Thông tư 28/2017/TT-BGTVT Sửa đổi Thông tư 01/2010/TT-BGTVT quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
28/2017/TT-BGTVT
Thông tư
Còn hiệu lực
29-08-2017
25-09-2017
15-10-2017
Bộ Giao thông vận tải Số: 28/2017/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2017 |
Thông tư
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2010/TT-BGTVT NGÀY 11 THÁNG 01 NĂM 2010 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LỤT, BÃO; ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ CỨU NẠN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt
1. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 8. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn khu vực
1. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn khu vực (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy khu vực) do Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành lập theo khu vực bao gồm đại diện của các đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; các đơn vị vận tải; các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
2. Ban Chỉ huy khu vực chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo của Ban Chỉ huy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhằm bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong phạm vi quản lý của khu vực.”.
2. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn cấp cơ sở
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy cơ sở) do Thủ trưởng các đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các Công ty vận tải đường sắt, các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành lập; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo của Ban Chỉ huy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Ban Chỉ huy khu vực.”
3. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 12. Đội xung kích phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn
Tại các khu vực trọng yếu, Thủ trưởng các đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các đơn vị trực thuộc các Công ty vận tải đường sắt, các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành lập các đội xung kích phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn để ứng cứu kịp thời khi có lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra.”.
4. Khoản 1 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Thời gian trực: từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm, cụ thể:
a) Những ngày không có lụt, bão, sự cố, thiên tai: trực trong giờ hành chính;
b) Những ngày có áp thấp nhiệt đới, mưa với cường độ lớn, lụt, bão (báo động từ cấp 01 trở lên): trực 02 ca, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ:
Ca sáng từ 07 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút;
Ca đêm từ 16 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau.”.
5. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 23. Tổ chức xử lý khi lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra
Khi lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn các cấp trong hoạt động đường sắt phải chủ động triển khai ngay theo kế hoạch đã chuẩn bị và chọn phương án thích hợp để xử lý sự cố hiệu quả nhất.
Đối với các đơn vị trực tiếp bị ảnh hưởng của lụt, bão, sự cố, thiên tai phải thực hiện ngay những nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Các đơn vị quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt:
a) Tổ chức tuần tra, chốt gác chặt chẽ các khu vực có lụt, bão, sự cố, thiên tai và thường xuyên tiến hành kiểm tra; kịp thời phong tỏa hoặc giảm tốc độ khi công trình có xuất hiện hư hỏng và nguy cơ để dọa an toàn chạy tàu;
b) Huy động ngay lực lượng xung kích, vật tư, thiết bị, phương tiện vận tải và sẵn sàng triển khai cứu chữa;
c) Các khu vực xung yếu phải lập thêm biểu đồ tuần đường phụ. Những trường hợp cần thiết phải dùng goòng kiểm tra đường trước khi cho tàu chạy;
d) Tại các nơi có đập thủy lợi, thủy điện ở thượng lưu phải nắm được tình hình xả nước của đập, có biện pháp phối hợp, bảo vệ những chỗ nền đường, cầu, cống hoặc công trình đang thi công có nguy cơ bị ngập, xói khi xả nước.
2. Các đơn vị quản lý, bảo trì hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt phải huy động ngay các thiết bị thông tin dự phòng (kể cả nhân lực) đảm bảo thông tin liên tục, thông suốt, đồng thời triển khai lực lượng xung kích sẵn sàng cứu chữa.
3. Các đơn vị vận tải đường sắt, nhà ga, đoàn tàu, nhân viên công tác trên tàu phải tổ chức bảo vệ đoàn tàu, hành khách, hàng hóa; tổ chức chuyển tải hành khách, hàng hóa khi có lệnh của Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc Thủ trưởng đơn vị vận tải đường sắt trực tiếp quản lý theo phân cấp.
