Thông tư 32/2017/TT-BQP Quy định đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền quân sự
24-01-2017
17-02-2017
10-03-2017
Bộ Quốc phòng Số: 32/2017/TT-BQP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2017 |
Thông tư
QUY ĐỊNH ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀU THUYỀN QUÂN SỰ
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa
ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông
đường thủy nội địa ngày 26 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22
tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền quân sự.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền; phạm vi hoạt động; chế độ đăng ký, thống kê, báo cáo; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc đăng ký, quản lý, sử dụng tàu thuyền trong Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là tàu thuyền quân sự).
1. Tàu thuyền quân sự bao gồm tàu, thuyền và phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước có động cơ hoặc không có động cơ được biên chế tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng theo quyết định của Tổng Tham mưu trưởng.
2. Số đăng ký là ký hiệu riêng của từng tàu thuyền quân sự, thể hiện đơn vị sử dụng, chủng loại và thứ tự tàu thuyền đó.
3. Giấy đăng ký là chứng nhận pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho từng tàu thuyền quân sự, xác định trách nhiệm quản lý của đơn vị được trang bị tàu thuyền quân sự.
4. Giấy phép lưu hành là chứng nhận pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho từng tàu thuyền quân sự, có giá trị sử dụng trong thời gian quy định, khi hết hạn đơn vị sử dụng phải làm thủ tục xin gia hạn.
5. Đăng ký chính thức là đăng ký khi có quyết định đưa vào trang bị quân sự của Tổng Tham mưu trưởng.
6. Đăng ký tạm thời là đăng ký khi chưa có quyết định đưa vào trang bị quân sự của Tổng Tham mưu trưởng và có thời hạn nhất định.
7. Đăng ký lại là đăng ký khi có sự thay đổi về chủ sở hữu, tên tàu, kết cấu hoặc thông số kỹ thuật, công dụng của tàu thuyền quân sự.
8. Tàu thuyền cải hoán là quá trình kết hợp giữa sửa chữa, thay đổi kết cấu, trang thiết bị nhằm mục đích chuyển đổi cấu hình, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu thuyền quân sự.
9. Cơ quan đăng ký tàu thuyền quân sự là cơ quan được Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và Cục trưởng Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần giao nhiệm vụ cấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành tàu thuyền quân sự.
1. Nguyên tắc đăng ký
a) Tàu thuyền quân sự được trang bị từ bất cứ nguồn nào cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sử dụng vào mục đích quốc phòng thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, tuần tiễu, kiểm tra, kiểm soát, vận tải, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, làm kinh tế và các nhiệm vụ khác trước khi đưa vào sử dụng phải được Tổng Tham mưu trưởng quyết định đưa vào trang bị quân sự và đăng ký;
b) Phải có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ giấy tờ có liên quan theo quy định của pháp luật;
c) Việc đăng ký được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc quản lý
a) Quản lý đúng số lượng, chất lượng, chủng loại và sự đồng bộ;
b) Thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng đến cơ quan trực tiếp quản lý tàu thuyền.
3. Nguyên tắc sử dụng
a) Đúng mục đích, nhiệm vụ, tính năng kỹ thuật, chiến thuật và quy định của Bộ Quốc phòng;
b) Bảo đảm an toàn và hiệu quả.
1. Giả mạo hồ sơ, sửa chữa, tẩy xóa, thay đổi các thông tin ghi trên giấy đăng ký, giấy phép lưu hành và các giấy tờ khác có liên quan khi sử dụng tàu thuyền quân sự.
2. Cho thuê, cho mượn, cầm cố thế chấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành.
3. Cấp các loại giấy tờ, trang thiết bị của tàu thuyền quân sự cho người không có trách nhiệm sử dụng.
4. Điều động, sử dụng tàu thuyền quân sự trái với quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
ĐĂNG KÝ TÀU THUYỀN QUÂN SỰ
Điều 6. Thẩm quyền cấp số đăng ký
1. Tổng Tham mưu trưởng quyết định cấp số đăng ký cho tàu thuyền quân sự.
2. Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục trưởng Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần giúp Tổng Tham mưu trưởng cấp số đăng ký bảo đảm tính thống nhất với kết cấu, kích thước, màu sắc, vị trí kẻ hoặc lắp đặt số đăng ký theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trường hợp cần thiết Tổng Tham mưu trưởng giao cho chỉ huy cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.
1. Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục trưởng Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần cấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành cho tàu thuyền quân sự thuộc phạm vi quản lý.
2. Nội dung thể hiện trên giấy đăng ký và giấy phép lưu hành
a) Giấy đăng ký, kích thước: 125 x 115(mm); mặt trước màu xanh nhạt, có hình ngôi sao ở giữa, nội dung gồm: Số thứ tự đăng ký, tên tàu thuyền quân sự, số đăng ký, đơn vị sử dụng; mặt sau màu trắng, nội dung gồm: Đặc điểm kỹ thuật, công dụng của tàu thuyền quân sự được đăng ký. Mẫu số 01, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Giấy đăng ký tạm thời, kích thước: 125 x 115(mm); mặt trước màu vàng nhạt, nội dung gồm: Số thứ tự đăng ký, tên tàu thuyền quân sự, số đăng ký, đơn vị sử dụng và đặc điểm kỹ thuật, công dụng của tàu thuyền quân sự; mặt sau màu vàng nhạt, nội dung gồm: Có hình tàu, thuyền, quy định quản lý giấy đăng ký tạm thời. Mẫu số 02, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Giấy phép lưu hành, kích thước: 175 x 125(mm); mặt trước màu xanh nhạt, có hình ngôi sao ở giữa, nội dung gồm: Số thứ tự đăng ký, tên tàu thuyền quân sự, số đăng ký, đơn vị sử dụng và đặc điểm kỹ thuật, công dụng của tàu thuyền, thời hạn sử dụng; mặt sau màu trắng có hình tàu, thuyền, quy định quản lý giấy phép lưu hành. Mẫu số 03, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Giấy phép lưu hành tạm thời, kích thước: 175 x 125(mm); mặt trước màu vàng, có hình ngôi sao ở giữa, nội dung gồm: Số thứ tự đăng ký, tên tàu thuyền quân sự, số đăng ký, đơn vị sử dụng và đặc điểm kỹ thuật, công dụng của tàu thuyền, thời hạn sử dụng; mặt sau màu trắng có hình tàu, thuyền, quy định quản lý giấy phép lưu hành. Mẫu số 04, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Cơ quan cấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành: Là cơ quan giúp người chỉ huy quy định tại Khoản 1 Điều này tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định trình hồ sơ cấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành.
1. Đăng ký chính thức: Được thực hiện khi có quyết định đưa vào trang bị quân sự của Tổng Tham mưu trưởng; có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
2. Đăng ký tạm thời: Được thực hiện khi chưa có quyết định đưa vào trang bị quân sự của Tổng Tham mưu trưởng nhưng có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Thông tư này. Đăng ký tạm thời áp dụng trong các trường hợp sau:
a) Tàu thuyền đóng mới, mua sắm chưa có quyết định của Tổng Tham mưu trưởng đưa vào trang bị quân sự;
b) Tàu thuyền được tặng, viện trợ của các quốc gia, tổ chức, cá nhân, địa phương đưa vào các đơn vị quân đội để làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, vận tải hàng hóa, phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn chưa có quyết định của Tổng Tham mưu trưởng đưa vào trang bị quân sự.
1. Tàu thuyền quân sự do Bộ Quốc phòng trang bị
a) Văn bản đề nghị cấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Mẫu số 05, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao quyết định đưa vào trang bị quân sự của Tổng Tham mưu trưởng;
c) Bản sao biên bản xuất xưởng đối với tàu đóng mới;
d) Bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu thuyền quân sự còn hiệu lực;
đ) Bản sao biên bản giao, nhận tàu thuyền quân sự;
e) Bản sao bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng và người lái phương tiện (nếu có).
2. Tàu thuyền quân sự do đơn vị tự mua: Ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a, b, c, d, e Khoản 1 Điều này, bổ sung bản sao quyết định của Tổng Tham mưu trưởng cho mua và hợp đồng mua tàu thuyền.
3. Tàu thuyền quân sự điều động giữa các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng: Ngoài các quy định tại Điểm a, d, đ Khoản 1 Điều này, bổ sung các giấy tờ sau:
a) Bản sao quyết định của Tổng Tham mưu trưởng về việc điều động trang bị quân sự;
b) Bản sao hồ sơ gốc của tàu (hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ hoàn công, hồ sơ kỹ thuật, các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật);
c) Giấy đăng ký, giấy phép lưu hành theo tàu.
4. Tàu thuyền quân sự điều động nội bộ: Ngoài các quy định tại Điểm a, d, đ Khoản 1 Điều này, bổ sung các giấy tờ sau:
a) Bản sao quyết định điều động trang bị của cấp có thẩm quyền;
b) Bản sao hồ sơ gốc của tàu (hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ hoàn công, hồ sơ kỹ thuật, các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật);
c) Giấy đăng ký, giấy phép lưu hành tàu thuyền quân sự.
