Thông tư 35/2022/TT-BTC Quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
16-06-2022
30-07-2022
Bộ Tài chính Số: 35/2022/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2022 |
Thông tư
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, TÍNH HAO MÒN TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ LÀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản cố định (sau đây gọi là tài sản hạ tầng giao thông đường bộ) do Nhà nước đầu tư, quản lý để thực hiện kế toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán; thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Chế độ quản lý, tính hao mòn quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp:
a) Xác định tuổi thọ tài sản hạ tầng giao thông đường bộ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, bảo trì tài sản hạ tầng giao thông đường bộ;
b) Xác định giá trị tài sản hạ tầng giao thông đường bộ để tham gia trong dự án đối tác công tư;
c) Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
1. Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ gồm: Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
2. Cơ quan được giao quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là cơ quan được giao quản lý tài sản), gồm:
a) Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ;
b) Cơ quan được giao quản lý tài sản ở địa phương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
3. Các đối tượng khác liên quan đến quản lý, tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản hạ tầng giao thông đường bộ
1. Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, o và p khoản 1 Điều 4 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Nghị định số 33/2019/NĐ-CP) có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn dưới đây là tài sản cố định:
a) Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
2. Trường hợp một hệ thống tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được giao cho nhiều cơ quan quản lý thì phần tài sản được giao cho từng cơ quan thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này là một tài sản cố định.
1. Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại Điều 3 Thông tư này phải được lập hồ sơ tài sản để quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
2. Kế toán tài sản hạ tầng giao thông đường bộ phải phản ánh, ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại và hao mòn lũy kế của tài sản.
3. Cơ quan được giao quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm:
a) Lập thẻ tài sản, hạch toán kế toán đối với toàn bộ tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành;
b) Thực hiện kiểm kê định kỳ hàng năm về tài sản; báo cáo cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp để thống nhất hạch toán điều chỉnh số liệu giữa kết quả kiểm kê và sổ kế toán (nếu có);
c) Thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
4. Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa tính hết hao mòn theo quy định thì cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và tính hao mòn theo quy định tại Thông tư này cho đến khi được xử lý theo quy định.
5. Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ đã tính đủ hao mòn nhưng tiếp tục sử dụng được thì cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và không phải tính hao mòn.
Trường hợp tài sản hạ tầng giao thông đường bộ đã tính đủ hao mòn nhưng sau đó thuộc trường hợp phải thay đổi nguyên giá theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này thì phải tính hao mòn cho thời gian sử dụng còn lại (nếu có) sau khi thay đổi nguyên giá.
6. Trường hợp cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ thì cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi và tính hao mòn tài sản theo quy định tại Thông tư này trong thời hạn cho thuê quyền khai thác.
7. Trường hợp chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ thì trong thời gian chuyển nhượng, cơ quan được giao quản lý tài sản (bên chuyển nhượng) có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng theo quy định; không thực hiện tính hao mòn theo quy định tại Thông tư này.
Khi hết thời hạn chuyển nhượng, cơ quan được giao quản lý tài sản tiếp nhận lại tài sản theo Hợp đồng chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ và quy định của pháp luật, thực hiện xác định lại nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản để thực hiện quản lý, sử dụng, tính hao mòn theo quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP và Thông tư này.
1. Nguyên giá tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định như sau:
a) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ hình thành từ mua sắm, đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng kể từ ngày Nghị định số 33/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản là giá trị mua sắm, quyết toán công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán thì sử dụng nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán. Nguyên giá tạm tính trong trường hợp này được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau: giá trị đề nghị quyết toán; giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B; giá trị dự toán của dự án đã được phê duyệt. Khi dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện điều chỉnh giá trị đã ghi sổ theo quy định của pháp luật về kế toán;
c) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ tiếp nhận từ việc được giao, điều chuyển thì nguyên giá tài sản được xác định trên cơ sở nguyên giá ghi trên Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản;
d) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ hiện có trước ngày Nghị định số 33/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng chưa thực hiện xác định giá trị để ghi sổ kế toán tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP thì việc xác định nguyên giá để ghi sổ kế toán được thực hiện như sau:
Nguyên giá của tài sản = Đơn giá tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại Bảng giá (tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) x Số lượng (khối lượng) tài sản hạ tầng giao thông đường bộ thực tế được giao quản lý
đ) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi hiện vật hoặc giá trị trên sổ kế toán) thì căn cứ vào nguồn gốc của tài sản để xác định nguyên giá của tài sản theo các quy định tương ứng tại các điểm a, b, c và d khoản này.
2. Nguyên giá tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được thay đổi trong các trường hợp sau:
a) Đánh giá lại giá trị tài sản theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Lắp đặt thêm hoặc tháo dỡ một hay một số bộ phận của tài sản;
d) Bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác trừ trường hợp tài sản đã được khắc phục sự cố theo quy định pháp luật về bảo trì đường bộ và trường hợp xử lý tài sản theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP.
3. Khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản hạ tầng giao thông đường bộ, cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện lập Biên bản ghi rõ căn cứ thay đổi nguyên giá và xác định lại chỉ tiêu nguyên giá tài sản. Việc xác định các chỉ tiêu giá trị còn lại, hao mòn lũy kế, thời gian sử dụng còn lại thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này để tính hao mòn tài sản (nếu có) làm cơ sở điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện kế toán tài sản vào ngày 31 tháng 12 của năm đó theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
1. Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại Điều 3 Thông tư này đều phải tính hao mòn, trừ tài sản quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Những tài sản hạ tầng giao thông đường bộ dưới đây không phải tính hao mòn:
a) Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ chưa tính hết hao mòn nhưng đã bị hư hỏng không thể sửa chữa để sử dụng được;
b) Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ đã tính đủ hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được.
3. Việc tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12 hàng năm, trước khi khóa sổ kế toán.
4. Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ phát sinh trong năm (do được mua sắm, đầu tư xây dựng mới), cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện tính hao mòn như sau: Trường hợp tài sản có thời gian đưa vào sử dụng lớn hơn hoặc bằng 06 (sáu) tháng thì tính hao mòn tròn 01 năm; trường hợp tài sản có thời gian đưa vào sử dụng dưới 06 (sáu) tháng thì không tính hao mòn trong năm phát sinh tài sản.
5. Trường hợp trong năm có phát sinh việc tiếp nhận tài sản do được giao, được nhận điều chuyển, chia tách, giải thể, sáp nhập, hợp nhất thì việc tính hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản vào thời điểm cuối năm theo quy định.
1. Thời gian sử dụng để tính hao mòn, tỷ lệ hao mòn tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng để tính hao mòn tài sản từ năm 2022.
2. Đối với các tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì áp dụng thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này để tính hao mòn tài sản cho số năm sử dụng trước năm 2022.
1. Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được tính theo công thức:
Mức hao mòn hàng năm của tài sản = Nguyên giá tài sản x Tỷ lệ hao mòn
(%/năm)
Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan được giao quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ tính tổng số hao mòn lũy kế của tài sản hạ tầng được giao quản lý cho năm đó theo công thức:
Tổng số hao mòn lũy kế của tài sản tính đến năm (n) = Tổng số hao mòn đã tính đến năm (n-1) + Tổng số hao mòn tài sản tăng trong năm (n) - Tổng số hao mòn tài sản giảm trong năm (n)
Riêng đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì mức hao mòn của năm xác định là số hao mòn lũy kế của tài sản tính đến năm đó. Việc xác định số hao mòn lũy kế của tài sản được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 4 Điều này.
2. Đối với những tài sản hạ tầng giao thông đường bộ có thay đổi về nguyên giá thì trên cơ sở nguyên giá tài sản xác định lại tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này (nguyên giá của tài sản sau điều chỉnh), cơ quan được giao quản lý tài sản xác định lại các chỉ tiêu hao mòn lũy kế, giá trị còn lại, thời gian sử dụng còn lại để tính hao mòn của tài sản theo công thức sau:
a) Số hao mòn lũy kế tính đến năm xác định lại nguyên giá = Số hao mòn tính đến năm trước khi xác định lại nguyên giá + Mức hao mòn của năm xác định lại nguyên giá
Trong đó:
Mức hao mòn của năm xác định lại nguyên giá = Nguyên giá của tài sản sau khi xác định lại x Tỷ lệ hao mòn
(%/năm)
b) Giá trị còn lại của tài sản sau khi xác định lại nguyên giá = Nguyên giá của tài sản sau khi xác định lại - Số hao mòn lũy kế tính đến năm xác định lại nguyên giá
c) Thời gian sử dụng còn lại của tài sản (năm) = Giá trị còn lại của tài sản sau khi xác định lại nguyên giá : Mức hao mòn của tài sản sau khi xác định lại nguyên giá
Trường hợp kết quả xác định thời gian sử dụng còn lại để tính hao mòn là số thập phân thì được làm tròn theo nguyên tắc cộng thêm một năm sử dụng vào phần số nguyên.
