Thông tư 75/2018/TT-BTC Quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi
17-08-2018
03-10-2018
Bộ Tài chính Số: 75/2018/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2018 |
Thông tư
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, TÍNH HAO MÒN TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG, THỦY LỢI
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không;
Căn cứ Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn đối với tài sản tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi).
2. Tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư này.
1. Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông và thủy lợi, gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
2. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi (sau đây gọi là cơ quan được giao quản lý tài sản).
3. Cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp được giao sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi (sau đây gọi là đơn vị được giao khai thác tài sản).
4. Các đối tượng khác liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu giao thông, thủy lợi.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi
1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đủ tiêu chuẩn để ghi sổ kế toán là những tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chí dưới đây:
a) Có thời gian sử dụng từ 01 năm (một năm) trở lên;
b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
2. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi ghi sổ kế toán gồm:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không
- Đường cất hạ cánh;
- Đường lăn;
- Sân đỗ;
- Đường công vụ khu bay;
- Hàng rào an ninh;
- Các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không khác.
b) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
- Đường sắt quốc gia (đường sắt chính tuyến, đường ga), ghi, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, đường ngang, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt quốc gia và đường bộ;
- Ga (nhà ga, đường sắt trong ga, đường bộ trong ga phục vụ tác nghiệp chạy tàu, phòng đợi tàu, kho và bãi chứa hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu, phòng chỉ huy chạy tàu, phòng đặt thiết bị thông tin tín hiệu, ke ga, mái che ke ga, giao ke, cầu vượt dành cho hành khách trong ga, chòi gác ghi);
- Đepo (nơi tập kết tàu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu, thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật khác);
- Phòng chỉ huy chạy tàu tại các trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia;
- Hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thông tin tín hiệu (đường truyền tải, trạm tổng đài, tín hiệu ra vào ga, thiết bị khống chế, thiết bị điều khiển, cáp tín hiệu, thiết bị nguồn); hệ thống cấp điện liên quan trực tiếp đến chạy tàu;
- Nhà cung cầu, cung đường, cung thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, nhà đặt các thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt quốc gia, nhà gác cầu, nhà gác hầm, nhà gác chắn đường ngang;
- Đường bộ trong ga không phục vụ tác nghiệp chạy tàu;
- Quảng trường ga;
- Kho, bãi chứa hàng hóa không trực tiếp liên quan đến chạy tàu;
- Các công trình dịch vụ, thương mại (bán hàng, nghỉ trọ, dịch vụ khác) tại các ga đường sắt quốc gia;
- Nhà làm việc của cơ quan nhà nước tại khu vực ga;
- Các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt khác.
c) Tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
- Bến cảng, bến phao;
- Khu chuyển tải, khu neo đậu, khu tránh, trú bão trong vùng nước cảng biển;
- Trụ sở, cơ sở dịch vụ, kho, bãi, nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác;
- Hệ thống thông tin giao thông, thông tin liên lạc và hệ thống điện, nước;
- Đèn biển và nhà trạm gắn với đèn biển;
- Phao, tiêu và nhà trạm quản lý vận hành phao tiêu;
- Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải;
- Đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ;
- Luồng hàng hải;
- Tài sản kết cấu hạ tầng mạng viễn thông hàng hải (tài sản, vật kiến trúc, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho hoạt động của hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam);
- Các tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải khác.
d) Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
- Luồng chạy tàu thuyền; âu tầu; các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá vụng, vịnh, ven bờ thủy nội địa, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy;
- Hành lang bảo vệ luồng;
- Cảng thủy nội địa;
- Khu neo đậu ngoài cảng;
- Kè đập giao thông;
- Báo hiệu đường thủy nội địa;
- Các công trình phụ trợ (nhà trạm quản lý đường thủy nội địa; trạm AIS và hệ thống quản lý, giám sát, truyền dữ liệu kèm theo; thủy chí hoặc trạm đọc mức nước tự động; công trình, trang thiết bị phụ trợ khác);
- Các tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khác.
đ) Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
- Đập, hồ chứa nước;
- Cống, trạm bơm;
- Kè, bờ bao thủy lợi;
- Kênh, mương, rạch, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển nước;
- Các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi khác.
1. Mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phải có hồ sơ tài sản, được quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
2. Mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi ghi sổ kế toán phải có đầy đủ thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại và hao mòn lũy kế.
3. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết hao mòn thì cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và tính hao mòn theo quy định tại Thông tư này.
4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã hết hao mòn nhưng tiếp tục sử dụng được thì cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành.
5. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có trách nhiệm:
a) Lập thẻ tài sản, hạch toán kế toán đối với toàn bộ tài sản được giao quản lý theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành;
b) Thực hiện kiểm kê định kỳ hàng năm về tài sản; báo cáo cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp để thống nhất hạch toán điều chỉnh số liệu giữa kết quả kiểm kê và sổ kế toán (nếu có);
c) Thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan;
d) Tính hao mòn đối với tài sản được giao quản lý theo quy định tại Thông tư này.
1. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đang sử dụng trước ngày các Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có hiệu lực thi hành, việc xác định nguyên giá tài sản thực hiện như sau:
a) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì sử dụng giá trị đã có để ghi sổ kế toán.
b) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi không có thông tin về giá trị tài sản:
- Trường hợp có tài sản tương đương (về quy mô, cấp độ kỹ thuật) và có giá trị quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật thì sử dụng giá trị của tài sản tương đương làm nguyên giá tài sản.
- Trường hợp không có tài sản tương đương thì sử dụng giá trị quy ước do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thủy lợi) quyết định để làm nguyên giá tài sản. Khi kê khai, đăng nhập thông tin tài sản loại này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công phải ghi rõ nguyên giá tài sản là giá quy ước và được theo dõi, báo cáo riêng. Giá quy ước được sử dụng để xác định giá trị tài sản để ghi sổ kế toán, không sử dụng để xác định giá trị hao mòn, chi phí khấu hao quy định tại Điều 9 Thông tư này.
2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi hoàn thành, đưa vào sử dụng kể từ ngày các Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản ghi sổ kế toán là giá trị mua sắm, giá trị quyết toán được phê duyệt theo quy định.
3. Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa có quyết toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì sử dụng nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán. Nguyên giá tạm tính trong trường hợp này được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Giá trị đề nghị quyết toán; giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B; giá trị dự toán Dự án đã được phê duyệt. Khi có quyết toán được phê duyệt, cơ quan kế toán phải thực hiện điều chỉnh giá trị đã hạch toán theo quy định của pháp luật về kế toán.
4. Thay đổi nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi
a) Nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được thay đổi trong các trường hợp sau:
- Đánh giá lại giá trị tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Thực hiện nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản mà các bộ phận này được quản lý theo tiêu chuẩn của một tài sản hữu hình;
- Bị hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác phải hạch toán giảm nguyên giá theo quy định của pháp luật.
b) Khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện lập Biên bản ghi rõ căn cứ thay đổi nguyên giá; đồng thời xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn lũy kế của tài sản để điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện hạch toán kế toán theo quy định hiện hành.
1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi thuộc đối tượng ghi sổ kế toán quy định tại Điều 3 Thông tư này đều phải tính hao mòn, trừ tài sản quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Những tài sản kết cấu hạ tầng dưới đây không phải tính giá trị hao mòn:
a) Tài sản chưa hết hao mòn nhưng bị hư hỏng không sử dụng được;
b) Tài sản đã tính hết hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được;
c) Tài sản mà cơ quan, đơn vị đang thuê sử dụng;
d) Tài sản mà cơ quan, đơn vị đang bảo quản hộ, giữ hộ.
3. Việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phải thực hiện theo danh mục tài sản, tỷ lệ hao mòn và theo kỳ kế toán.
4. Việc tính hao mòn thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán. Trường hợp tài sản có thời gian tính hao mòn lớn hơn hoặc bằng 06 (sáu) tháng thì tính tròn 01 (một) năm; trường hợp tài sản có thời gian tính hao mòn dưới 06 (sáu) tháng thì không tính hao mòn.
5. Khi bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị thì việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.
6. Khi kiểm kê, đánh giá lại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì hao mòn tài sản được xác định trên cơ sở giá trị đánh giá lại sau khi kiểm kê từ năm tài chính mà cơ quan, người có thẩm quyền xác định giá trị đánh giá lại.
1. Thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tương ứng với từng loại tài sản theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng khác không thuộc danh mục tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này thì thời gian tính hao mòn và tỷ lệ tính hao mòn thực hiện theo quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.
1. Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được tính theo công thức:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi = Nguyên giá của tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi x Tỷ lệ hao mòn (%/năm)
2. Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tính tổng số hao mòn của tất cả tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý cho năm đó theo công thức:
Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tính đến năm (n) = Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã tính đến năm (n-1) + Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tăng trong năm (n) - Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giảm trong năm (n)
3. Đối với những tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có thay đổi về nguyên giá thì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn lũy kế của tài sản đó để ghi sổ kế toán.
4. Mức tính hao mòn cho năm cuối cùng thuộc thời gian sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng và số hao mòn lũy kế đã thực hiện của tài sản kết cấu hạ tầng đó.
1. Giá trị hao mòn tính vào giá khởi điểm đấu giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
2. Chi phí khấu hao tính vào giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi được xác định theo tỷ lệ hao mòn của tài sản tương ứng quy định tại Thông tư này.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo quy định.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 10 năm 2018. Chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi quy định tại Thông tư này áp dụng từ năm tài chính 2019.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.