Thông tư 11/2024/TT-BNV Quy định về lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
11/2024/TT-BNV
Thông tư
Còn hiệu lực
18-10-2024
18-10-2024
Bộ Nội vụ Số: 11/2024/TT-BNV |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2024 |
Thông tư
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC LẬP, QUẢN LÝ HỒ SƠ ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng ngày 29 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
QUY ĐỊNH CHUNG
Thông tư này quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).
Điều 2. Nguyên tắc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
1. Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính được lập khi Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; quyết định của cấp có thẩm quyền về xác định địa giới đơn vị hành chính tại khu vực chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành hoặc trường hợp cần thiết phải xê dịch vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính ở thực địa. Trong đó:
a) Thực hiện lập mới hồ sơ địa giới đơn vị hành chính khi đơn vị hành chính được thành lập, nhập, chia theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Thực hiện chỉnh lý, bổ sung hồ sơ địa giới đơn vị hành chính đối với đơn vị hành chính không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Việc lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
3. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về lưu trữ.
TRÌNH TỰ LẬP, QUẢN LÝ HỒ SƠ ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Điều 3. Trình tự lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
1. Đánh giá hiện trạng địa giới đơn vị hành chính và hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
Căn cứ văn bản của cấp có thẩm quyền về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; văn bản về xác định địa giới đơn vị hành chính tại khu vực chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính hoặc trường hợp cần thiết phải xê dịch vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính ở thực địa, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng địa giới đơn vị hành chính ở thực địa và đánh giá hiện trạng hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp đang được lưu trữ, quản lý làm cơ sở xác định hạng mục và khối lượng công việc cần triển khai thực hiện.
2. Xác định địa giới đơn vị hành chính ở thực địa
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xác định đường địa giới đơn vị hành chính các cấp, vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính ở thực địa.
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan tổ chức xác định đường địa giới đơn vị hành chính, vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan ở thực địa đối với trường hợp thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền về việc xác định địa giới đơn vị hành chính tại khu vực chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh và bàn giao kết quả để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
3. Lập bản đồ địa giới đơn vị hành chính gốc thực địa
a) Căn cứ kết quả xác định đường địa giới đơn vị hành chính, vị trí cắm mốc địa giới đơn vị hành chính và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chuyển vẽ lên bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia hiện hành và cắm mốc địa giới đơn vị hành chính ở thực địa, đo tọa độ vị trí và đo độ cao mốc địa giới đơn vị hành chính, lập sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính, hoàn thiện bản đồ địa giới đơn vị hành chính và ký xác nhận bộ gốc thực địa.
b) Đối với đơn vị hành chính có đường biên giới quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ các loại tài liệu pháp lý có liên quan về biên giới quốc gia để cập nhật đường biên giới quốc gia trên hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và bảo đảm đường địa giới đơn vị hành chính khép kín đến đường biên giới quốc gia, gửi lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi hoàn thiện bản đồ địa giới đơn vị hành chính gốc thực địa.
4. Hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
a) Căn cứ bản đồ địa giới đơn vị hành chính gốc thực địa đã được Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính liên quan ký xác nhận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
b) Nhân bản và ký xác nhận hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
Sau khi hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp được hoàn thiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nhân bản đủ số lượng theo quy định và ký xác nhận như sau:
- Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã gồm 05 bộ, Ủy ban nhân dân cấp xã ký và Ủy ban nhân dân cấp huyện ký xác nhận. Đối với bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính cấp huyện trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện ký và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký xác nhận; đối với bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký.
- Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp huyện gồm 04 bộ, Ủy ban nhân dân cấp huyện ký và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký xác nhận.
- Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 03 bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký.
5. Thành phần hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
a) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã, gồm:
- Bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
- Bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
- Bản xác nhận tọa độ mốc địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
- Bảng tọa độ các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
- Mô tả tình hình chung về địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
- Biên bản xác nhận mô tả đường địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
- Phiếu thống kê địa danh (dân cư, thủy văn, sơn văn).
- Biên bản bàn giao mốc địa giới đơn vị hành chính các cấp.
- Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã hoặc văn bản về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp xã.
b) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, gồm:
- Bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp huyện.
- Bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp huyện.
- Bảng tọa độ mốc địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp huyện.
- Mô tả tình hình chung về địa giới đơn vị hành chính cấp huyện.
- Bản xác nhận mô tả đường địa giới đơn vị hành chính cấp huyện.
- Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện hoặc văn bản về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp huyện.
c) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm:
- Bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Bảng tọa độ mốc địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh và các điểm đặc trưng trên đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Mô tả tình hình chung về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Bản xác nhận mô tả đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc văn bản về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Điều 4. Thẩm định, nghiệm thu hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
1. Kiểm tra, rà soát hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát hồ sơ địa giới đơn vị hành chính của địa phương theo quy định của pháp luật về kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới đơn vị hành chính, lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
b) Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nội vụ thẩm định, nghiệm thu.
2. Tài liệu đề nghị thẩm định, nghiệm thu, gồm:
a) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
b) Báo cáo kết quả lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
c) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp dạng giấy (cơ số 01) và dạng số.
d) Bản sao Quyết định phê duyệt kèm theo thiết kế - kỹ thuật dự toán lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
đ) Bản sao hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của cấp chủ đầu tư và của đơn vị thi công (nếu có).
e) Bản sao biên bản, tài liệu xác định đường địa giới đơn vị hành chính ở thực địa.
g) Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra, rà soát kỹ thuật xác định đường địa giới đơn vị hành chính, cắm mốc địa giới đơn vị hành chính, lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.
h) Kết quả cập nhật đường biên giới quốc gia trên hồ sơ địa giới đơn vị hành chính (nếu có).
3. Thành phần hội đồng thẩm định hồ sơ địa giới đơn vị hành chính gồm đại diện các Bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao.
4. Nội dung thẩm định
a) Trình tự và kết quả lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
b) Giá trị pháp lý của các loại tài liệu và hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
c) Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính và lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
5. Nghiệm thu số lượng, chất lượng hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
Căn cứ kết quả biểu quyết của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, quyết định nghiệm thu số lượng, chất lượng hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp của địa phương.
Điều 5. Quản lý, lưu trữ hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nộp 01 bộ hồ sơ địa giới đơn vị hành chính vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương tại Bộ Nội vụ.
2. Đối với hồ sơ địa giới đơn vị hành chính còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành bàn giao để quản lý, khai thác và sử dụng theo quy định của pháp luật về lưu trữ như sau:
a) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh được bàn giao tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
b) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp huyện được bàn giao tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
c) Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã được bàn giao tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 6. Kinh phí lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
1. Kinh phí lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính phần thuộc trách nhiệm của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm và phần thuộc trách nhiệm của Bộ, cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm.
2. Việc lập, phê duyệt và thanh quyết toán kinh phí lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ, lưu trữ, quản lý hồ sơ và các quy định khác có liên quan.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC LẬP, QUẢN LÝ HỒ SƠ ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ
Hướng dẫn, chỉ đạo chung về công tác tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
b) Giao nộp vào lưu trữ và bàn giao hồ sơ địa giới đơn vị hành chính theo quy định tại Thông tư này.
c) Bảo đảm điều kiện thực hiện lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa giới đơn vị hành chính của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính trên thực địa tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến để Nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ mốc địa giới đơn vị hành chính. Khi phát hiện mốc bị xê dịch vị trí, bị hư hỏng hoặc bị mất phải có trách nhiệm lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức khôi phục mốc địa giới đơn vị hành chính.
HIỆU LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để được hướng dẫn, giải quyết./.