Thông tư 117/2020/TT-BCA Sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 13/2016/tt-bca ngày 10 tháng 3 năm 2016 của bộ trưởng bộ công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng công an nhân dân
117/2020/TT-BCA
Thông tư
Còn hiệu lực
05-11-2020
01-01-2021
Bộ Công an Số: 117/2020/TT-BCA |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2020 |
Thông tư
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 13/2016/TT-BCA NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 2016 CỦA BỘ
TRƯỞNG BỘ CÔNG AN QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ PHIÊN TÒA CỦA LỰC LƯỢNG
CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm
2018;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8
năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý
tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng
Công an nhân dân.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:
“5. Việc bảo vệ phiên tòa giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính chỉ thực hiện khi có yêu cầu của Tòa án nhân dân.”
2. Sửa đổi, bổ sung tên Chương III như sau:
“Chương III
XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG KHI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ PHIÊN TÒA”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Xử lý tình huống cháy, nổ tại phiên tòa
1. Trường hợp phát hiện có vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đưa vào phiên tòa trái quy định thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm báo cáo ngay Chủ tọa phiên tòa, cơ quan, lực lượng chuyên môn và khẩn trương triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt, sơ tán mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời báo cáo người có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết.
2. Trường hợp xảy ra cháy, nổ thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải phối hợp với các lực lượng sơ tán ngay mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm theo phương án đã được duyệt; thực hiện các biện pháp, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ dập tắt đám cháy, báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền; cấp cứu người bị thương (nếu có); bắt giữ ngay người có hành vi vi phạm pháp luật và bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết; phối hợp với Công an sở tại khoanh vùng bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra vụ việc.”
4. Bổ sung Điều 14a sau Điều 14 như sau:
“Điều 14a. Xử lý tình huống khủng bố, bắt cóc con tin
Trường hợp xảy ra tình huống khủng bố, bắt cóc con tin thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm báo cáo ngay Chủ tọa phiên tòa, cơ quan, lực lượng chuyên môn và khẩn trương triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt, sơ tán mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời, báo cáo người có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết; cấp cứu người bị thương (nếu có); bắt giữ ngay người có hành vi vi phạm pháp luật và bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 như sau:
“1. Đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khi nhận được lịch xét xử và văn bản yêu cầu bảo vệ phiên tòa (nếu có) có trách nhiệm đề nghị Tòa án trao đổi những thông tin liên quan đến vụ án để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ phiên tòa, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý, thống nhất với cơ quan, đơn vị có liên quan về công tác tổ chức bảo vệ phiên tòa.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an tham gia bảo vệ phiên tòa
1. Khi có vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều người hoặc nhiều cơ quan thì người hoặc cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm giải quyết vụ việc, sau đó chuyển giao cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Khi có vụ việc xảy ra mà trách nhiệm giải quyết ở mỗi giai đoạn khác nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác nhau thì các cơ quan cùng bàn bạc thống nhất giải quyết.”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
“Điều 20. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng) để có hướng dẫn kịp thời.”
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
1. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng) để có hướng dẫn kịp thời./.