Thông tư 30/2022/TT-BTC Hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
03-06-2022
20-07-2022
Bộ Tài chính Số: 30/2022/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2022 |
Thông tư
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2019 - 2030
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2019 (sau đây gọi là Quyết định số 89/QĐ-TTg);
Nội dung chuyên môn về tuyển sinh, tiêu chí xét chọn và tổ chức triển khai đào tạo của Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (sau đây gọi là Đề án) thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT ngày 8 tháng 9 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 89/QĐ-TTg (sau đây gọi là Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT).
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng tham gia Đề án theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Đề án.
1. Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ kinh phí cho người học (gồm học bổng, học phí và các chi phí cho học viên được đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ) được cử đi đào tạo trong phạm vi chỉ tiêu đào tạo được cơ quan có thẩm quyền giao và nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này.
2. Nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng tham gia Đề án:
a) Các cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học có trách nhiệm tự bảo đảm kinh phí từ nguồn tài chính hợp pháp để bồi dưỡng về ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho người học được tuyển chọn đi đào tạo tại nước ngoài; hỗ trợ người học tham gia các chương trình đào tạo của Đề án ngoài các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này (nếu có). Nội dung và mức chi thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;
b) Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tự bảo đảm kinh phí từ nguồn tài chính hợp pháp để bồi dưỡng nâng cao năng lực của giảng viên và cán bộ quản lý, thu hút các nhà khoa học và người có trình độ tiến sĩ; triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
3. Nguồn tài trợ, hỗ trợ, huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định. Nội dung và mức chi được thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại nguồn vốn, khuyến khích các đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ
1. Học phí và các khoản có liên quan đến học phí: Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại); tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại. Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 đô la Mỹ/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Trường hợp đặc biệt, cần thu hút và tạo nguồn giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện thanh toán theo mức học phí quy định của cơ sở đào tạo và trong phạm vi dự toán được giao.
2. Chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo đối với chi phí làm visa.
3. Sinh hoạt phí:
a) Sinh hoạt phí cấp cho người học theo mức quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
b) Việc thanh toán sinh hoạt phí cho người học được cấp định kỳ theo quý hoặc 06 tháng/lần, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của người học.
4. Bảo hiểm y tế bắt buộc:
a) Mức bảo hiểm y tế bắt buộc: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 đô la Mỹ/người/năm;
b) Trường hợp người học có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.
5. Tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông):
a) Người học được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo;
b) Thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.
6. Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay và thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở và ngược lại) được cấp 01 lần với mức khoán là 100 đô la Mỹ/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo.
7. Các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo:
a) Chi phí chuyển và nhận tiền qua ngân hàng liên quan đến khóa đào tạo ở nước ngoài (nếu có): Căn cứ vào các quy định của ngân hàng nước sở tại và ở Việt Nam, nếu có phát sinh lệ phí chuyển tiền hoặc nhận tiền qua ngân hàng thì ngân sách nhà nước sẽ cấp khoản chi này theo thực tế phát sinh;
b) Hỗ trợ chi phí để xử lý các rủi ro, bất khả kháng xảy ra đối với người học được cử đi đào tạo: Trường hợp người học tử vong, ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ cước phí vận chuyển thi hài hoặc lọ tro từ nước ngoài về nước hoặc hỗ trợ phần còn thiếu của cước phí vận chuyển sau khi bảo hiểm chi trả;
c) Trường hợp thời gian thực tế đào tạo nhiều hơn thời gian ghi trong Quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm cả do nguyên nhân bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh) và người học vẫn đảm bảo kết quả học tập, được cơ sở đào tạo nước ngoài xác nhận thì người học chỉ được thanh toán các chế độ, chính sách trong thời gian kéo dài khi có Quyết định bổ sung của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tổng thời gian không vượt quá thời gian quy định về hoàn thành chương trình đào tạo tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT.
1. Học phí nộp cho các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét chọn tham gia các nhiệm vụ đào tạo của Đề án: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của cơ sở giáo dục đại học, tối đa không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
2. Hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học bao gồm:
a) Hỗ trợ kinh phí để người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước, cụ thể như sau:
- Nhóm ngành Y dược, Thể dục, Thể thao, Nghệ thuật: 20 triệu đồng/người học/năm;
- Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản: 18 triệu đồng/người học/năm;
- Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/người học/ năm;
Thời gian hỗ trợ: Trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).
b) Hỗ trợ kinh phí để người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài:
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu các tạp chí khoa học của Web of Science theo mức thông báo của tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ;
- Người học có kết quả học tập đáp ứng các điều kiện theo Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT, được mời đi tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đi lại và sinh hoạt phí (tối đa không quá 01 lần trong cả thời gian đào tạo) theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí. Trong trường hợp người học được các tổ chức khác hỗ trợ các chi phí liên quan đến việc tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn thì ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ các chi phí người học đã được tài trợ.
Các cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học có trách nhiệm căn cứ vào các quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Thông tư này để xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và quy chế hỗ trợ đối với người học đáp ứng các điều kiện để được nhận hỗ trợ theo các nội dung nêu trên và thông báo công khai trước khi thực hiện.
Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học có thể huy động từ các nguồn đóng góp, hợp pháp khác để hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Phương thức liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT. Nội dung và mức chi thực hiện như sau:
1. Đối với thời gian người học tập trung ở trong nước: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Đối với thời gian người học tập trung ở nước ngoài (tối đa không quá 02 năm): Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
LẬP DỰ TOÁN, PHÂN BỔ, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
Điều 6. Lập dự toán
1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Hàng năm, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cơ quan quản lý các cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học (đối với cơ sở công lập) và các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cử giảng viên đi học báo cáo tình hình thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong đó chi tiết về số lượng, phương thức và trình độ đào tạo, đồng thời lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án theo nguồn kinh phí (đối với nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và các nguồn kinh phí khác) theo nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này;
b) Căn cứ vào báo cáo, kế hoạch và để xuất bố trí dự toán của các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương và các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập; hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm rà soát, tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án, gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trong đó:
- Đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; thời gian đào tạo ở nước ngoài của phương thức đào tạo liên kết và kinh phí đào tạo người học thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập: Dự toán kinh phí thực hiện Đề án được lập và tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chi trả cho các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài và người học theo quy định;
- Đối với phương thức đào tạo tập trung toàn thời gian ở trong nước, thời gian đào tạo ở trong nước của phương thức đào tạo liên kết: Dự toán kinh phí thực hiện được lập và tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương để chi trả cho các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và người học theo quy định.
2. Đối với các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương:
Căn cứ mục tiêu của Đề án; hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng báo cáo và lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án; kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đề án; các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc báo cáo tình hình thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và tổng hợp gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Khoản 1 Điều này; đồng thời gửi các Bộ, cơ quan trung ương (đối với các cơ sở đào tạo thuộc các Bộ, cơ quan thuộc trung ương quản lý), gửi cơ quan quản lý trực tiếp (đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc địa phương quản lý) để tổng hợp vào dự toán ngân sách năm kế hoạch theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, gửi cơ quan tài chính đồng cấp để xem xét, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
3. Đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập:
Căn cứ mục tiêu của Đề án; hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng báo cáo và lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án; kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đề án và kế hoạch thực hiện Đề án; các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập xây dựng báo cáo và lập dự toán kinh phí cử giảng viên đi học theo Đề án, tổng hợp gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
1. Căn cứ dự toán kinh phí thực hiện Đề án được cấp có thẩm quyền giao; kế hoạch triển khai Đề án, chỉ tiêu đào tạo được phê duyệt và danh sách người học theo thực tế; các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc cử giảng viên đi học để thực hiện chi trả cho các cơ sở đào tạo ở trong nước và người học theo quy định đối với phương thức đào tạo tập trung toàn thời gian ở trong nước, thời gian đào tạo ở trong nước của phương thức đào tạo liên kết, gửi cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đồng gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi tổng hợp.
2. Kinh phí đào tạo theo phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; thời gian đào tạo ở nước ngoài của phương thức đào tạo liên kết và kinh phí đào tạo người học thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập tham gia Đề án được phân bổ và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chi trả cho các cơ sở đào tạo ở nước ngoài tiếp nhận người học theo Đề án và người học.
3. Đối với năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động bố trí kinh phí trong dự toán đã được giao để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo hướng dẫn tại Thông tư này.
1. Quy định về kiểm soát thanh toán kinh phí hỗ trợ cho người học tại Kho bạc Nhà nước:
a) Về hồ sơ thủ tục kiểm soát thanh toán kinh phí đào tạo trong nước và kinh phí đào tạo ở nước ngoài qua Kho bạc Nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 11/2020/NĐ-CP).
b) Về quy định kiểm soát, thanh toán kinh phí qua Kho bạc Nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các quy định hiện hành, trong đó hồ sơ kiểm soát chi đối với kinh phí đào tạo ở nước ngoài được thực hiện như sau:
Đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán ngân sách trên cơ sở tổng số tiền tại danh sách chuyển kinh phí đào tạo cho lưu học sinh theo từng nước/trường, từng loại ngoại tệ hoặc Giấy rút dự toán cho từng người học và gửi đến Kho bạc Nhà nước kèm theo các hồ sơ quy định tại Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.
Hồ sơ thanh toán kinh phí đào tạo cho người học phải đầy đủ các nội dung sau: Họ và tên người học; Tên nước người học đang theo học; Nội dung chi; Số tiền bằng ngoại tệ cho từng người học; Tên tài khoản người hưởng (tên cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc đơn vị cá nhân được hưởng); Số tài khoản người hưởng; Mã định danh (Swift code) của ngân hàng người hưởng hoặc tên và địa chỉ đầy đủ của Ngân hàng người hưởng; Ngân hàng trung gian (nếu có); Phí chuyển tiền; Khác (nếu có).
Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ và tính chính xác của các nội dung trong Giấy rút dự toán ngân sách kinh phí đào tạo cho người học và các hồ sơ gửi đến Kho bạc Nhà nước; đảm bảo đúng nội dung, định mức chi theo quy định tại Thông tư này.
Kho bạc Nhà nước căn cứ vào dự toán được giao, hồ sơ đơn vị gửi đến để kiểm soát và làm thủ tục đề nghị Ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước đến từng đối tượng được hưởng.
Đối với sinh hoạt phí và bảo hiểm y tế của người học đi đào tạo ở nước ngoài, trước khi nhập học được cấp trước chi phí đi đường và tối đa không quá 3 tháng tiền sinh hoạt phí.
2. Kinh phí hỗ trợ cấp cho người học theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo được tính từ thời điểm người học nhập học chính thức tại cơ sở đào tạo hoặc từ thời điểm quyết định có hiệu lực đối với người học tiến sĩ; nhưng tối đa không quá 04 năm (48 tháng) đối với người học tiến sĩ và không quá 02 năm (24 tháng) đối với người học thạc sĩ. Trong thời gian tạm dừng học tập, nghiên cứu, người học không được nhận kinh phí hỗ trợ của Đề án.
3. Trường hợp người học vi phạm pháp luật dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án tù giam hoặc bị buộc thôi học do vi phạm quy định của cơ sở đào tạo trong quá trình học tập, nghiên cứu: Dừng cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Người học thực hiện bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo trong trường hợp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người học quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT. Việc bồi hoàn chi phí đào tạo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người học không phải công chức, viên chức, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với người học là công chức, viên chức và các quy định hiện hành khác có liên quan.
5. Việc quản lý và sử dụng kinh phí chi trả cho các cơ sở ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước và quy định tại Thông tư này, thanh toán theo hợp đồng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát, kiểm tra việc quản lý kinh phí thực hiện Đề án, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
7. Kinh phí thực hiện Đề án được quản lý sử dụng và quyết toán phù hợp với tính chất nguồn kinh phí và phù hợp với mục chi tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước, tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị gửi cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt và gửi cơ quan tài chính thẩm định quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2022.
2. Người học đã được tuyển sinh và đang theo học của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, thì tiếp tục được chi trả theo quy định tại Thông tư liên tịch số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg; Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh và chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 599/QĐ-TTg cho tới khi hoàn thành chương trình đào tạo theo quyết định phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó.
4. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.