5. Tàu thuyền quân sự được tặng, viện trợ: Ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a, b, đ Khoản 1 Điều này, bổ sung bản sao các giấy tờ theo tàu.
6. Tàu thuyền quân sự cải hoán: Ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a, đ Khoản 1 Điều này, bổ sung:
a) Bản sao quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép cải hoán.
b) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải hoán;
c) Bản sao biên bản nghiệm thu xuất xưởng;
d) Bản sao hồ sơ đăng kiểm sau cải hoán;
đ) Giấy đăng ký, giấy phép lưu hành trước khi cải hoán.
1. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại
a) Cấp đổi giấy đăng ký, giấy phép lưu hành trong trường hợp tàu thuyền được điều chuyển đơn vị, bị rách nát, sai thông tin;
b) Cấp lại giấy đăng ký, giấy phép lưu hành trong trường hợp bị mất.
2. Hồ sơ cấp đổi, cấp lại
a) Hồ sơ cấp đổi: Ngoài các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này, bổ sung giấy đăng ký, giấy phép lưu hành tàu thuyền quân sự;
b) Hồ sơ cấp lại: Ngoài các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này, bổ sung văn bản giải trình về việc mất giấy đăng ký, giấy phép lưu hành của cấp có thẩm quyền.
1. Văn bản đề nghị cấp giấy đăng ký tạm thời của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Bản sao hồ sơ gốc của tàu (hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ hoàn công, hồ sơ kỹ thuật, các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật).
3. Bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu thuyền quân sự còn hiệu lực.
1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tàu thuyền quân sự chịu trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đăng ký tàu thuyền quân sự theo quy định tại Điều 9 hoặc Điều 10 Thông tư này và gửi trực tiếp hoặc qua đường quân bưu đến cơ quan đăng ký tàu thuyền quân sự.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan đăng ký tàu thuyền quân sự có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy đăng ký, giấy phép lưu hành cho đơn vị.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ cơ quan đăng ký tàu thuyền quân sự phải có văn bản thông báo và hướng dẫn đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ; thời hạn 5 (năm) ngày làm việc.
1. Các trường hợp thu hồi
a) Tàu thuyền quân sự bị mất tích;
b) Tàu thuyền quân sự bị phá hủy;
c) Tàu thuyền quân sự cải hoán;
d) Tàu thuyền quân sự điều chuyển giữa các đơn vị;
đ) Tàu thuyền quân sự đã có quyết định loại khỏi trang bị quân sự của Tổng Tham mưu trưởng;
e) Tàu thuyền quân sự thay đổi cơ quan đăng ký;
g) Khi kết thúc nhiệm vụ được giao của cấp có thẩm quyền;
h) Tàu thuyền quân sự vi phạm một trong các lỗi quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Tàu thuyền quân sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì các cơ quan trực tiếp quản lý quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư này có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy đăng ký, giấy phép lưu hành.
QUẢN LÝ TÀU THUYỀN QUÂN SỰ
Điều 14. Quản lý tàu thuyền quân sự
1. Quản lý số lượng, chất lượng, chủng loại và sự đồng bộ tàu thuyền quân sự: Cơ quan Quân lực các cấp phải lập hệ thống sổ sách, mẫu biểu đăng ký, thống kê theo quy định và hướng dẫn của từng chuyên ngành kỹ thuật, nắm chắc số lượng, chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật tàu thuyền của đơn vị mình.
2. Quản lý kỹ thuật tàu thuyền quân sự: Cơ quan kỹ thuật tàu thuyền các cấp phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng do cấp có thẩm quyền ban hành để phân cấp chất lượng, kiểm kê định kỳ hoặc đột xuất về tình trạng thực tế vũ khí, trang bị kỹ thuật tàu thuyền so với tiêu chuẩn chất lượng quy định; người chỉ huy cơ quan, đơn vị tàu thuyền các cấp phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, có biện pháp tích cực để duy trì hệ số kỹ thuật tàu thuyền.
3. Quản lý sự đồng bộ tàu thuyền quân sự: Người chỉ huy các cấp phải nắm chắc, đồng bộ và có phương án bổ sung, thay thế, sửa chữa kịp thời để duy trì đồng bộ theo trang bị và đồng bộ theo đơn vị.
1. Cục Quân lực/Bộ Tổng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý số lượng, chất lượng, chủng loại và sự đồng bộ tàu thuyền quân sự trong Bộ Quốc phòng.
2. Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý số lượng, chất lượng, chủng loại và sự đồng bộ tàu thuyền quân sự thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý; điều chỉnh, điều động tạm thời, phân nhóm và xác định trạng thái sử dụng tàu thuyền quân sự trong đơn vị thuộc quyền; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý tàu thuyền quân sự.
3. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý số lượng, chất lượng, chủng loại và sự đồng bộ tàu thuyền quân sự thuộc Tổng cục Hậu cần quản lý trong Bộ Quốc phòng; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý tàu thuyền quân sự.
4. Chỉ huy các cấp chịu trách nhiệm quản lý, nắm chắc số lượng, chất lượng, chủng loại, nhóm tàu, trạng thái sử dụng và sự đồng bộ tàu thuyền thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý.
5. Cơ quan kỹ thuật tàu thuyền các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm duy trì hệ số kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác quản lý tàu thuyền theo quyết định của người chỉ huy và hướng dẫn của cơ quan quản lý tàu thuyền quân sự cấp trên.
6. Đơn vị tàu thuyền các cấp có nhiệm vụ duy trì hệ số kỹ thuật, an toàn kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo đảm cho tàu thuyền quân sự sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ.
SỬ DỤNG TÀU THUYỀN QUÂN SỰ
Điều 16. Điều kiện hoạt động
1. Tàu thuyền quân sự trước khi đi hoạt động phải có
a) Lệnh của cấp có thẩm quyền; kế hoạch hoạt động đã được phê chuẩn;
b) Đủ tài liệu, sổ sách đăng ký, hồ sơ giấy tờ theo quy định;
c) Tình trạng kỹ thuật tốt và được bảo đảm hậu cần theo quy định;
d) Cán bộ chiến sỹ, nhân viên trên tàu có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu sử dụng tàu thuyền quân sự.
2. Các đối tượng được đi trên tàu thuyền quân sự không thuộc biên chế, khi hoạt động phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền bằng văn bản và được phổ biến, quán triệt các quy định bảo đảm an toàn và các quy định có liên quan của tàu.
3. Tàu thuyền quân sự phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn tàu biển, quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
1. Kế hoạch hoạt động
a) Theo thời gian, gồm: Kế hoạch 6 tháng và năm;
b) Theo nhiệm vụ, gồm: Kế hoạch hoạt động tàu thuyền quân sự.
2. Phân cấp lập kế hoạch
a) Cấp dưới trực tiếp của cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng lập kế hoạch năm, 6 tháng, quý;
b) Chỉ huy trưởng đơn vị quản lý tàu thuyền quân sự lập kế hoạch tháng và kế hoạch theo từng đợt hoạt động;
c) Thuyền trưởng lập kế hoạch hàng hải của từng đợt hoạt động.
3. Nội dung, hình thức của kế hoạch: Soạn thảo theo mẫu thống nhất tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn các kế hoạch
a) Kế hoạch chiến đấu, kế hoạch diễn tập thực binh và kế hoạch bắn đạn thật của cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Kế hoạch hoạt động của tàu ngầm.
2. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng phê chuẩn các kế hoạch
a) Kế hoạch năm của các đơn vị thuộc quyền;
b) Các kế hoạch chiến đấu, huấn luyện, tuần tiễu và diễn tập của các đơn vị thuộc quyền.
3. Chỉ huy cấp dưới trực tiếp của cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng phê chuẩn kế hoạch
a) Kế hoạch năm, 6 tháng, quý, tháng và kế hoạch từng đợt hoạt động của các đơn vị thuộc quyền;
b) Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ khác khi cấp trên trực tiếp ủy quyền;
c) Kế hoạch hoạt động của tàu thuyền quân sự cho từng đợt hoạt động.
1. Nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hoạt động của tàu thuyền quân sự phải được thể hiện bằng văn bản, được cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Thông tư này phê duyệt.
2. Trường hợp phải điều chỉnh kế hoạch khi đang hoạt động để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền quân sự hoặc cứu hộ, cứu nạn trên sông, trên biển, người chỉ huy trực tiếp phải thống nhất với cấp ủy để quyết định, kịp thời báo cáo cấp trên và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
Điều 20. Trong nội thủy
Tàu thuyền quân sự hoạt động trong vùng nội thủy phải chấp hành theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014.
Tàu thuyền quân sự khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, phải chấp hành Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật biển Việt Nam năm 2012 và pháp luật hàng hải của Việt Nam.