4. Trong khu vực xảy ra lụt, bão, sự cố, thiên tai các đơn vị thi công trong phạm vi đất dành cho đường sắt phải chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các đơn vị có liên quan để cứu hộ các công trình có sự cố, hoặc có nguy cơ bị phá hoại. Tất cả các đơn vị phải có trách nhiệm tham gia cùng lực lượng địa phương, Đội thanh tra - An toàn đường sắt khu vực giữ gìn trật tự, an ninh trong khu vực đang thực thi chống lụt, bão, sự cố, thiên tai và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn cấp trên, sẵn sàng ứng cứu các đơn vị bạn khi được điều động để khắc phục hậu quả do lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra.
5. Trường hợp lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra nghiêm trọng vượt quá khả năng nhân lực, vật tư trang thiết bị dự phòng của đơn vị cơ sở thì đơn vị phải đề nghị lên cấp trên khẩn trương huy động nhân lực, vật tư, thiết bị của các đơn vị khác đến chi viện cho việc ứng cứu chống lụt, bão, sự cố, thiên tai. Các công tác giao nhận vật tư, trang thiết bị phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật để làm căn cứ thanh toán, hoàn trả.”.
6. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 25. Nội dung khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
1. Cứu người và tài sản bị nạn.
2. Chuyển tải hành khách và hàng hóa; tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho hành khách, khách hàng.
3. Từng chủ thể bị ảnh hưởng do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây nên phải điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.
4. Sửa chữa, khôi phục các công trình đường sắt bị hư hỏng, đảm bảo giao thông vận tải được thông suốt, an toàn trong thời gian nhanh nhất.
5. Trục vớt, cứu chữa đầu máy, toa xe, trang thiết bị, phương tiện phục vụ thi công và chạy tàu để phục vụ sản xuất và sửa chữa các công trình phòng, chống, lụt, bão bị hư hỏng.
6. Thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của lụt, bão, sự cố, thiên tai.
7. Lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thanh quyết toán chi phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai theo quy định.”.
7. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27. Quy định các bước cứu chữa, khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai
1. Đối với công trình đường, cầu, cống, hầm đường sắt
Việc khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với công trình đường, cầu, cống, hầm đường sắt được thực hiện theo hai bước như sau:
a) Bước 1: Tính từ thời điểm có công điện phong tỏa khu gian, cấm tàu chạy do lụt, bão, sự cố, thiên tai, tai nạn đến khi có công điện trả tốc độ từ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt. Bước này gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Sửa chữa công trình để thông xe chạy tàu tốc độ 05 km/h đảm bảo ổn định, an toàn. Thời gian tính từ thời điểm sau khi có lệnh phong tỏa khu gian đến thời điểm thông xe chạy tàu tốc độ 05 km/h. Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm:
Tổ chức sửa chữa công trình để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn này;
Tổ chức thử tải công trình (nếu thấy cần thiết) để đảm bảo an toàn, ổn định công trình khi thông xe chạy tàu giai đoạn này;
Lập biên bản xác định khối lượng công việc hoàn thành của giai đoạn;
Tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của giai đoạn theo quy định.
Giai đoạn 2: Gia cố, khôi phục công trình để chạy tàu tốc độ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt, đảm bảo ổn định, an toàn. Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm:
Tổ chức khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình bị hư hỏng thuộc bước 1 để phục vụ cứu chữa, khắc phục ngay hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai; trừ công trình phức tạp phải khoan thăm dò, nghiên cứu địa chất thủy văn thì chuyển sang thực hiện bước 2;
Tổ chức khắc phục, sửa chữa, gia cố ổn định công trình để đáp ứng yêu cầu chạy tàu theo tải trọng và tốc độ ≥15 km/h;
Tiếp tục gia cố công trình, tổ chức chạy tàu với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt;
Tổ chức chạy tàu, kiểm tra theo tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, đảm bảo ổn định, an toàn;
Bố trí biển báo hướng dẫn chạy tàu theo quy định;
Thường xuyên theo dõi, đánh giá khả năng chịu tải của công trình để kịp thời có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu của giai đoạn này;
Kiểm tra thông số kỹ thuật của công trình đối với từng chuyến tàu qua lại trong suốt quá trình thực hiện trong giai đoạn này;
Lập biên bản xác định khối lượng công việc hoàn thành của giai đoạn;
Tổ chức nghiệm thu theo quy định;
Thời gian gia cố, khôi phục công trình giai đoạn 2 không quá 45 ngày;
Sau khi chạy tàu với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, tổ chức triển khai ngay các nội dung để thực hiện bước 2;
b) Bước 2: Cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa công trình sau lụt, bão, sự cố, thiên tai để đảm bảo ổn định công trình lâu dài và chạy tàu theo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu trong khu gian.
2. Đối với công trình thông tin tín hiệu đường sắt
Việc khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với công trình thông tin tín hiệu đường sắt được thực hiện theo hai bước như sau:
a) Bước 1: Được tính từ thời điểm có điện báo về sự cố, gián đoạn thông tin tín hiệu đường sắt do lụt, bão, sự cố, thiên tai đến khi khôi phục hệ thống thiết bị thông tin tín hiệu đủ điều kiện chạy tàu an toàn. Bước này gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giải phóng các chướng ngại ảnh hưởng đến hệ thống thông tin tín hiệu, nối thông đường dây thông tin; tháo dỡ, bảo dưỡng thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt bị ảnh hưởng bởi lụt, bão, sự cố, thiên tai;
Giai đoạn 2: Chống đỡ cột thông tin, tín hiệu bị đổ, gẫy; lắp đặt lại thiết bị thông tin tín hiệu về vị trí ban đầu; khôi phục, thay thế, bổ sung hệ thống cột, thiết bị thông tin tín hiệu đảm bảo trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu đủ điều kiện hoạt động ổn định. Thời gian khôi phục giai đoạn này không quá 45 ngày;
b) Bước 2: Nâng cấp hệ thống thiết bị thông tin tín hiệu đảm bảo trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện hoạt động ổn định lâu dài.
3. Đối với công trình kiến trúc đường sắt
Việc khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với công trình kiến trúc đường sắt được thực hiện theo hai bước như sau:
a) Bước 1: Được tính từ thời điểm có điện báo về sự cố công trình kiến trúc đường sắt do lụt, bão, sự cố, thiên tai làm gián đoạn hoạt động điều hành giao thông vận tải đường sắt đến khi gia cố khôi phục công trình đảm bảo điều kiện tác nghiệp điều hành hoạt động giao thông vận tải đường sắt an toàn. Bước này gồm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giải phóng các chướng ngại công trình kiến trúc bị sập, đổ, nối thông hệ thống thiết bị điều hành giao thông vận tải; tháo dỡ, bảo dưỡng thiết bị điều hành chạy tàu;
Giai đoạn 2: Lắp dựng công trình kiến trúc bị sập đổ, đảm bảo đủ điều kiện điều hành chạy tàu an toàn. Sửa chữa, lắp đặt lại hệ thống điều hành chạy tàu đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường sắt; khôi phục, thay thế, bổ sung hệ thống điều hành chạy tàu và các công trình kiến trúc đảm bảo trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu đủ điều kiện hoạt động. Thời gian khôi phục giai đoạn này không quá 45 ngày;
b) Bước 2: Nâng cấp hệ thống điều hành chạy tàu và các công trình kiến trúc đảm bảo trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật đủ điều kiện hoạt động ổn định lâu dài.”.
8. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 28. Quy định về hồ sơ khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với các công trình đường sắt
1. Sau khi sửa chữa, khôi phục công trình bước 1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lập hồ sơ trình phê duyệt.
2. Hồ sơ khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 1 phải đầy đủ theo quy định sau:
a) Biên bản thiệt hại do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra lụt, bão, sự cố, thiên tai gây thiệt hại đối với công trình đường sắt;
b) Hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình đường sắt bước 1 đã được phê duyệt;
c) Hồ sơ hoàn công công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng;
d) Các hóa đơn, chứng từ, tài liệu khác liên quan của bước 1;
đ) Hồ sơ dự toán.”.
