, ông Hùng ký hợp đồng chuyển nhượng 50.000 cổ phần phổ thông của mình cho Công ty X. Sau đó, Công ty X đã chuyển vào tài khoản của ông Hùng số tiền 500 triệu đồng để thanh toán cho số cổ phần đã thỏa thuận mua. Ngày 01/6/2017, Công ty A đã cấp Giấy chứng nhận cổ đông số 08/GCN/TBD cho Công ty X để xác nhận quyền sở hữu 50.000 cổ phần phổ thông của Công ty A.

Đầu tháng 9/2018, Công ty A đã gửi hồ sơ báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thay đổi cổ đông và nộp hồ sơ để đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, cụ thể ghi tên Công ty X vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngày 24/9/2018, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo cho Công ty A liên quan đến nội dung chuyển nhượng nói trên như sau: Công ty A được thành lập đã trên 03 năm, khi thay đổi cổ đông sáng lập thì có thể tự thay đổi trong sổ đăng ký cổ đông và lưu giữ tại công ty.

Tuy nhiên, kể từ khi nhận chuyển nhượng cổ phần, Công ty X chưa từng được mời họp Đại hội đồng cổ đông. Ngoài ra, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty A (được đăng ký thay đổi lần thứ 11 cấp ngày 05/9/2019) vẫn chưa có tên cổ đông sáng lập là Công ty X.

Do đó, Công ty X đã yêu cầu ông Hùng trả lại khoản tiền mua cổ phần đã thanh toán, bởi vì ông Hùng có lỗi trong việc làm cho hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không thực hiện được.

Cho hỏi:

1. Tại sao việc ông Hùng chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho Công ty X thì phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để quyết định?

2. Công ty X đã trở thành cổ đông của Công ty A hay chưa?

Ban biên tập
28-09-2020

Thứ nhất, điều kiện để ông Hùng chuyển nhượng 50.000 cổ phần (CP) phổ thông của mình cho Công ty X:

Theo quy định của khoản 3 Điều 119 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng CP của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng CP phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hạn chế quyền chuyển nhượng CP phổ thông của cổ đông sáng lập trong trường hợp này xuất phát từ mục đích là duy trì sự ổn định của về mặt tài chính của công ty CP. Điều này tạo nên tâm lý “an tâm” cho những tổ chức, cá nhân đã đầu tư hoặc có dự định đầu tư vào công ty. Mặt khác, các ràng buộc như vậy có thể phòng ngừa nguy cơ các nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần chỉ với mục đích tạo nên thương hiệu công ty và trị giá CP, để bán lại và rút khỏi công ty.

Như vậy, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty CP được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu cổ đông sáng lập chuyển nhượng CP phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập (kể cả cổ đông bình thường của công ty) thì việc chuyển nhượng này chỉ được phép khi Đại hội đồng cổ đông chấp thuận (thông qua một nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông).

Trong vụ việc này, Đại hội đồng cổ đông của Công ty A đã họp và thông qua nghị quyết có nội dung chấp nhận cho ông Hùng (cổ đông sáng lập) chuyển nhượng 50.000 CP phổ thông cho Công ty X (không phải là cổ đông sáng lập). Cho nên, ông Hùng mới được chuyển nhượng 50.000 CP phổ thông của mình cho Công ty X.

Thứ hai, xác định thời điểm Công ty X trở thành cổ đông của Công ty A:

Giả sử Công ty X đã là cổ đông của Công ty A thì việc Công ty không mời Công ty X dự họp Đại hội đồng cổ đông là vi phạm quy định về quyền của cổ đông. Bởi vì, cổ đông công ty CP đương nhiên có quyền “tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định”.[1]

Trong tình huống này, việc Công ty X nhận chuyển nhượng CP từ ông Hùng được xác định thông qua những tình tiết, sự việc quan trọng như:

(i) Đại hội đồng cổ đông Công ty A đã thông qua nghị quyết cho phép ông Hùng chuyển nhượng cổ phần cho Công ty X;

(ii) Công ty X đã thanh toán tiền mua CP cho ông Hùng;

(iii) Công ty A đã cấp Giấy chứng nhận cổ đông số 08/GCN/TBD cho Công ty X xác nhận số cổ phần sở hữu của Công ty X.

Như vậy, mặc dù Công ty A có nhiều động thái để xem xét tư cách cổ đông cho Công ty X nhưng trên thực tế, Công ty X chưa được hưởng các quyền của một cổ đông.

Theo khoản 7 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, người nhận chuyển nhượng CP chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Đây chính là căn cứ luật định để xác định Công ty X có trở thành cổ đông của Công ty A hay chưa. Mặt khác, danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty.[2]Cho nên, Công ty X có thể xem xét sổ đăng ký cổ đông của Công ty A để xác định  tư cách cổ đông chính thức của mình.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, bên nhận chuyển nhượng cần thỏa thuận với bên chuyển nhượng trong hợp đồng một cách cụ thể và rõ ràng về vấn đề thụ hưởng quyền cổ đông của mình sau khi thực hiện xong hợp đồng. Đồng thời, người nhận chuyển nhượng phải yêu cầu công ty ghi đầy đủ thông tin của mình vào sổ đăng ký cổ đông. Đây chính là những yếu tố pháp lý quan trọng để nhà đầu tư có thể bảo đảm quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận