Thông tư 21/2018/TT-BGTVT Quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt
27-04-2018
01-07-2018
Bộ Giao thông vận tải Số: 21/2018/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2018 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT, DI CHUYỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt, di chuyển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp đặc biệt.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đăng ký) hoạt động trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị và việc di chuyển phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi là phương tiện) trong trường hợp đặc biệt.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký và di chuyển phương tiện trong trường hợp đặc biệt.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt là phương tiện dùng để vận chuyển người, vật tư, thiết bị phục vụ cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; kiểm tra thi công, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt; phục vụ an ninh, quốc phòng.
2. Thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu của phương tiện giao thông đường sắt là việc thay đổi động cơ khác kiểu loại, thay đổi công suất động cơ, thay đổi kiểu truyền động, thay đổi khổ đường đối với đầu máy; thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi tải trọng, thay đổi khổ đường đối với toa xe; thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi khổ đường đối với phương tiện chuyên dùng; thay đổi kiểu loại, công suất động cơ, kiểu truyền động đối với toa xe động lực đường sắt đô thị.
ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN
. QUY ĐỊNH VỀ CẤP, CẤP LẠI, THU HỒI, XÓA GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
Điều 4. Quy định chung
1. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho những phương tiện được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi đưa ra khai thác, vận dụng trên đường sắt theo đề nghị của chủ sở hữu.
2. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký mới thay cho Giấy chứng nhận đăng ký cũ cho phương tiện theo đề nghị của chủ sở hữu trong các trường hợp sau đây: Các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật Đường sắt; trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký bị mất, bị hư hỏng.
3. Thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, xóa bỏ Giấy chứng nhận đăng ký trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Đường sắt.
4. Giấy chứng nhận đăng ký là Giấy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này. Trường hợp cấp lại trên Giấy chứng nhận đăng ký được đóng thêm dấu "Cấp lại lần 1, Cấp lại lần 2....".
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký của chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
2. Các giấy tờ phương tiện bao gồm:
a) Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có);
b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu các giấy tờ của phương tiện như sau: Hợp đồng mua bán, cho, tặng; quyết định điều chuyển phương tiện theo quy định của pháp luật. Đối với giấy tờ của phương tiện bằng tiếng nước ngoài thì phải nộp kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng dịch thuật; hóa đơn bán hàng của tổ chức phát hành hóa đơn bán hàng nếu phương tiện bán ra đã chuyển qua nhiều tổ chức, cá nhân thì khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ cần bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hóa đơn bán hàng của tổ chức, cá nhân bán cuối cùng; Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cấp còn hiệu lực.
3. Trường hợp trong cùng một hợp đồng mua bán, cho, tặng phương tiện, hóa đơn bán hàng, tờ khai hải quan của hồ sơ có kê khai nhiều phương tiện thì chủ sở hữu phương tiện có trách nhiệm cung cấp bảng kê khai cho từng phương tiện đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoặc hồ sơ đối với từng phương tiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Đối với phương tiện nhập khẩu ngoài các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều này thì cần phải có thêm bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của tờ khai hải quan dùng cho phương tiện nhập khẩu hoặc tờ khai hải quan điện tử đã được thông quan.
5. Đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị, trường hợp phương tiện không có hợp đồng mua bán, hóa đơn riêng (do việc mua bán các phương tiện đó chỉ là hợp phần của gói thầu và không thể tách rời) thì chủ sở hữu phải có bản cam kết xác nhận các phương tiện đó thuộc quyền sở hữu và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có các tranh chấp sở hữu phát sinh.
1. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp chuyển quyền sở hữu:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký của chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này;
b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký;
c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực;
d) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu tương ứng với từng trường hợp cụ thể bao gồm: Hợp đồng cho, tặng, mua bán, hóa đơn mua bán phương tiện; quyết định điều chuyển phương tiện;
đ) Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có).
2. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp phương tiện thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký của chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này;
b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký trước khi phương tiện thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu;
c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.
3. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký bị hư hỏng:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký của chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này;
b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký bị hư hỏng.
4. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký bị mất: Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu đơn quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.
1. Đơn đề nghị thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.
2. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký.
1. Chủ sở hữu phương tiện nộp 01 bộ hồ sơ làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoặc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoặc hồ sơ đề nghị thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Cục Đường sắt Việt Nam.
2. Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn chủ sở hữu phương tiện hoàn thiện hồ sơ trong vòng 01 ngày làm việc (nếu hồ sơ nộp trực tiếp) hoặc thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu phương tiện biết để bổ sung hồ sơ trong vòng 02 ngày làm việc (nếu tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính).
3. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và đúng quy định tại Thông tư này, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Trường hợp không cấp, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản trả lời cho chủ sở hữu phương tiện và nêu rõ lý do trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 6 của Thông tư này.
4. Trường hợp mất Giấy chứng nhận đăng ký
a) Căn cứ vào hồ sơ của phương tiện, Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, cấp cho chủ sở hữu phương tiện Giấy xác nhận khai báo mất Giấy chứng nhận đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này;
b) Thời gian xem xét giải quyết cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký là 30 ngày kể từ ngày Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận đơn xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký. Trường hợp không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản trả lời cho chủ sở hữu phương tiện và nêu rõ lý do.
5. Sau khi thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký, trong vòng 03 ngày làm việc, Cục Đường sắt Việt Nam thông báo kết quả bằng văn bản cho chủ sở hữu phương tiện biết.
. QUY ĐỊNH VỀ SỐ ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN
Điều 9. Nguyên tắc đánh số đăng ký phương tiện
1. Phương tiện giao thông đường sắt được chia thành 3 loại: Đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng.
2. Số đăng ký phương tiện phân biệt theo chủ sở hữu phương tiện; số đăng ký mỗi loại phương tiện gồm 03 nhóm ký hiệu, nhóm 1 ở hàng trên, nhóm 2 và nhóm 3 ở hàng dưới, trong đó:
a) Nhóm 1 là tên viết tắt hoặc tên thương mại của doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện;
b) Nhóm 2 là các chữ và số chỉ chủng loại, tính năng kỹ thuật của phương tiện do chủ sở hữu phương tiện tự đề xuất (không trái với các quy định của pháp luật hiện hành) phù hợp với việc quản lý sản xuất kinh doanh của chủ sở hữu phương tiện;
c) Nhóm 3 là số thứ tự đăng ký của loại phương tiện đó do cơ quan đăng ký phương tiện cấp. Đối với những phương tiện đã được doanh nghiệp quản lý đánh số hoặc đã được cấp số đăng ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được giữ nguyên;
Ví dụ số đăng ký toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Tên thương mại bằng tiếng Anh viết tắt là VNR) được đánh số đăng ký như sau:
VNR
H 431-328
d) Đối với các chủng loại toa xe như toa xe mặt bằng, toa xe mặt võng, toa xe xi téc và các toa xe do hạn chế kích thước thành, bệ xe thì tiến hành kẻ ký hiệu nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 trên cùng một hàng.
1. Quy định về vị trí kẻ số đăng ký trên phương tiện:
Chủ sở hữu phương tiện phải kẻ số đăng ký của phương tiện giao thông đường sắt lên hai bên ngoài thành hoặc ở hai đầu phương tiện giao thông đường sắt ở vị trí thích hợp dễ quan sát và dễ nhận biết sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
2. Quy định về màu của số đăng ký phương tiện giao thông đường sắt:
a) Màu trắng hoặc màu vàng nếu thành của phương tiện là màu sẫm;
b) Màu xanh cô ban hoặc màu đen nếu thành của phương tiện là màu sáng.
3. Việc kẻ số đăng ký trên phương tiện giao thông đường sắt đô thị do chủ sở hữu phương tiện quy định và phải đảm bảo các điều kiện như sau: số đăng ký phương tiện phải kẻ ở vị trí thích hợp dễ quan sát, dễ nhận biết; màu của số đăng ký phương tiện thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
1. Kiểu chữ, dấu ngăn cách và sổ theo phông chữ Arial.
2. Kích thước các chữ và số bằng 120 mm đến 150 mm.
3. Các phương tiện có thêm ký hiệu chữ thường (Ví dụ: chữ “n” trong ký hiệu toa xe giường nằm mềm An) có kích thước chiều cao bằng 50% kích thước chiều cao các chữ, số còn lại.
. QUẢN LÝ DỮ LIỆU, BÁO CÁO PHƯƠNG TIỆN ĐÃ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
Điều 12. Quản lý dữ liệu phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký
1. Phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phải có hồ sơ quản lý và được tổng hợp, thống kê, công bố công khai trên trang thông tin điện tử Cục Đường sắt Việt Nam.
2. Chủ sở hữu phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
1. Chủ sở hữu phương tiện có trách nhiệm báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam theo yêu cầu các nội dung sau:
a) Báo cáo tình hình sử dụng, khai thác các phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký;
b) Tình hình biến động của phương tiện đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
2. Thời gian báo cáo: Định kỳ từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
DI CHUYỂN PHƯƠNG TIỆN TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Điều 14. Các trường hợp đặc biệt khi phương tiện di chuyển trên đường sắt
1. Phương tiện di chuyển trên đường sắt để kiểm tra các tính năng kỹ thuật của phương tiện trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa ra khai thác, vận dụng.
2. Phương tiện di chuyển trên đường sắt từ vị trí tập kết này đến vị trí tập kết khác để cất giữ, bảo quản phương tiện.
3. Phương tiện di chuyển trên đường sắt thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
1. Khi phương tiện di chuyển trong trường hợp đặc biệt, người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của Luật Đường sắt và phải chịu sự điều hành giao thông vận tải của cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm điều hành giao thông vận tải đường sắt.
2. Tải trọng của phương tiện không vượt quá tải trọng cho phép mà phương tiện sẽ di chuyển trên đoạn, tuyến đường sắt đã được công bố theo quy định.
3. Tốc độ di chuyển của phương tiện không vượt quá tốc độ cho phép của kết cấu hạ tầng.
4. Việc di chuyển của phương tiện trên đường sắt hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu đã được công bố.
5. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu di chuyển phương tiện chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình di chuyển.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP, CẤP LẠI, THU HỒI, XÓA GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
Điều 16. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam
1. Thực hiện việc cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức lưu trữ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký do chủ sở hữu phương tiện đã cung cấp theo quy định của Thông tư này.
3. Quản lý, in ấn và sử dụng các ấn chỉ phục vụ công tác cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký.
4. Theo dõi, tổng hợp và định kỳ từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 12 hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải tình hình cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký trong năm.
5. Thu và sử dụng lệ phí việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật.
1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của hồ sơ cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của Thông tư này.
2. Nộp phí, lệ phí đối với việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định của pháp luật.
. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN DI CHUYỂN PHƯƠNG TIỆN TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng
Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng theo phạm vi được giao kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân có nhu cầu di chuyển phương tiện trên đường sắt trong trường hợp đặc biệt trong việc:
a) Cung cấp thông tin về kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ việc xây dựng phương án di chuyển phương tiện trên đường sắt;
b) Thống nhất nội dung điều hành giao thông vận tải đường sắt khi di chuyển phương tiện trên đường sắt;
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di chuyển phương tiện trong trường hợp đặc biệt thuộc phạm vi kết cấu hạ tầng đường sắt được giao sử dụng, khai thác, bảo vệ theo quy định của pháp luật.
2. Chủ trì điều hành giao thông đường sắt khi di chuyển phương tiện trên đường sắt trong trường hợp đặc biệt theo thẩm quyền.
1. Chịu trách nhiệm di chuyển phương tiện trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 14 Thông tư này và có văn bản xác nhận với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt về việc di chuyển phương tiện khi phương tiện di chuyển trên đường sắt quốc gia.
2. Chủ sở hữu phương tiện, tổ chức, cá nhân có nhu cầu di chuyển phương tiện có trách nhiệm lập phương án di chuyển phương tiện và phải được sự thống nhất với cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi phương tiện di chuyển trên đường sắt quốc gia;
b) Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng khi phương tiện di chuyển trên đường sắt chuyên dùng;
c) Chủ doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị khi phương tiện di chuyển trên đường sắt đô thị.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
2. Thông tư số 01/2013/TT-BGTVT ngày 08 tháng 01 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện giao thông đường sắt và Thông tư số 13/2016/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2013/TT-BGTVT hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
1. Các phương tiện đã được Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 đến nay được giữ nguyên số đăng ký cũ.
2. Trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện mới thì thực hiện theo quy định của Thông tư này.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.