Thông tư 05/2019/TT-BGTVT Quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải
29-01-2019
15-03-2019
Bộ Giao thông vận tải Số: 05/2019/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2019 |
Thông tư
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU DỊCH VỤ CÔNG ÍCH THÔNG TIN DUYÊN HẢI
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải.
2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác giám sát và nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống thông tin duyên hải là hạ tầng mạng viễn thông hàng hải do Nhà nước đầu tư và giao cho Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam quản lý, khai thác.
2. Dịch vụ công ích thông tin duyên hải là dịch vụ do Hệ thống thông tin duyên hải cung ứng, bao gồm:
a) Dịch vụ trực canh cấp cứu INMARSAT: là dịch vụ trực canh tiếp nhận các báo động cấp cứu INMARSAT từ phương tiện bị nạn, sau đó xử lý, chuyển tiếp các thông tin phục vụ tìm kiếm, cứu nạn tới các cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn; đồng thời hỗ trợ kết nối thông tin trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn giữa các đơn vị trên bờ với các phương tiện bị nạn và với các phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khác;
b) Dịch vụ trực canh cấp cứu COSPAS-SARSAT: là dịch vụ trực canh tiếp nhận các báo động cấp cứu COSPAS-SARSAT từ các phương tiện bị nạn, sau đó xử lý, chuyển tiếp các thông tin phục vụ tìm kiếm, cứu nạn tới các cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ kết nối thông tin trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn giữa các đơn vị trên bờ với các phương tiện bị nạn và với các phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khác;
c) Dịch vụ trực canh cấp cứu DSC: là dịch vụ trực canh tiếp nhận các báo động cấp cứu DSC từ phương tiện bị nạn, sau đó xử lý, chuyển tiếp tới cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ kết nối thông tin trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn giữa các đơn vị trên bờ với các phương tiện bị nạn và các phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khác;
d) Dịch vụ trực canh cấp cứu RTP: là dịch vụ trực canh tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu qua phương thức thoại trên kênh 16 VHF từ phương tiện bị nạn, sau đó xử lý, chuyển tiếp tới cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ kết nối thông tin trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn giữa các đơn vị trên bờ với các phương tiện bị nạn và các phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khác;
đ) Dịch vụ phát MSI RTP: là dịch vụ phát quảng bá các thông tin an toàn hàng hải qua phương thức thoại trên kênh 16 VHF;
e) Dịch vụ phát MSI NAVTEX: là dịch vụ phát quảng bá các thông tin an toàn hàng hải qua phương thức in trực tiếp băng hẹp trên các tần số 518kHz, 490 kHz và 4209,5 kHz;
g) Dịch vụ phát MSI EGC: là dịch vụ phát quảng bá các thông tin an toàn hàng hải EGC qua hệ thống INMARSAT C;
h) Dịch vụ thông tin LRIT: là dịch vụ cung cấp thông tin LRIT của tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam và tàu thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài theo Công ước SOLAS;
i) Dịch vụ kết nối thông tin ngành hàng hải: là dịch vụ vận hành mạng công nghệ thông tin nội bộ (gọi tắt là mạng intranet hàng hải) nhằm kết nối, chia sẻ thông tin chuyên ngành hàng hải do Đài trung tâm xử lý thông tin hàng hải Hà Nội cung cấp.
3. Vùng biển A1: là vùng biển nằm trong phạm vi phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài thông tin duyên hải VHF mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục bằng gọi chọn số (vùng biển này có bán kính cách Đài thông tin duyên hải khoảng 30 hải lý).
4. Vùng biển A2: là vùng biển phía ngoài vùng biển A1 và trong phạm vi vùng phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài thông tin duyên hải MF mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục bằng gọi chọn số (vùng biển này có bán kính cách Đài thông tin duyên hải khoảng 250 hải lý).
5. Vùng biển A3: là vùng biển phía ngoài vùng biển A1, A2 và trong phạm vi phủ sóng của vệ tinh địa tĩnh INMARSAT mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục (vùng biển này có phạm vi từ vĩ tuyến 70° Bắc đến vĩ tuyến 70° Nam).
6. Vùng biển A4: là vùng ngoài vùng biển A1, A2 và A3. Bản chất là các vùng cực của trái đất từ vĩ tuyến 70° Bắc đến cực Bắc và từ vĩ tuyến 70° Nam đến cực Nam nhưng không gồm bất kỳ các vùng biển khác.
7. Thông tin LRIT: là thông tin về mã nhận dạng, vị trí, thời gian xác định vị trí của tàu thuyền theo giờ quốc tế (UTC) được phát ra từ thiết bị LRIT.
8. Vùng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của Việt Nam (sau đây gọi tắt là vùng thông tin LRIT của Việt Nam): là vùng thông tin do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức công bố theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bao gồm: Vùng nội thủy LRIT, vùng lãnh hải LRIT, vùng 1.000 hải lý và vùng LRIT tự chọn.
9. Đơn vị trên bờ là các đơn vị liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý thông tin báo động cấp cứu, khẩn cấp, an toàn - an ninh, thông thường là các Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, các Đài thông tin duyên hải, Chủ tàu.
10. Các từ viết tắt:
ATC: Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng không;
ASP: Hệ thống ứng dụng (Application Service Provider);
AFTN: Mạng Viễn thông cố định Hàng không (Aeronautical fixed telecommunications network);
BĐCC: Báo động cấp cứu;
COSPAS-SARSAT: Hệ thống thông tin vệ tinh trợ giúp tìm kiếm, cứu nạn COSPAS-SARSAT (Cosmicheskaya Sistyema Poiska Avariynich Suduv - Search And Rescuce Satellite Aided Tracking);
DC: Trung tâm dữ liệu (Data Center);
DSC: Phương thức gọi chọn số (Digital Selective Calling);
EGC: Phương thức gọi nhóm tăng cường (Enhance Group Call);
FTP: Giao thức truyền tập tin (File Transfer Protocol);
FTP-VPN: Giao thức truyền tập tin dành riêng ảo (File Transfer Protocol- Virtual Private Network);
HPLES: Đài Thông tin vệ tinh mặt đất INMARSAT Hải Phòng;
IDE: Hệ thống chuyển mạch dữ liệu LRIT quốc tế (International LRIT Data Exchange);
IMSO: Tổ chức vệ tinh di động quốc tế (International Mobile Satellite Organization);
INMARSAT: Hệ thống thông tin vệ tinh hàng hải quốc tế (International Maritime Satellite System);
JAMCC: Trung tâm điều hành thông tin vệ tinh COSPAS-SARSAT Nhật Bản;
LRIT: Nhận dạng và truy theo tầm xa (Long Range Identification and Tracking);
LUT/VNMCC: Đài Thông tin vệ tinh mặt đất COSPAS-SARSAT;
LUT: Hệ thống thiết bị thu vệ tinh mặt đất Cospas - Sarsat (Local User Terminal);
MSI: Thông tin an toàn hàng hải (Maritime Safety Information);
MCC: Trung tâm điều hành thông tin vệ tinh COSPAS-SARSAT (Mission Control Center);
NAVTEX: Phương thức điện báo in trực tiếp băng hẹp sử dụng để phát các thông tin cảnh báo hàng hải, thời tiết, các thông tin khẩn cấp (Navigational Telex);
NDC: Trung tâm dữ liệu quốc gia (National Data Center);
POR (APAC): Vùng INMARSAT Thái Bình Dương;
PTBN: Phương tiện bị nạn;
RCC: Trung tâm phối hợp TKCN (Rescuse Coordination Center);
RTP: Điện thoại vô tuyến (Radio Telephony);
SPOC: Đầu mối tìm kiếm cứu nạn (Search and Rescue Point of Contact);
TKCK: Tìm kiếm cứu nạn;
TCCC: Trực canh cấp cứu;
TTDH: Thông tin duyên hải.
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU DỊCH VỤ CÔNG ÍCH THÔNG TIN DUYÊN HẢI
Điều 3. Các yêu cầu về cung ứng dịch vụ công ích thông tin duyên hải
Việc cung ứng dịch vụ công ích thông tin duyên hải thực hiện theo các yêu cầu cơ bản của các tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể như sau:
1. Đối với dịch vụ trực canh cấp cứu INMARSAT:
a) Việc cung ứng dịch vụ trực canh cấp cứu INMARSAT theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Thời gian trực canh; Ngôn ngữ trực canh; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ báo động cấp cứu được xử lý thành công Thời gian chuyển tiếp thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn tới phương tiện bị nạn; Phương thức trực canh; Phương thức liên lạc giữa phương tiện bị nạn với các đơn vị trên bờ,
b) Dữ liệu các sự kiện báo động cấp cứu INMARSAT (dữ liệu các báo động cấp cứu và quá trình xử lý các báo động cấp cứu) do Đài Thông tin vệ tinh mặt đất INMARSAT Hải Phòng thu được phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu về:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu trên máy tính và lưu trữ hồ sơ giấy.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
2. Đối với dịch vụ trực canh cấp cứu COSPAS-SARSAT:
a) Việc cung ứng dịch vụ trực canh cấp cứu COSPAS-SARSAT theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Thời gian trực canh; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ báo động cấp cứu được xử lý thành công; Thời gian liên lạc đến phương tiện bị nạn; Kênh truyền dữ liệu tới các MCC/SPOC trong hệ thống; Phương thức liên lạc với phương tiện bị nạn; Phương thức liên lạc với các đơn vị trên bờ.
b) Dữ liệu các sự kiện báo động cấp cứu COSPAS-SARSAT (dữ liệu các báo động cấp cứu và quá trình xử lý các báo động cấp cứu) do Đài Thông tin vệ tinh mặt đất COSPAS-SARSAT (LUT/VNMCC) thu được phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu tiên máy tính và lưu trữ hồ sơ giấy.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
3. Đối với Dịch vụ trực canh cấp cứu DSC:
a) Việc cung ứng dịch vụ trực canh cấp cứu DSC theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Thời gian trực canh; Ngôn ngữ trực canh; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ báo động cấp cứu được xử lý thành công; Thời gian chuyển tiếp thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn tới phương tiện bị nạn; Phương thức liên lạc tiếp theo; Phương thức liên lạc với các đơn vị trên bờ; Phương thức liên lạc giữa phương tiện bị nạn với các đơn vị trên bờ.
b) Dữ liệu các sự kiện báo động cấp cứu DSC (dữ liệu các báo động cấp cứu và quá trình xử lý các báo động cấp cứu) do các đài TTDH Việt Nam thu được phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu trên máy tính và lưu trữ hồ sơ giấy.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
4. Đối với dịch vụ trực canh cấp cứu RTP:
a) Việc cung ứng dịch vụ trực canh cấp cứu RTP theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Thời gian trực canh; Ngôn ngữ trực canh; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ báo động cấp cứu được xử lý thành công; Thời gian chuyển tiếp thông tin phục vụ tìm kiếm cứu nạn tới phương tiện bị nạn; Phương thức liên lạc với các đơn vị trên bờ.
b) Dữ liệu các sự kiện báo động cấp cứu RTP (dữ liệu các báo động cấp cứu và quá trình xử lý các báo động cấp cứu) do các đài TTDH Việt Nam thu được phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu báo động cấp cứu (ghi âm) trên máy tính và lưu trữ hồ sơ giấy.
Thời gian lưu trữ: Dữ liệu trên máy tính yêu cầu lưu trữ trong thời gian tối thiểu 01 quý; hồ sơ giấy yêu cầu lưu trữ trong thời gian tối thiểu 01 năm.
5. Đối với dịch vụ phát MSI RTP:
a) Việc cung ứng dịch vụ phát MSI RTP theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Ngôn ngữ; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ phát thành công; Thời gian xử lý nguồn tin.
b) Dữ liệu bản tin nguồn, bản tin nguồn đã được xử lý và bản tin thu (từ thiết bị thu VHF) dịch vụ phát MSI RTP do các đài TTDH Việt Nam phát phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu bản tin nguồn, bản tin nguồn đã được xử lý bằng hồ sơ giấy hoặc lưu trữ trên máy tính; lưu trữ dữ liệu bản tin thu trên máy tính.
Thời gian lưu trữ: Dữ liệu trên máy tính yêu cầu lưu trữ trong thời gian tối thiểu 01 quý; hồ sơ giấy yêu cầu lưu trữ trong thời gian tối thiểu 01 năm.
6. Đối với dịch vụ phát MSI NAVTEX:
a) Việc cung ứng Dịch vụ phát MSI NAVTEX theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Ngôn ngữ; Nội dung bản tin MSI NAVTEX; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ phát thành công; Thời gian xử lý nguồn tin.
b) Dữ liệu bản tin nguồn, bản tin nguồn đã được xử lý và bản tin thu (từ thiết bị thu NAVTEX) dịch vụ phát MSI NAVTEX do các đài TTDH Việt Nam phát phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu bản tin nguồn, bản tin nguồn đã được xử lý bằng hồ sơ giấy hoặc lưu trữ trên máy tính; lưu trữ dữ liệu bản tin thu trên máy tính.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
7. Đối với dịch vụ phát MSI EGC:
a) Việc cung ứng dịch vụ phát MSI EGC theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Ngôn ngữ; Nội dung bản tin MSI EGC; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ phát thành công; Thời gian xử lý nguồn tin.
b) Dữ liệu bản tin nguồn, bản tin nguồn đã được xử lý và bản tin thu (từ thiết bị INMARSAT C) dịch vụ phát MSI EGC do Đài Thông tin vệ tinh mặt đất INMARSAT Hải Phòng phát phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu bản tin nguồn, bản tin nguồn đã được xử lý bằng hồ sơ giấy hoặc lưu trữ trên máy tính; lưu trữ dữ liệu bản tin thu trên máy tính.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
8. Đối với dịch vụ thông tin LRIT:
a) Việc cung ứng dịch vụ thông tin LRIT theo các yêu cầu về: Vùng dịch vụ; Thời gian trực canh; Độ khả dụng; Tỷ lệ bản tin LRIT được xử lý thành công.
b) Dữ liệu thông tin LRIT (bản tin chứa thông tin LRIT, bản tin yêu cầu thông tin LRIT và các thông tin khác) do Đài thông tin LRTT xử lý phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu trên máy tính và lưu trữ hồ sơ giấy.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
9. Đối với dịch vụ kết nối thông tin ngành hàng hải:
a) Việc cung ứng dịch vụ kết nối thông tin ngành hàng hải theo các yêu cầu về: Thời gian vận hành; Độ khả dụng dịch vụ; Tỷ lệ xử lý sự cố thành công.
b) Dữ liệu vận hành và xử lý sự cố mạng Intranet trong quá trình cung cấp dịch vụ kết nối thông tin ngành hàng hải phải được lưu trữ để giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải. Việc lưu trữ theo các yêu cầu sau:
Phương thức lưu trữ: Lưu trữ dữ liệu trên máy tính và lưu trữ hồ sơ giấy.
Thời gian lưu trữ: Tối thiểu 01 năm.
1. Tiêu chí giám sát, nghiệm thu số lượng, khối lượng dịch vụ công ích thông tin duyên hải
a) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu số lượng, khối lượng dịch vụ trực canh cấp cứu INMARSAT, COSPAS-SARSAT, DSC, RTP, gồm:
Thời gian trực canh: là thời gian đài TTDH thực hiện trực canh để sẵn sàng tiếp nhận các báo động cấp cứu từ phương tiện bị nạn;
Số lượng báo động cấp cứu được tiếp nhận: là tổng số báo động cấp cứu do các đài thông tin thu được.
b) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu số lượng, khối lượng dịch vụ phát MSI RTP, NAVTEX, EGC, gồm:
Số lượt bản tin MSI phát đi: là tổng số lượt bản tin MSI do các đài TTDH phát đi.
c) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu số lượng, khối lượng dịch vụ thông tin LRIT, gồm:
Thời gian trực canh: là thời gian đài thông tin LRIT thực hiện trực canh để sẵn sàng thu nhận và cung cấp thông tin LRIT;
Số lượng bản tin chứa thông tin LRIT: là số lượng bản tin LRIT do Đài thông tin LRIT thu nhận được từ tàu hoặc từ DC nước ngoài;
Số lượng bản tin yêu cầu thông tin LRIT: là số lượng bản tin LRIT do Đài thông tin LRIT thu nhận được từ người sử dụng cuối hoặc từ DC nước ngoài;
Số lượng tài khoản truy cập thông tin LRIT: là số lượng tài khoản được cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước để truy cập thông tin LRIT;
Số lượng tàu tích hợp: là số lượng tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam được tích hợp vào Hệ thống LRIT.
d) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu số lượng, khối lượng dịch vụ kết nối thông tin ngành hàng hải, gồm:
Thời gian vận hành: là thời gian Đài trung tâm xử lý thông tin hàng hải Hà Nội vận hành mạng intranet hàng hải để sẵn sàng cung cấp dịch vụ kết nối thông tin chuyên ngành hàng hải;
Số lượng phần mềm ứng dụng: là số lượng các phần mềm ứng dụng được vận hành, khai thác trên mạng intranet hàng hải để kết nối, chia sẻ thông tin chuyên ngành hàng hải.
2. Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ công ích thông tin duyên hải
a) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ trực canh cấp cứu INMARSAT theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này;
b) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ trực canh cấp cứu COSPAS-SARSAT theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này;
c) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ trực canh cấp cứu DSC theo quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này;
d) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ trực canh cấp cứu RTP theo quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này;
đ) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ phát MSI RTP theo quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này;
e) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ phát MSI NAVTEX theo quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này;
g) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ phát MSI EGC theo quy định tại Phụ lục VII kèm theo Thông tư này;
h) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ thông tin LRIT theo quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Thông tư này;
i) Tiêu chí giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ kết nối thông tin ngành hàng hải theo quy định tại Phụ lục IX kèm theo Thông tư này.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải
1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát, nghiệm thu dịch vụ công ích thông tin duyên hải theo các tiêu chí được quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan.
2. Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này.