3. Mức tính hao mòn cho năm cuối cùng của thời gian sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản và số hao mòn lũy kế của tài sản đó tại thời điểm xác định.
4. Giá trị còn lại của tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định như sau:
a) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì giá trị còn lại của tài sản để ghi sổ kế toán được xác định theo công thức sau:
Giá trị còn lại của tài sản tính đến 31 tháng 12 của năm (n) = Nguyên giá của tài sản - Số hao mòn lũy kế của tài sản tính đến năm (n)
Trong đó:
- Nguyên giá của tài sản được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
- Số hao mòn lũy kế của tài sản tính đến năm (n) được xác định theo công thức:
Số hao mòn lũy kế của tài sản tính đến năm (n) = Số hao mòn của tài sản đã tính đến năm (n-1) + Số hao mòn tài sản của năm (n)
b) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì giá trị còn lại của tài sản khi tiếp nhận được xác định trên cơ sở giá trị còn lại ghi trên Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản.
c) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì giá trị còn lại của tài sản để ghi sổ kế toán được xác định như sau:
c.1) Giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm xác định giá trị để ghi sổ kế toán được xác định theo công thức sau:
Giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm xác định = Nguyên giá của tài sản - Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến hết năm 2021 + Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm 2022 đến thời điểm xác định
Trong đó:
- Nguyên giá của tài sản được xác định theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
- Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến hết năm 2021 bằng (=) nguyên giá của tài sản nhân (x) với số năm đã sử dụng của tài sản tính đến hết năm 2021 nhân (x) với tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm 2022 đến thời điểm xác định bằng (=) nguyên giá của tài sản nhân (x) với số năm sử dụng từ năm 2022 đến năm xác định nhân (x) với tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
c.2) Giá trị còn lại của tài sản sau thời điểm xác định giá trị để ghi sổ kế toán (quy định tại điểm c.1 khoản này) được xác định theo quy định tại điểm a khoản này.
d) Đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì giá trị còn lại của tài sản để ghi sổ kế toán được xác định như sau:
d.1) Giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm xác định giá trị để ghi sổ kế toán được xác định theo công thức sau:
Giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm xác định = Nguyên giá của tài sản - Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến thời điểm xác định
Trong đó:
- Nguyên giá của tài sản được xác định theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
- Đối với tài sản đưa vào sử dụng từ năm 2022 trở đi thì số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến thời điểm xác định bằng (=) nguyên giá của tài sản nhân (x) với số năm đã sử dụng của tài sản nhân (x) với tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Đối với tài sản đưa vào sử dụng trước năm 2022 thì số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến thời điểm xác định bằng (=) số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến hết năm 2021 cộng (+) với số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm 2022 đến thời điểm xác định; trong đó:
+ Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm bắt đầu đưa vào sử dụng đến hết năm 2021 bằng (=) nguyên giá của tài sản nhân (x) với số năm đã sử dụng của tài sản tính đến hết năm 2021 nhân (x) với tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
+ Số hao mòn lũy kế của tài sản từ năm 2022 đến thời điểm xác định bằng (=) nguyên giá của tài sản nhân (x) với số năm sử dụng từ năm 2022 đến năm xác định nhân (x) với tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
d.2) Giá trị còn lại của tài sản sau thời điểm xác định giá trị để ghi sổ kế toán (quy định tại điểm d.1 khoản này) được xác định theo quy định tại điểm a khoản này.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 7 năm 2022.
2. Bãi bỏ Thông tư số 178/2013/TT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư liên tịch số 99/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải quy định Bảng giá tài sản hạ tầng đường bộ.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.