Thời gian hưởng, thủ tục để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp là gì? Trách nhiệm trả lãi đối với số tiền trợ cấp thất nghiệp đáng lẽ NLĐ được nhận do NSDLĐ không trả Sổ BHXH cho NLĐ?

302 lượt xem

Bên tranh chấp: 1 Anh Bùi Văn T
Bên tranh chấp 2: Công ty Cổ phần D

Anh Bùi Văn T làm việc tại Công ty cổ phần D từ ngày 06/9/2009 theo hợp đồng lao động số 647/2009/HĐLĐ-TVN. Do suy thoái kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh của Công ty, khiến Công ty phải dừng sản xuất, có nguy cơ phá sản nên phải tiến hành đề án tái cấu trúc, cơ cấu lại toàn bộ doanh nghiệp (đã được phê chuẩn của UBND thành phố H.). Do đó, ngày 02/7/2017 Công ty có quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh. Tuy nhiên, Công ty D không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh dẫn đến việc anh không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định.

Ngày 31/8/2018, anh T khởi kiện ra Tòa án yêu cầu buộc Công ty phải trả tiền trợ cấp thất nghiệp và số tiền lãi chậm trả cho anh.

1. Anh T cần làm thủ tục gì để được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

2. Anh T được hưởng bao nhiêu tháng trợ cấp thất nghiệp?

3. Yêu cầu của anh T được giải quyết như thế nào?

Ban biên tập
14-01-2021

1. Thủ tục để anh T được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CPkhoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, anh T cần phải lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm những giấy tờ sau:

- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH (quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này)

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;

- Sổ bảo hiểm xã hội.

Sau đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, anh T chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp như trên cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi anh T muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của anh T được tính như sau:

- Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được 03 tháng trợ cấp thất nghiệp:

+ Từ 06/9/2009 – 05/9/2012: được hưởng 03 tháng

- Sau đó cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp, tối đa không quá 12 tháng:

+ Từ 06/9/2012 đến 02/7/2017: được hưởng 04 tháng (10 tháng lẻ không được tính do chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng)

Như vậy, theo quy định nêu trên, anh T sẽ được nhận 07 tháng trợ cấp thất nghiệp.

3. Yêu cầu của anh T được giải quyết như sau:

Căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty D có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh T.

Căn cứ khoản 2 và khoản 6 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi nợ tiền bảo hiểm xã hội của Công ty D dẫn đến chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh T cho đến thời điểm hiện tại dẫn đến việc anh T không nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là hành vi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của anh và cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, Công ty D có lỗi chủ yếu dẫn đến việc anh T không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bên cạnh đó theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, anh T đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 08 năm 02 tháng và vẫn chưa có việc làm nhưng anh không nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn đã nêu ở trên nên có một phần lỗi của anh. Cụ thể Công ty D chịu 70% lỗi, anh T chịu 30% lỗi.

Về lãi do không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh T dẫn đến việc anh này không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Căn cứ khoản 2 Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015, do hai bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nên mức lãi suất theo quy định tại Điều này

Giả sử: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp của anh T là 7.000.000 đồng/tháng.

Vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp một tháng của anh T theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 là: 7.000.000 đồng × 60% = 4.200.000 đồng/tháng.

Vì anh được hưởng 07 tháng trợ cấp thất nghiệp nên số tiền anh sẽ được nhận là:

4.200.000 đồng × 07 tháng = 29.400.000 đồng.

Tuy nhiên, vì lỗi chủ yếu thuộc về Công ty D do không trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh T nên Công ty phải chi trả 70% số tiền trợ cấp thất nghiệp đáng lẽ anh T được nhận. Cụ thể:

29.400.000 đồng × 70% = 20.580.000 đồng

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận