Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT Sửa đổi Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
28-04-2023
13-06-2023
Bộ Giáo dục và Đào tạo Số: 10/2023/TT-BGDĐT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2023 |
Thông tư
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ 03/2022/TT-BGDĐT NGÀY 18/01/2022 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ VÀ CHỈ TIÊU TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:
“1. Thông tư này quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, bao gồm cả chỉ tiêu của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có sử dụng chung các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong xác định chỉ tiêu.”
2. Sửa đổi bổ sung khoản 4 và bổ sung khoản 8 và khoản 9 vào Điều 3 như sau:
“4. Lĩnh vực đào tạo là tập hợp một số nhóm ngành đào tạo có những đặc điểm chung về chuyên môn hoặc nghề nghiệp theo phân loại trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp II thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân (quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).
8. Chỉ tiêu tuyển sinh là số lượng người học dự kiến tuyển sinh do cơ sở đào tạo công bố sau khi tự xác định hoặc sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo theo quy định tại Thông tư này.
9. Năng lực đào tạo của một ngành, lĩnh vực đào tạo là quy mô đào tạo tối đa của ngành, lĩnh vực, được xác định căn cứ các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 và khoản 7 Điều 4 như sau:
“3. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của lĩnh vực không vượt quá năng lực đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành đào tạo, bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của ngành không vượt quá năng lực đào tạo.
4. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả kiểm định cơ sở đào tạo và kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cụ thể:
a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định phù hợp với năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định từ Điều 7 đến Điều 12 Thông tư này;
b) Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực (đối với chỉ tiêu đại học) hoặc theo từng ngành (đối với chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ) không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh nếu cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo theo quy định nhưng ở thời điểm công bố chỉ tiêu tuyển sinh không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo còn thời hạn, trừ trường hợp cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
c) Chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%, trừ trường hợp ngành đào tạo có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng được tính chỉ tiêu riêng.
7. Đối với các ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này. Sau khi gọi thí sinh nhập học đợt 1 theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ kết quả nhập học thực tế, cơ sở đào tạo rà soát, đề xuất và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu đối với từng ngành không quá 20% đồng thời bảo đảm không thay đổi tổng chỉ tiêu đào tạo giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo. Đối với chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học theo hình thức vừa làm vừa học và chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ tiến sĩ của các ngành đào tạo giáo viên, cơ sở đào tạo tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo
1. Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. Đối với các đại học, một giảng viên có thể được sắp xếp vào một hoặc nhiều đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc đại học với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo.
2. Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng:
a) Tổng số giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành Đào tạo giáo viên) bao gồm số giảng viên toàn thời gian quy đổi và giảng viên thỉnh giảng quy đổi tương ứng của lĩnh vực đào tạo đó; tổng số giảng viên quy đổi theo ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên là số giảng viên toàn thời gian quy đổi của ngành đào tạo đó (giảng viên thỉnh giảng không được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh);
b) Số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này), số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 40% số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo;
c) Hệ số quy đổi giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học của cơ sở đào tạo có chức danh, trình độ khác nhau quy định tại Bảng 1, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; trong đó mỗi giảng viên chỉ được tính quy đổi một lần ở mức quy đổi cao nhất;
d) Đối với ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm: ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) và các ngành đào tạo theo đề án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong tùng giai đoạn và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở căn cứ nhu cầu nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo chủ trương, định hướng của Nhà nước), giảng viên thỉnh giảng được xác định bao gồm cả các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý là những người lao động có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo, đồng thời có từ 05 năm trở lên về kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp tại doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp gắn với ngành và lĩnh vực đào tạo làm giảng viên trợ giảng và được tính hệ số theo quy định tại điểm c khoản này.
3. Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ:
a) Tổng số giảng viên theo ngành đào tạo bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng của cơ sở đào tạo có trình độ/chức danh đáp ứng yêu cầu của giảng viên giảng dạy chương trình thạc sĩ, tiến sĩ và phù hợp về chuyên môn tương ứng của ngành đào tạo đó;
b) Số lượng giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo xác định theo ngành đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, số lượng giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo xác định theo ngành đào tạo.
4. Đối với giảng viên nhóm ngành Ngôn ngữ văn học và văn hóa Việt Nam, nhóm ngành Ngôn ngữ văn học và văn hóa nước ngoài, nhóm ngành Thể dục, thể thao, các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật:
a) Giảng viên trợ giảng là Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ thạc sĩ;
b) Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ tiến sĩ;
c) Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tiến sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có chức danh phó giáo sư;
d) Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tiến sĩ và chức danh phó giáo sư cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có chức danh giáo sư.
5. Đối với các ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, giảng viên là người dân tộc thiểu số hoặc người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số của ngành tham gia đào tạo:
a) Nếu có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo thì được tính hệ số như giảng viên có trình độ thạc sĩ;
b) Nếu có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ tiến sĩ;
c) Nếu có bằng tiến sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo thì được tính hệ số như giảng viên có chức danh phó giáo sư;
d) Nếu có bằng tiến sĩ và chức danh phó giáo sư cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có chức danh giáo sư.
6. Đối với giảng viên các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe:
a) Cơ sở đào tạo có tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo lĩnh vực Sức khỏe được xác định người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2017 về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành Sức khỏe là giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở đào tạo;
b) Giảng viên có bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ thạc sĩ; giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính hệ số như giảng viên có trình độ tiến sĩ.”
5. Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, chỉ tiêu tuyển sinh đại học các ngành đào tạo giáo viên hình thức chính quy theo ngành đào tạo cho từng cơ sở đào tạo trên cơ sở năng lực đào tạo và tình hình tuyển sinh các năm trước của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng, tình hình giao nhiệm vụ đào tạo của các địa phương và cả nước, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 9 như sau:
“1. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học của một lĩnh vực đào tạo được xác định không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực đó; riêng đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành đào tạo giáo viên chỉ tiêu hình thức vừa làm vừa học được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực/ nhóm ngành đó.
2. Chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non hình thức vừa làm vừa học được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của ngành đó.”
7. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 10 như sau:
“b) Hệ số quy đổi theo trình độ và chức danh cho giảng viên tham gia đào tạo từ xa, bao gồm cả giảng viên thỉnh giảng, được áp dụng như hệ số quy đổi giảng viên toàn thời gian để xác định năng lực đào tạo theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;”
8. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 10 như sau:
“b) Hệ số quy đổi theo trình độ và chức danh cho cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ chuyên trách về đào tạo từ xa được áp dụng như hệ số quy đổi giảng viên toàn thời gian để xác định năng lực đào tạo theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;”
9. Sửa đổi khoản 3, Điều 13 như sau:
“3. Thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã được xác định và công bố công khai theo từng ngành, nhóm ngành và lĩnh vực đào tạo, đồng thời đảm bảo quy mô đào tạo thực tế không vượt quá năng lực đào tạo theo quy định của Thông tư này.”
Thay thế Phụ lục 4 của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non bằng Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học; Hiệu trưởng các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 6 năm 2023./.