Thông tư 47/2017/TT-BTNMT Quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
47/2017/TT-BTNMT
Thông tư
Còn hiệu lực
07-11-2017
22-12-2017
Bộ Tài nguyên và Môi trường Số: 47/2017/TT-BTNMT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2017 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở trung ương và địa phương.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) có công trình khai thác tài nguyên nước thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Công trình hồ chứa khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50kW, bao gồm cả công trình thủy lợi kết hợp với thủy điện;
b) Công trình hồ chứa khai thác nước mặt có quy mô trên 0,1m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác;
c) Công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác với quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này có quy mô trên 0,1m3/giây đối với trường hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; trên 100m3/ngày đêm đối với trường hợp cấp nước cho các mục đích khác;
d) Công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10m3/ngày đêm;
1. Bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
2. Bảo đảm tính hệ thống, kịp thời, đầy đủ và liên tục nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
3. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin, dữ liệu về mặt không gian và thời gian; giữa trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông.
4. Bảo đảm tính thống nhất giữa yêu cầu về giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Hình thức giám sát
Giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước là việc kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc của các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc giám sát quy định tại các Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Thông tư này được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
1. Giám sát tự động, trực tuyến: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (sau đây gọi chung là hệ thống giám sát).
2. Giám sát bằng camera: theo dõi hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát.
3. Giám sát định kỳ: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào hệ thống giám sát.
1. Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước là một hệ thống thống nhất, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước với cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, bao gồm các thành phần sau:
a) Hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở trung ương;
b) Hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở địa phương;
c) Cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát;
d) Thiết bị đo đạc, kết nối, truyền trực tiếp, cập nhật số liệu từ cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.
2. Trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu, phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở trung ương và cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu ở địa phương quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
c) Cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt các thiết bị đo đạc và các thiết bị khác liên quan theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.
3. Trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống giám sát:
a) Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của hệ thống thu nhận, lưu trữ dữ liệu ở trung ương và cơ sở dữ liệu của hệ thống;
b) Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh) có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của hệ thống thu nhận, lưu trữ dữ liệu ở địa phương và đảm bảo kết nối với hệ thống giám sát;
c) Cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước có trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của các thiết bị đo đạc, kết nối, truyền trực tiếp, cập nhật số liệu vào cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.
4. Thông tin dữ liệu từ hệ thống giám sát là một trong những căn cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ quy định của giấy phép tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật về tài nguyên nước.
1. Hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu bao gồm các máy chủ, thiết bị kết nối mạng, hệ thống thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu và các thiết bị phụ trợ khác, phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Phù hợp với hạ tầng truyền thông tin, dữ liệu bảo đảm hoạt động ổn định, thường xuyên, liên tục; bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;
b) Đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giám sát tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương; đảm bảo mỗi địa phương đều có quyền truy cập, kiểm soát cơ sở dữ liệu của các công trình khai thác tài nguyên nước trên địa bàn của mình quản lý;
c) Đối với hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu của trung ương phải đảm bảo kết nối tự động, truyền trực tiếp, cập nhật, lưu trữ số liệu của cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước vào cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.
2. Phần mềm quản lý, xử lý cơ sở dữ liệu phải được thiết kế chạy trên nền Web, tích hợp được với máy tính bảng, điện thoại di động, các thiết bị di động khác và phải có các tính năng chủ yếu sau đây:
a) Cập nhật tự động, định kỳ thông tin, dữ liệu;
b) Kiểm soát truy cập;
c) Tự động phân tích xử lý thông tin, số liệu định kỳ và thực hiện việc thông báo, cảnh báo;
d) Tổng hợp thông tin, số liệu, lập báo cáo;
đ) Trường hợp phát hiện không tuân thủ quy định thì tự động thông báo, cảnh báo đến cơ sở có công trình bằng thư điện tử, tin nhắn điện thoại và các hình thức thông báo tự động khác.
1. Cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải được tổ chức, sắp xếp hợp lý để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên.