Tàu thuyền quân sự khi hoạt động trong vùng biển quốc tế thực hiện theo quy định Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Khi hoạt động trong vùng biển nước ngoài, tàu thuyền thuộc Bộ Quốc phòng quản lý phải được sự đồng ý của Bộ Tổng Tham mưu, phải chấp hành Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các Điều ước quốc tế mà nước sở tại là thành viên, pháp luật nước sở tại và đồng thời phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
CHẾ ĐỘ ĐĂNG KÝ THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Điều 24. Đăng ký thống kê
1. Cơ quan, đơn vị và cán bộ tàu, thuyền các cấp phải thực hiện chế độ đăng ký, thống kê theo quy định của ngành, nhằm mục đích quản lý chặt chẽ trang thiết bị, vật tư kỹ thuật tàu thuyền quân sự.
2. Tàu thuyền quân sự chỉ được cơ quan đăng ký tàu thuyền có thẩm quyền đăng ký theo quy định khi có quyết định trang bị của Tổng Tham mưu trưởng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và an toàn về môi trường.
3. Cơ quan quản lý tàu thuyền các cấp phải đăng ký, tổng hợp đầy đủ, kịp thời và chính xác tình trạng kỹ thuật của tàu thuyền quân sự. Các sổ đăng ký trên tàu thuyền quân sự phải được cập nhật, ghi chép thường xuyên, quản lý theo đúng chế độ bảo mật.
1. Kỳ báo cáo, gồm: Báo cáo 6 tháng, năm và báo cáo đột xuất.
2. Nội dung báo cáo: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thời gian báo cáo: Các cơ quan, đơn vị gửi vào ngày 20 tháng cuối quý (quý 2 và quý 4 không báo cáo quý, ghép nội dung của báo cáo quý vào báo cáo 6 tháng và báo cáo năm), đối với báo cáo đột xuất, thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
a) Báo cáo đăng ký, số lượng, chất lượng tàu thuyền quân sự gửi về Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu.
b) Báo cáo hoạt động tàu thuyền quân sự gửi về Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu.
c) Báo cáo công tác kỹ thuật tàu thuyền quân sự gửi về Tổng cục Kỹ thuật/Bộ Quốc phòng.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 26. Tổng Tham mưu trưởng
1. Thống nhất quản lý tàu thuyền quân sự thuộc Bộ Quốc phòng; phê chuẩn kế hoạch hoạt động tàu thuyền quân sự của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này.
2. Quyết định phạm vi hoạt động tàu thuyền quân sự trong nội thủy và trong vùng biển được quy định tại Điều 20, 21, 22 và Điều 23 Thông tư này.
3. Quyết định cho tàu thuyền quân sự hoạt động thực hiện các nhiệm vụ khác không có trong Quyết định biên chế trang bị của Bộ Tổng Tham mưu.
4. Quyết định cho tàu thuyền quân sự hoạt động trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp.
5. Quyết định cấp phát, thu hồi, điều động tàu thuyền quân sự.
1. Thống nhất quản lý, chỉ huy tàu thuyền quân sự của cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 15 Thông tư này.
2. Phê chuẩn kế hoạch hoạt động tàu thuyền quân sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư này.
3. Bộ Tổng Tham mưu (Cục Tác chiến, Cục Quân lực) giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý hoạt động và đăng ký, số lượng, chất lượng tàu thuyền quân sự.
4. Tổng cục Kỹ thuật giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý kỹ thuật tàu thuyền quân sự.
5. Chỉ huy các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan kỹ thuật báo cáo các nội dung theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
1. Thống nhất quản lý, chỉ huy tàu thuyền quân sự của cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo quy định tại Khoản 4, 5, 6 Điều 15 Thông tư này.
2. Lập kế hoạch và phê chuẩn kế hoạch hoạt động tàu thuyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 17, Khoản 3 Điều 18 Thông tư này.
3. Trực tiếp tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động tàu thuyền quân sự.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Điều khoản chuyển tiếp
1. Giấy tờ liên quan đến tàu thuyền quân sự được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng hết thời hạn theo quy định hoặc đến khi cấp đổi.
2. Giấy tờ liên quan không quy định thời hạn sử dụng, các cơ quan, đơn vị thực hiện cấp đổi theo quy định tại Thông tư này, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2017 và thay thế Quyết định 1919 QĐ/QP ngày 09 tháng 11 năm 1985 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc lưu hành các phương tiện thủy của Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tư số 163/2014/TT-BQP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định công tác quản lý hoạt động tàu thuyền thuộc Bộ Quốc phòng và Khoản 1, 2, 3 Điều 33 Điều lệ công tác tàu thuyền quân sự ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BQP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục trưởng Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền.