Quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ được bảo vệ như thế nào khi NSDLĐ không tham gia bảo hiểm xã hội cho NLĐ? Mức bồi thường của NSDLĐ đối với người lao động bị tai nạn lao động không do lỗi của họ được tính như thế nào?

245 lượt xem

Bên tranh chấp 1: Ông Trần Xuân T, sinh năm 1987
Bên tranh chấp 2: Công ty Cổ phần Sản xuất N
Bên liên quan khác: Nguyễn Quang V - con trai của giám đốc Công ty là bà Phạm Thị Đ.

Từ ngày 15/09/2013 ông T bắt đầu vào làm việc tại Công ty Cổ phần Sản xuất N với mức lương 6.000.000 đồng/tháng, hai bên không có ký hợp đồng lao động và Công ty N không đóng bảo hiểm xã hội hay bất cứ khoản nào khác cho ông T. Khoảng 15 giờ ngày 06/08/2016 tại xưởng sản xuất thuộc Chi nhánh của Công ty N, theo yêu cầu tiến hành vận hành thử máy của ông Nguyễn Quang V – con trai giám đốc công ty, khi ông T đang thử máy chuyền nhựa thì vật liệu bị kẹt trong máy, ông T vào sửa chữa thì bị máy cuốn găng tay mà T đang đeo (găng tay là vật dụng bảo hộ lao động bắt buộc phải đeo) và máy cuốn luôn cánh tay phải của T. Do sức hút và sức ép của máy quá lớn nên cánh tay phải của ông T đã bị dập nát, phải nhập viện điều trị cắt cánh tay để giữ tính mạng (tỉ lệ thương tật 61%). Sau khi bị tai nạn, Công ty N có hỗ trợ cho ông T 16.400.000 đồng (bao gồm tiền viện phí, tiền thuốc…). Ông T nhiều lần yêu cầu Công ty N bồi thường nhưng Công ty N đã từ chối. Ngày 04/02/2017 Công ty cho ông T nghỉ việc không lý do.

Ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Yêu cầu Công ty N bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao động và hỗ trợ do bị suy giảm 61% khả năng lao động.

2. Yêu cầu Công ty N trả khoản tiền tương ứng (tiền trợ cấp) với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (do Công ty N chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội) khi bị suy giảm khả năng lao động 61%.

1. Hành vi không tham gia bảo hiểm xã hội cho ông T của Công ty N vi phạm quy định nào của Luật Bảo hiểm xã hội 2014?

2. Yêu cầu của ông T được giải quyết như thế nào?

3. Trách nhiệm của Công ty N khi ông T bị tai nạn lao động được pháp luật quy định như thế nào?

Ban biên tập
15-01-2021

1. Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ông T có quyền được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này, được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội và có quyền được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời.

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Công ty N có trách nhiệm lập hồ sơ để ông T được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Công ty còn phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của ông T theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vì Công ty không thực hiện nên đã vi phạm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động

Căn cứ khoản 6 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi của Công ty N không ký hợp đồng lao động, dẫn đến không tham gia bảo hiểm xã hội cho ông T là hành vi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ông và đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, hành vi của Công ty N còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với ông T.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, Công ty N phải có trách nhiệm lập hồ sơ để ông T được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội cho ông.

2. Yêu cầu của ông T được giải quyết như sau:

Căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, theo yêu cầu của ông V – con trai giám đốc Công ty, ông T đang thử máy chuyền nhựa thì vật liệu bị kẹt trong máy, ông T vào sửa chữa thì bị máy cuốn găng tay mà T đang đeo (găng tay là vật dụng bảo hộ lao động bắt buộc phải đeo) và máy cuốn luôn cánh tay phải của T. Do sức hút và sức ép của máy quá lớn nên cánh tay phải của ông T đã bị dập nát, phải nhập viện điều trị cắt cánh tay để giữ tính mạng (tỉ lệ thương tật 61%). Đây được xác định là tai nạn lao động xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động của ông T.

Về yêu cầu Công ty N bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn lao động và hỗ trợ do bị suy giảm 61% khả năng lao động:

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì ông T bị tai nạn lao động trong lúc làm việc và không phải do lỗi của ông gây ra nên Công ty phải bồi thường cho ông, như vậy, yêu cầu của ông T sẽ được chấp nhận.

Vì tiền lương hằng tháng của ông T là 6.000.000 đồng, vậy mức bồi thường cho ông sẽ được Công ty N chi trả là:

+ Suy giảm 10% khả năng lao động: bồi thường 1,5 tháng tiền lương

+ Suy giảm 51% tiếp theo (cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương): bồi thường 20,4 tháng tiền lương

Vậy, ông T sẽ được Công ty N bồi thường 21,9 tháng tiền lương với tổng số tiền là:

6.000.000 đồng × 21,9 tháng = 131.400.000 đồng

Về yêu cầu Công ty N trả khoản tiền tương ứng (tiền trợ cấp) với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội khi bị suy giảm khả năng lao động 61%:

Căn cứ khoản 4 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì Công ty N không tham gia bảo hiểm xã hội cho ông T, không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp  nên ngoài việc phải bồi thường theo quy định tại Điều 38 của Luật này, Công ty N phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật này cho ông T.

Lưu ý: Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

Căn cứ Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, vì ông T bị suy giảm khả năng lao động 61% nên ông sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng và được chi trả bởi người sử dụng lao động là Công ty N dựa theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật này. Mức trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

3. Căn cứ Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi ông T bị tai nạn lao động, Công ty N phải có trách nhiệm sau:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho ông T và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho ông.

+ Vì ông T không được Công ty tham gia bảo hiểm y tế, nên Công ty phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho ông T.

+ Trả đủ tiền lương cho ông T phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

+ Vì ông T bị tai nạn lao động trong lúc làm việc và không phải do lỗi của ông gây ra nên Công ty phải bồi thường cho ông T với mức: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Giới thiệu để ông T được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

+ Thực hiện bồi thường đối với ông T trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động

+ Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với ông T sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

Bên cạnh đó, tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, tiền lương trả cho ông T nghỉ việc do bị tai nạn lao bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận