Thông tư 17/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra trong vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
30-09-2024
15-11-2024
Bộ Tài nguyên và Môi trường Số: 17/2024/TT-BTNMT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024 |
Thông tư
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ LẬP HỒ SƠ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG DO SỰ CỐ TRÀN DẦU XẢY RA TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra trong vùng biển Việt Nam.
QUY ĐỊNH CHUNG
Thông tư này quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra trong vùng biển Việt Nam.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu xảy ra trong vùng biển Việt Nam (sau đây viết tắt là sự cố tràn dầu trên biển).
ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ, XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG DO SỰ CỐ TRÀN DẦU XẢY RA TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 3. Các bước điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
1. Lập kế hoạch điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
2. Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
3. Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm phục vụ đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
4. Đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
5. Thẩm định kết quả điều tra, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
Điều 4. Lập kế hoạch điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
1. Thu thập thông tin trong quá trình ứng phó sự cố tràn dầu phục vụ lập kế hoạch.
2. Nội dung chính của kế hoạch:
a) Thông tin chung về căn cứ lập kế hoạch, mục đích, yêu cầu, phạm vi, thời gian thực hiện; tổng quan khu vực xảy ra sự cố tràn dầu;
b) Nội dung, phương pháp điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm phục vụ đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển;
c) Phương pháp thực hiện;
d) Thời gian, tiến độ thực hiện.
3. Kế hoạch điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển theo Mẫu ban hành tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
4. Thời điểm thực hiện điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển là ngay sau khi sự cố xảy ra.
Điều 5. Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
1. Thông tin, tài liệu, dữ liệu về tổ chức, cá nhân gây ra sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường bao gồm:
a) Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, số điện thoại liên hệ (đối với cá nhân); tên tổ chức, trụ sở, số điện thoại liên hệ, mã số doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức);
b) Loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất (nếu có);
c) Các văn bản, giấy phép, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực môi trường;
d) Các thông tin cơ bản khác của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố tràn dầu trên biển.
2. Thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội khu vực xảy ra sự cố tràn dầu; Thông tin về hiện trạng môi trường nước, trầm tích, đất ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, các thành phần môi trường khác trước và sau khi xảy ra sự cố tràn dầu.
3. Yêu cầu của các thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ xác định mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
a) Được thu thập từ nguồn thống kê chính thức, đảm bảo độ tin cậy;
b) Nguồn thông tin, dữ liệu từ các kết quả quan trắc tài nguyên, môi trường của hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường của trung ương và hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường của các địa phương; kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước đã được nghiệm thu;
c) Số liệu, dữ liệu, kết quả phân tích môi trường đảm bảo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành;
d) Thông tin, tài liệu, dữ liệu được sử dụng để xác định thiệt hại ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu phải đảm bảo tính chính xác, khoa học; phản ánh đúng thực tế hiện trạng môi trường trước khi xảy ra sự cố tràn dầu và tại thời điểm thu thập, điều tra, đánh giá.
4. Thông tin, tài liệu, dữ liệu, chứng cứ sử dụng để xác định thiệt hại ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu phải được thẩm định theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm phục vụ đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra trên biển
1. Điều tra, đánh giá để xác định diện tích, độ sâu, khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu
a) Điều tra, đánh giá các thông tin, dữ liệu, số liệu về hiện trạng môi trường nước biển trước khi xảy ra sự cố tràn dầu;
b) Xác định diện tích mặt nước, thể tích nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu, hàm lượng dầu trong nước biển;
c) Các thông tin, tài liệu, dữ liệu khác có liên quan đến xác định phạm vi, diện tích, độ sâu khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
2. Điều tra, đánh giá để xác định diện tích, thể tích khu vực môi trường trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu
a) Điều tra, đánh giá các thông tin, dữ liệu, số liệu về hiện trạng môi trường trầm tích, đất ven biển trước khi xảy ra sự cố tràn dầu;
b) Xác định diện tích, thể tích trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu, hàm lượng dầu trong trầm tích, đất ven biển;
c) Các thông tin, tài liệu, dữ liệu khác có liên quan đến xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
3. Điều tra, đánh giá để xác định diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái bị suy thoái do sự cố tràn dầu
a) Điều tra, đánh giá diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái trước khi xảy ra sự cố tràn dầu;
b) Văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định mức độ bảo tồn của hệ sinh thái tự nhiên;
c) Thông tin, dữ liệu hiện trạng diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái sau khi xảy ra sự cố tràn dầu; Bản đồ hiện trạng phạm vi, ranh giới, diện tích, cấu trúc, phân bố theo độ sâu, độ bao phủ, hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển tại khu vực xảy ra sự cố tràn dầu;
d) Các thông tin, tài liệu, dữ liệu khác có liên quan đến xác định diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái bị suy thoái do sự cố tràn dầu.
4. Xác định mức độ ô nhiễm phục vụ đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
a) Xác định phạm vi điều tra mức độ ô nhiễm môi trường biển do tràn dầu; Xây dựng sơ đồ vị trí đo đạc, quan trắc, lấy mẫu đánh giá hiện trạng môi trường sau khi xảy ra sự cố tràn dầu;
b) Đo đạc, quan trắc, lấy mẫu, phân tích mẫu bao gồm việc xác định nồng độ dầu để đánh giá hiện trạng môi trường sau khi xảy ra sự cố tràn dầu.
Điều 7. Nội dung đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
1. Nội dung đánh giá thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu gây ra
a) Xác định phạm vi, diện tích, độ sâu, thể tích khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;
b) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại được quy định tại khoản 2 của Điều này;
c) Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài được quy định tại khoản 2 của Điều này.
2. Đối tượng bị thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển gây ra
a) Thành phần môi trường: môi trường nước biển; môi trường trầm tích, đất ven biển;
b) Hệ sinh thái bao gồm: rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái cỏ biển;
c) Các loài động vật, thực vật phân bố tại Việt Nam bị chết thuộc danh mục: loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES.
Điều 8. Phương pháp xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu trên biển
1. Khảo sát thực địa, đo đạc thực tế xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
2. Xác định phạm vi, diện tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu qua kết quả phân tích, giải đoán ảnh viễn thám hoặc ảnh hàng không
a) Xác định phạm vi đánh giá;
b) Thu thập dữ liệu ảnh (sử dụng chính hai loại Sentinel và Landsat);
c) Xác định các tham số (Chế độ chụp, phân cực, độ phân giải, quỹ đạo bay);
d) Lọc dữ liệu theo thời gian;
đ) Lọc nhiễu;
e) Phân đoạn ảnh;
g) Xây dựng thuật toán xác định các giá trị điểm ảnh theo yêu cầu bài toán lan truyền dầu;
h) Xác định phạm vi vệt dầu loang dựa vào giá trị phân ngưỡng;
i) Lập báo cáo xác định phạm vi vệt dầu loang.
3. Trên cơ sở kết quả tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu, kết quả đo đạc, quan trắc, phân tích mẫu môi trường tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này, tiến hành đánh giá, xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
4. Sử dụng mô hình tính toán thủy động lực học và môi trường để xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu:
a) Thông tin, dữ liệu phục vụ tính toán: Bao gồm dữ liệu địa hình, khí tượng, thủy văn, hải văn và các thông tin chi tiết về sự cố tràn dầu như vị trí xảy ra sự cố, hiện trạng dầu khi xảy ra sự cố, loại dầu, lượng dầu, phương thức phát thải ra môi trường.
b) Thiết lập mô hình: Xây dựng miền tính, lưới tính; Thiết lập các điều kiện biên; Thiết lập các điều kiện ban đầu; Thiết lập các thông số mô hình cơ bản;
c) Kết nối các mô hình thủy động lực học với mô hình mô phỏng quá trình lan truyền, biến đổi, chuyển hóa dầu trong môi trường biển;
d) Hiệu chỉnh và xác định bộ thông số cho mô hình;
đ) Kiểm định và đánh giá mức độ tin cậy của các kết quả mô hình;
e) Xây dựng, tính toán, mô phỏng;
g) Xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
5. Kết quả xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu bằng phương pháp mô hình phải được cơ quan có chức năng thẩm tra.
6. Kết quả xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu trên biển được lập thành báo cáo theo Mẫu ban hành tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Phương pháp xác định diện tích, độ sâu, thể tích khu vực môi trường trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu trên biển
1. Khảo sát thực địa, đo đạc thực tế xác định diện tích, độ sâu, thể tích khu vực môi trường trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
2. Trên cơ sở kết quả tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu, kết quả đo đạc, quan trắc, phân tích mẫu môi trường tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này, tiến hành đánh giá, xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
3. Kết quả xác định diện tích, độ sâu, thể tích khu vực môi trường trầm tích, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu trên biển được lập thành báo cáo theo Mẫu ban hành tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
Điều 10. Phương pháp xác định phạm vi, diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển bị suy thoái do sự cố tràn dầu trên biển
1. Khảo sát thực tế ngoài thực địa, đo đạc, xác định phạm vi, diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển bị suy thoái do sự cố tràn dầu trên biển.
2. Chập bản đồ phân bố hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển trước thời điểm xảy ra sự cố tràn dầu với bản đồ ô nhiễm nước biển, trầm tích, đất ven biển để xác định phạm vi, diện tích bị ảnh hưởng do sự cố tràn dầu trên biển;
3. Kết quả xác định phạm vi, diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển bị suy thoái do sự cố tràn dầu trên biển được lập thành báo cáo theo Mẫu ban hành tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Thẩm định kết quả điều tra thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển
Việc thẩm định kết quả điều tra thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển thực hiện theo quy định tại Điều 114 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Điều 12. Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, loài do sự cố tràn dầu trên biển
Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, loài do sự cố tràn dầu trên biển theo các nguyên tắc, phương thức, tính toán theo quy định tại Điều 118 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
HỒ SƠ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG DO SỰ CỐ TRÀN DẦU XẢY RA TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 13. Hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gây ra bởi cá nhân, tổ chức trong nước
1. Văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển được xây dựng theo Mẫu ban hành tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này.
2. Nhóm tài liệu xác định chi phí làm sạch dầu và các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm dầu.
a) Báo cáo về nội dung công việc làm sạch dầu (đường bờ và mặt nước biển) và các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm đã được tiến hành: thu gom, vận chuyển, lưu trữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải nhiễm dầu; thời gian, địa điểm, tổng chi phí phải bỏ ra, chứng minh các biện pháp đưa ra là hợp lý.
b) Các tài liệu chứng minh (nếu có) cho các chi phí làm sạch dầu bao gồm hồ sơ ghi chép hằng ngày về số lượng, thành phần nhân sự tham gia vào quá trình làm sạch dầu, hồ sơ ghi chép hằng ngày về chi phí thuê nhân công và thuê phương tiện chuyên chở, chi phí tiêu hao trang thiết bị phục vụ quá trình làm sạch dầu, hồ sơ ghi chép chi phí ứng phó do tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố tràn dầu, các hóa đơn tài chính, biên lai kèm theo mô tả công việc được tiến hành.
3. Nhóm tài liệu xác định chi phí cho công tác điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển:
a) Nhóm các báo cáo khoa học về thiệt hại xảy ra do ô nhiễm dầu và các biện pháp cần thiết để khắc phục sự cố ô nhiễm dầu;
b) Nhóm tài liệu chứng minh chi phí khảo sát, thu thập số liệu, đánh giá, phân tích mẫu vật, mẫu dầu, xử lý số liệu bao gồm phiếu điều tra, bảng tổng hợp kết quả điều tra, bản báo cáo phân tích số liệu, biên bản lấy mẫu, mẫu thí nghiệm, chi phí lấy và phân tích mẫu, chi phí hóa chất, chi phí nhân công, chi phí giám định nguồn gốc dầu, chi phí ảnh viễn thám, ảnh hàng không, chạy mô hình và các tài liệu chứng minh chi phí khác có liên quan;
c) Nhóm tài liệu chứng minh chi phí cho công việc thẩm định và lượng giá thiệt hại;
d) Biên bản chứng minh xảy ra sự cố hoặc báo cáo điều tra chứng minh nguồn gốc gây ra sự cố ô nhiễm dầu;
đ) Các bảng kê thiệt hại, bảng kê chi phí hợp lý đã sử dụng trong quá trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại.
4. Nhóm tài liệu xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gây ra:
a) Biên bản ghi nhận vụ việc được xây dựng theo Mẫu ban hành tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này;
b) Các báo cáo kết quả xác định phạm vi, diện tích, thể tích khu vực môi trường nước biển, trầm tích biển, đất ven biển bị ô nhiễm do sự cố tràn dầu; kết quả xác định phạm vi, diện tích, số lượng thành phần hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển bị suy thoái do sự cố tràn dầu đã được xây dựng theo Mẫu ban hành tại Phụ lục I, II, III kèm theo Thông tư này.
c) Các bằng chứng phân tích chứng minh mối liên hệ giữa ô nhiễm dầu với con tàu hoặc cơ sở có liên quan trong sự cố (Phân tích hóa học của mẫu dầu, hướng gió, dữ liệu về dòng chảy).
d) Các thông tin, tài liệu, dữ liệu đã được thu thập theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
đ) Văn bản kết luận của hội đồng thẩm định chứng cứ, dữ liệu.
e) Miêu tả bất cứ biện pháp phục hồi nào được tiến hành.
g) Kết quả xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, loài do sự cố tràn dầu trên biển đã được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này.
5. Các tài liệu khác
a) Giấy tờ chứng minh tư cách đại diện, giấy chứng thực pháp nhân hợp pháp và giấy tờ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
b) Văn bản ủy quyền đại diện hợp pháp (nếu cần thiết);
c) Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu cần thiết);
d) Văn bản đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ trong trường hợp không thể tiến hành thu thập.
6. Thời điểm lập sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gây ra bởi cá nhân, tổ chức trong nước là sau khi kết thúc điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
Điều 14. Hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gây ra bởi cá nhân, tổ chức nước ngoài.
1. Văn bản trao đổi những lập luận của Việt Nam tập hợp các tài liệu, hồ sơ cung cấp theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này đã được dịch sang ngôn ngữ phù hợp.
2. Văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu gửi lên một trong các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm: Tòa án Công lý quốc tế, Tòa Luật biển quốc tế, Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Công ước Luật biển 1982.
3. Văn bản ủy quyền cho người đại diện liên lạc.
4. Văn bản đề nghị Tòa án hoặc Tòa trọng tài ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu thấy cần thiết).
5. Các tài liệu khác gồm:
a) Tài liệu xác định tư cách pháp lý của chủ thể gây thiệt hại đã được hợp pháp hóa về lãnh sự.
b) Các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và quốc gia có liên quan; các điều ước quốc tế song phương, đa phương liên quan đến ô nhiễm môi trường biển mà Việt Nam và quốc gia có liên quan cùng là thành viên (đặc biệt là những điều ước quốc tế có liên quan trực tiếp đến bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu).
6. Thời điểm lập sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển gây ra bởi cá nhân, tổ chức nước ngoài là sau khi kết thúc điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2024.
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.