Căn cứ đóng và mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?
236 lượt xem
Bên tranh chấp 1: Ông
Vũ Công N, sinh năm: 1972
Bên tranh chấp 2: Công
ty TNHH TM&DV LT
Bên liên quan khác: Bảo
hiểm xã hội quận T., thành phố ĐN
Ông
Vũ Công N, làm việc tại Công ty TNHH TM&DV LT từ năm 2003 đến ngày
01/01/2007 mới ký kết hợp đồng lao động, đến ngày 01/8/2015 ông nghỉ việc. Sau
1 năm nghỉ việc ông mới biết mình là người lao động được hưởng trợ cấp thất
nghiệp nhưng do Công ty LT nợ tiền bảo hiểm xã hội nên chốt sổ bảo hiểm xã hội
cho ông N bị chậm hơn 14 tháng nên ông N không nhận được trợ cấp bảo hiểm thất
nghiệp. Công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho ông từ năm 2003 nhưng khai không
đúng mức lương đóng bảo hiểm xã hội mà ông đã ký nhận.
Ngày
11/12/2016, ông N khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận T. yêu cầu Công ty trả tiền
bảo hiểm thất nghiệp do chậm chốt sổ BHXH là 14 tháng được tính theo tổng thời
gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2009 đến tháng 8/2015 là 06
năm, 07 tháng.
1.
Công ty LT có trách nhiệm gì trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp?
2.
Tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông N được quy định như thế nào?
3.
Ông N sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức là bao nhiêu?
4.
Yêu cầu của ông N được giải quyết như thế nào?
Ban biên tập
14-01-2021
1. Trách nhiệm của Công ty LT trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 44 và điểm a, b khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, cụ thể:
+ Hằng tháng, Công ty LT phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
+ Cùng với đó là trích 1% từ tiền lương của từng người lao động, trong đó có ông N để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông N được quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm 2013 vì ông làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động là Công ty LT quyết định. Theo đó, vì thực hiện công việc trước 01/01/2016 nên tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông là mức lương công việc.
3. Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông N bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Giả sử: mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp của ông N là 6.000.000 đồng/tháng. Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 tháng của ông là: 6.000.000 đồng × 60% = 3.600.000 đồng/tháng.
Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông N được tính như sau:
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được 03 tháng trợ cấp thất nghiệp:
+ Từ 01/01/2009 – 31/12/2011: được hưởng 03 tháng
- Sau đó cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp, tối đa không quá 12 tháng:
+ Từ 01/01/2012 đến tháng 8/2015: được hưởng 03 tháng (7 tháng lẻ không được tính do chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng)
Như vậy, ông N sẽ được nhận 06 tháng trợ cấp thất nghiệp.
4. Yêu cầu của ông N được giải quyết như sau:
Căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Công ty LT có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông N.
Căn cứ khoản 6 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi nợ tiền bảo hiểm xã hội của Công ty LT dẫn đến việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông N bị chậm hơn 14 tháng nên ông N không nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là hành vi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ông nên đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Do xuất phát từ lỗi của Công ty LT nên Công ty này phải có trách nhiệm chi trả cho ông N trợ cấp thất nghiệp mà đáng lẽ ông được nhận nếu không có việc chốt sổ bảo hiểm xã hội chậm trễ.
Giả sử: Ông N đáng lẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp với mức 3.600.000 đồng/tháng và lẽ ra được hưởng 06 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng hành vi chậm trễ chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông N của Công ty LT làm ông không được nhận khoản trợ cấp nêu trên thì Công ty phải thanh toán cho ông 06 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp đáng lẽ ông được hưởng là 21.600.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Công ty LT còn bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng do không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.