Các loại hình chủ thể kinh doanh theo pháp luật Việt Nam
2.1K lượt xem
Có bao nhiêu loại hình chủ
thể kinh doanh theo pháp luật Việt Nam?
Ban biên tập
29-06-2020
Hiện nay, theo pháp luật Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh, thương mại mang tính lâu dài và thường xuyên thì họ có thể lựa chọn một trong ba mô hình chủ thể kinh doanh sau:
(i) Doanh nghiệp
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh.[1]
Việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động liên quan khác của doanh nghiệp được áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan.
(ii) Hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được ĐKKD tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.[2]
Hiện nay, việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/ 2015 của Chính phủ về việc đăng ký doanh nghiệp.
(iii) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã;
Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.[3]
Hiện nay, việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế được áp dụng theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản pháp luật liên quan khác.
[2] Xem: Khoản 1 Điều 66 của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về việc đăng ký doanh nghiệp.
[3] Xem: Điều 3 của Luật Hợp tác xã năm 2012.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.