9. Bổ sung Điều 28a như sau:
“Điều 28a. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam
1. Trong công tác phòng ngừa lụt, bão, sự cố, thiên tai
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam;
b) Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn của các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt;
c) Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiểm tra hiện trường để phục vụ công tác lập kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt hằng năm;
d) Thẩm tra kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt 05 (năm) năm do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình, trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng;
đ) Thẩm tra kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt hằng năm do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình trước khi trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt.
2. Trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
a) Tiếp nhận các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải. Trong vòng 24 giờ kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo thì phải có trách nhiệm triển khai đến các đơn vị trực thuộc Cục Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt là những đối tượng bị ảnh hưởng do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây nên để thực hiện ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn;
b) Tổ chức trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
c) Tham mưu Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn được duyệt và thực tế diễn biến của thiên tai ngoài hiện trường;
d) Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện theo kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn được duyệt và thực tế diễn biến của thiên tai ngoài hiện trường;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải giao.
3. Trong công tác khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai
a) Kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động lụt, bão, sự cố, thiên tai;
b) Trong 10 ngày làm việc, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ chi phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra đối với công trình đường sắt bước 1 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình;
c) Thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng đối với công trình khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra đối với công trình đường sắt bước 2 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình.
4. Chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải và trước pháp luật về nhiệm vụ phòng, chống khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong hoạt động đường sắt được giao theo quy định của Thông tư này.”.
10. Bổ sung Điều 28b như sau:
“Điều 28b. Trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
1. Trong công tác phòng ngừa lụt, bão, sự cố, thiên tai
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp;
b) Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương (có đường sắt đi qua), doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt;
c) Xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt theo chu kỳ kế hoạch 05 (năm) năm và điều chỉnh hằng năm trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Thông tư này; tổ chức thực hiện kế hoạch khi cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Xây dựng chi phí dự phòng cho công tác khắc phục hậu quả do lụt, bão, sự cố, thiên tai và cứu nạn của năm tiếp theo và kinh phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của năm trước trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Thông tư này để tổ chức thẩm tra; tổ chức thực hiện kế hoạch khi cấp có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Tổ chức xây dựng và quản lý công trình phòng, chống thiên tai. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình có liên quan đến phòng, chống thiên tai trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp. Nếu phát hiện hư hỏng hoặc xuống cấp phải kịp thời có biện pháp xử lý; trong trường hợp vượt quá thẩm quyền của mình, phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết trước mùa mưa, lụt, bão;
e) Công tác chuẩn bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm:
Xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai xảy ra theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai;
Chủ động chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Chủ động tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; tổ chức kiểm tra, cảnh báo thiên tai;
g) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng, nhà thầu thi công công trình trên đường sắt đang khai thác và công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt;
h) Chấp hành nghiêm túc sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền, chế độ báo cáo trong việc thực hiện biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn;
i) Thực hiện các nội dung, yêu cầu về phòng ngừa lụt bão, sự cố, thiên tai quy định của Thông tư này.
2. Trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
a) Khi nhận được văn bản của một trong các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này, trong vòng 24 giờ có trách nhiệm triển khai văn bản đến các đơn vị sau để thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:
Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
Các đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các đơn vị trực thuộc các Công ty vận tải đường sắt, các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
b) Tổ chức trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
c) Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để thành lập Ban Chỉ huy hiện trường; chủ trì tổ chức các lực lượng để trực tiếp thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
d) Thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp theo quy định; thực hiện huy động theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong quá trình ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Trong công tác khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai
a) Khảo sát, thống kê, đánh giá thiệt hại do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra đối với công trình đường sắt thuộc phạm vi quản lý của đơn vị;
b) Tổ chức trục vớt, cứu chữa tài sản, phương tiện phục vụ thi công bị thiệt hại do lụt, bão gây ra;
c) Tham gia thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;
d) Việc khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt bước 1, bao gồm:
Tổ chức khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình đường sắt bước 1;
Tổ chức sửa chữa các công trình đường sắt bị hư hỏng phải đảm bảo giao thông vận tải an toàn trong thời gian nhanh nhất theo quy định;
Tổ chức sửa chữa, khôi phục các công trình phòng, chống lụt, bão bị hư hỏng;
Trong thời gian từ 15 đến 30 ngày kể từ khi hoàn thành công tác cứu chữa bước 1, tổng hợp hồ sơ về thiệt hại do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra trình Cục Đường sắt Việt Nam theo quy định;
đ) Việc khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra đối với công trình đường sắt bước 2:
Tổ chức khảo sát, điều tra lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định;
Triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng;
e) Tổ chức lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thanh quyết toán chi phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định;
g) Tổ chức thực hiện các nội dung khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Thông tư này.
4. Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm:
a) Quyết định giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nắm cổ phần chi phối để thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp;
b) Quy định, hướng dẫn thực hiện kiểm tra theo dõi tình hình hư hỏng của công trình đường sắt, hướng dẫn chạy tàu trong khu vực bị ảnh hưởng do lụt, bão, sự cố, thiên tai gây ra theo nguyên tắc phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nhằm đảm bảo an toàn cho người, công trình đường sắt, an toàn chạy tàu để các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nắm cổ phần chi phối thực hiện.
5. Thực hiện chế độ báo cáo cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Thông tư này.
6. Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
7. Chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải và trước pháp luật về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt được giao theo quy định của Thông tư này.”.
11. Bổ sung Điều 28c như sau:
“Điều 28c. Quy định về thời gian và chế độ thông tin, báo cáo
1. Về thời gian
a) Kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt theo chu kỳ 05 (năm) năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
b) Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra hiện trường để lập kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt;
c) Trước ngày 15 tháng 6 hằng năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến điều chỉnh kế hoạch năm về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm tra kế hoạch trước khi trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt.
2. Chế độ thông tin, báo cáo của các chủ thể liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt
a) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp danh sách và thông tin liên lạc cần thiết của các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; nhiệm vụ, địa chỉ của các chủ thể liên quan thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn về Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 hằng năm;
b) Trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra lụt, bão; sự cố, thiên tai, các chủ thể có liên quan bị ảnh hưởng do lụt, bão, sự cố, thiên tai phải kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sắt Việt Nam các nội dung về tình hình diễn biến lụt, bão, sự cố, thiên tai; sơ bộ mức độ thiệt hại; dự kiến phương án, tiến độ ứng phó và khắc phục.”.
12. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 31. Nguồn kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
1. Nguồn kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được hình thành từ các nguồn sau:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
3. Trong trường hợp kinh phí dự phòng phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn không đủ để thực hiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải để cân đối bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước theo quy định.
4. Về kinh phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:
a) Đối với chi phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai bước 1, kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn dự phòng khắc phục bão lũ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 10/2016/TTLT-BGTVT-BTC ngày 10 tháng 5 năm 2016;
b) Đối với chi phí khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố, thiên tai bước 2, kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hằng năm cấp cho công tác sửa chữa định kỳ trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được phê duyệt theo quy định.”.
13. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 32. Chi phí phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
1. Nội dung các khoản mục chi phí liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để thực hiện các nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.
2. Việc xác định chi phí công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.”.
>2. Thay đổi cụm từ “Ban Chỉ đạo” thành cụm từ “Ban Chỉ huy” tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 9, Điều 11, khoản 4 Điều 15, khoản 2 Điều 21, Điều 22 và khoản 2 Điều 36 của Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2017.
2. Đối với các công trình xảy ra sự cố, thiên tai và chưa giải quyết xong trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.