2. Cơ sở dữ liệu phải bao gồm các thông tin về thông số kỹ thuật của công trình, quản lý, vận hành công trình và các nội dung thông tin chủ yếu sau đây:
a) Đối với cơ sở dữ liệu của các công trình khai thác nước mặt: tập hợp thông tin, dữ liệu về lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, lưu lượng xả qua nhà máy, lưu lượng xả qua tràn, mực nước hồ chứa đối với hoạt động khai thác tài nguyên nước mặt để phát điện; lưu lượng khai thác, lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu, mực nước hồ, chất lượng trong quá trình khai thác của công trình khai thác đối với hoạt động khai thác nước mặt cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác;
b) Đối với cơ sở dữ liệu của các công trình khai thác nước dưới đất: mực nước trong các giếng quan trắc; mực nước trong giếng khai thác, lưu lượng khai thác, chất lượng nước trong quá trình khai thác.
Thiết bị đo đạc tại công trình khai thác tài nguyên nước phải đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau đây:
1. Có dải đo phù hợp với giá trị cần đo.
2. Hoạt động liên tục, kết nối, truyền thông tin, số liệu tới thiết bị thu nhận, lưu trữ cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát.
3. Có sai số tuyệt đối không vượt quá 01cm đối với thiết bị đo mực nước; sai số tương đối không vượt quá 5% so với giá trị thực đo đối với thiết bị đo lưu lượng.
4. Đối với các thiết bị đo đạc tự động mực nước, lưu lượng, dải đo phải đảm bảo không quá 15 phút 01 lần; đối với camera giám sát, tốc độ ghi hình không nhỏ hơn 01 khung hình/phút.
5. Các loại thiết bị đo đạc phải thực hiện hiệu chuẩn, kiểm định theo quy định.
Việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt đối với công trình hồ chứa thủy điện hoặc hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này được thực hiện như sau:
1. Thông số giám sát bao gồm:
a) Mực nước hồ;
b) Lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu;
c) Lưu lượng xả qua nhà máy;
d) Lưu lượng xả qua tràn.
2. Hình thức giám sát:
a) Hồ chứa có dung tích toàn bộ từ một (01) triệu m3 trở lên: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại Khoản 1 Điều này và giám sát bằng camera đối với việc vận hành xả nước;
b) Hồ chứa có dung tích toàn bộ nhỏ hơn một (01) triệu m3: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này, thực hiện giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này; giám sát bằng camera đối với việc vận hành xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu và xả nước qua tràn.
3. Chế độ giám sát:
a) Không quá 15 phút 01 lần đối với các thông số yêu cầu giám sát tự động, trực tuyến;
b) Không quá 06 giờ 01 lần vào mùa lũ, 12 giờ 01 lần vào mùa cạn và phải cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát tối thiểu 01 ngày 01 lần trước 20 giờ hàng ngày đối với các thông số giám sát định kỳ.
Việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt đối với công trình hồ chứa để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích khác quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này được thực hiện như sau:
1. Thông số giám sát bao gồm:
a) Mực nước hồ;
b) Lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu;
c) Lưu lượng khai thác;
d) Chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định.
2. Hình thức giám sát:
a) Công trình khai thác có quy mô từ 2m3/giây trở lên cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc quy mô từ 50.000m3/ngày đêm trở lên cho mục đích khác:
Thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này, giám sát định kỳ đối với thông số quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.
b) Công trình khai thác có quy mô trên 0,1m3/giây đến dưới 2m3/giây cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc quy mô trên 100m3/ngày đêm đến dưới 50.000m3/ngày đêm cho mục đích khác:
Thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với thông số quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này; giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại Điểm a, Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều này.
3. Chế độ giám sát:
a) Đối với các thông số quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này, thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Thông tư này;
b) Đối với thông số chất lượng nước trong quá trình khai thác quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát không quá 05 ngày kể từ ngày có kết quả phân tích.
Việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt đối với công trình cống, trạm bơm và các công trình khai thác nước mặt khác quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này được thực hiện như sau:
1. Thông số giám sát gồm:
a) Lưu lượng khai thác;
b) Chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định.
