Chế độ bệnh nghề nghiệp là gì? Điều kiện; hồ sơ để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm những gì?

337 lượt xem

Bên tranh chấp 1: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1959
Bên tranh chấp 2: Bảo hiểm xã hội tỉnh N.
Bên liên quan khác: Trung tâm y tế huyện N, tỉnh N và Trạm y tế M huyện N tỉnh N.

Ông Nguyễn Văn T làm việc trong ngành Y từ 1997 đến 2018 tại huyện N và có khoản thời gian làm chuyên trách trong chương trình Lao Quốc gia từ năm 2000 đến 2004 và từ tháng 7/2012 đến 2018. Sau đó, ông T bị nhiễm bệnh lao phổi phải điều trị từ 02/01/2013 đến 02/09/2013. Đến ngày 16/5/2018 ông được giám định y khoa với kết quả: xác định bị mắc bệnh nghề nghiệp (Lao) và tổn thương cơ thể ở mức 15%. Ông T đã nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Văn bản số 3647 Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như các giấy tờ khác quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội Tỉnh N. cho rằng hồ sơ của ông T thiếu Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại nên không tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông T. Sau đó ông T đã khiếu nại tại Bảo hiểm xã hội tỉnh N. và Bảo hiểm xã hội tỉnh N. đã có công văn số 140 đã trả lời giữ nguyên ý kiến.

Do không đồng ý, ông T đã khởi kiện lên TAND TP. P. yêu cầu giải quyết buộc BHXH tỉnh N. tiếp nhận và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông.

1. Ông T có đủ điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp hay không?

2. Hồ sơ để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm những gì? Hồ sơ của ông T cung cấp cho BHXH tỉnh N. có cần Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại hay không?

3. Yêu cầu của ông T được giải quyết như thế nào?

Ban biên tập
15-01-2021

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp và khoản 31 Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, xét cụ thể ở trường hợp ông T thì: ông T bị mắc bệnh lao nghề nghiệp (thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành) phải điều trị bệnh từ tháng 01 đến tháng 9/2013 và theo Biên bản giám định y khoa ngày 16/5/2018 ông T bị suy giảm khả năng lao động 15% do bệnh lao gây ra. Vì thế, ông T đủ điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do ông mắc bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành và bị bệnh làm cho tổn thương cơ thể suy giảm khả năng lao động nhiều hơn 5%.

2. Quy định tại Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm:

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

+ Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Như vậy, Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại không còn là yếu tố bắt buộc trong Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp vì thế khi ông T nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Văn bản số 3647 Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như các giấy tờ khác quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 mà không có Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại thì ông T vẫn được xác định là đã cung cấp đủ Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

3. Yêu cầu của ông H được giải quyết như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, ông T có đủ điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.

Căn cứ Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của ông T là đầy đủ.

Như vậy, căn cứ những quy định trên yêu cầu của ông H sẽ được Bảo hiểm xã hội tỉnh N. tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho ông Nguyễn Văn T và trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh N. có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp cho ông T  theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

Lưu ý : Việc đưa ra ý kiến tư vấn của Trogiupluat căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm tư vấn và chỉ mang tính chất tham khảo. Khi tham khảo, người dùng cần kiểm tra lại quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính chính xác.

Bình luận