2. Hình thức giám sát: thực hiện giám sát định kỳ đối với các thông số lưu lượng khai thác, chất lượng nước trong quá trình khai thác quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Chế độ giám sát:
a) Không quá 12 giờ 01 lần đối với thông số lưu lượng khai thác và phải cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát tối thiểu 01 ngày 01 lần trước 20 giờ hàng ngày;
b) Đối với thông số chất lượng nước trong quá trình khai thác, thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát không quá 05 ngày kể từ ngày có kết quả phân tích.
Việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất từ các công trình quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này được thực hiện như sau:
1. Thông số giám sát gồm:
a) Lưu lượng khai thác;
b) Mực nước trong giếng khai thác;
c) Chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định;
d) Đối với công trình có quy mô từ 3.000m3/ngày đêm trở lên ngoài thực hiện giám sát các thông số quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản này còn phải giám sát thông số mực nước trong các giếng quan trắc.
2. Hình thức giám sát:
a) Đối với công trình có quy mô từ 3.000m3/ngày đêm trở lên: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm d Khoản 1 Điều này, giám sát định kỳ đối với thông số chất lượng trong quá trình khai thác tại vị trí công trình khai thác quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Đối với công trình có quy mô từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm: thực hiện giám sát tự động, trực tuyến đối với các thông số quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này, giám sát định kỳ đối với thông số chất lượng trong quá trình khai thác tại vị trí công trình khai thác quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;
c) Đối với công trình có quy mô trên 10m3/ngày đêm đến dưới 200m3/ngày đêm: thực hiện giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này.
3. Chế độ giám sát:
a) Không quá 01 giờ 01 lần đối với các thông số yêu cầu giám sát tự động, trực tuyến;
b) Không quá 12 giờ 01 lần đối với các thông số giám sát định kỳ và phải cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát trước 20 giờ hàng ngày; đối với thông số chất lượng trong quá trình khai thác, thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát không quá 05 ngày kể từ ngày có kết quả phân tích.
TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, lắp đặt thiết bị thu, nhận, lưu trữ dữ liệu ở địa phương bảo đảm đồng bộ, thống nhất với lộ trình đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát của các cơ sở trên địa bàn.
2. Chỉ đạo việc quản lý, vận hành, bảo trì và bảo đảm các điều kiện cần thiết để bảo đảm hoạt động của các thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu thuộc phạm vi quản lý.
3. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm quy định tại Thông tư này.
1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, lắp đặt thiết bị thu, nhận, lưu trữ dữ liệu, phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở trung ương và cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với lộ trình đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát của các cơ sở khai thác tài nguyên nước.
2. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chỉ đạo xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống giám sát trên phạm vi cả nước.
3. Tổ chức quản lý, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Kiểm tra, phối hợp thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên nước vi phạm quy định tại Thông tư này; công bố cơ sở vi phạm trên các trang thông tin điện tử theo thẩm quyền.
1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống giám sát thuộc phạm vi quản lý; báo cáo Ủy ban nhân cấp tỉnh và Cục Quản lý tài nguyên nước kết quả giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn.
2. Hướng dẫn, theo dõi, giám sát các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn xây dựng, cung cấp truyền thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát tại công trình về hệ thống cơ sở dữ liệu.
3. Tổ chức quản lý, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giám sát và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các cơ sở vi phạm các quy định của Thông tư này; công bố cơ sở vi phạm trên các trang thông tin điện tử theo thẩm quyền.
1. Đầu tư, lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát tại công trình đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) nơi đặt công trình về kết quả đầu tư, lắp đặt thiết bị.
2. Kết nối và cung cấp dữ liệu giám sát thường xuyên, liên tục và định kỳ vào hệ thống giám sát theo quy định của Thông tư này.
3. Lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mình để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Đối với cơ sở đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.
2. Đối với giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp mà chưa quy định cụ thể về thông số, hình thức, chế độ quan trắc và cung cấp thông tin, số liệu phục vụ việc giám sát hoặc đã có quy định nhưng chưa phù hợp với quy định của Thông tư này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung yêu cầu về quan trắc, giám sát theo quy định của Thông tư này khi điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép. Trường hợp cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy định về quan trắc, giám sát cho phù hợp với Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2017.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.