CHƯƠNG TRÌNH
BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC VỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI
TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 8 năm 2017
của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
I.
MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ YÊU CẦU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC VỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH
1.1.
Mục đích
1.1.1.
Đáp ứng điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là tu bổ di tích) theo quy
định của pháp luật về di sản văn hóa.
1.1.2.
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng của hoạt động tu bổ
di tích.
1.2.
Đối tượng
1.2.1.
Người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành xây dựng, kiến trúc quy
định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định số
61/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh
giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn
hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là Nghị định số 61/2016/NĐ-CP) có nhu cầu
hành nghề tu bổ di tích quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số
61/2016/NĐ-CP.
1.2.2.
Người có nhu cầu tìm hiểu kiến thức phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ và phát
huy giá trị di tích.
1.3.
Yêu cầu
1.3.1.
Nâng cao ý thức và trách nhiệm của đối tượng được bồi dưỡng trong hành nghề tu
bổ di tích theo đúng quy định của pháp luật.
1.3.2.
Bảo đảm cho đối tượng được bồi dưỡng tiếp cận, nắm vững các văn bản pháp luật,
nguyên tắc khoa học, quy trình, kỹ năng cơ bản và bài học kinh nghiệm để hành
nghề tu bổ di tích.
II.
KHUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ MÔ TẢ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
2.1.
Khung Chương trình
TT | Học phần và nội dung bồi dưỡng | Thời lượng (Tiết) |
1 | Cơ sở lý thuyết và bài học
kinh nghiệm về tu bổ di tích | 30 |
a | Văn bản pháp lý và khái
niệm cơ bản về tu bổ di tích | 10 |
b | Quan điểm và nguyên tắc
trong tu bổ di tích | 10 |
c | Bài học kinh nghiệm
trong hoạt động tu bổ di tích | 10 |
2 | Kiến thức, quy trình và kỹ
năng cơ bản trong hoạt động tu bổ di tích | 45 |
a | Kiến trúc truyền thống
Việt Nam | 20 |
b | Vật liệu và kỹ thuật xây
dựng truyền thống Việt Nam | 12 |
c | Ứng dụng thành tựu khoa
học và công nghệ trong tu bổ di tích | 03 |
d | Quy trình và kỹ năng cơ
bản trong hoạt động tu bổ di tích | 10 |
3 | Nghiên cứu, khảo sát thực
địa và làm bài tập thực hành | 35 |
a | Nghiên cứu, khảo sát
thực địa | 10 |
b | Làm bài tập thực hành | 25 |
4 | Tiểu luận thu hoạch | 10 |
| Tổng số: | 120 |
2.2. Mô tả nội dung Chương trình
2.2.1. Cơ sở lý thuyết và bài học kinh nghiệm về tu bổ
di tích a) Văn bản pháp lý và khái niệm cơ bản về tu bổ di tích:
- Nội dung cơ bản của một số văn bản quốc tế: Hiến
chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931); Hiến chương Venice về bảo
tồn, trùng tu di tích và di chỉ (1964); Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và
Thiên nhiên Thế giới (1972); Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị
lịch sử - Hiến chương Washington (1987); Hiến chương về bảo vệ và quản lý di
sản khảo cổ học (1990); Văn kiện Nara về tính xác thực (1994); Nguyên tắc bảo
tồn các kiến trúc lịch sử bằng gỗ (1999) và các văn bản khác có liên quan;
- Nội dung cơ bản của một số văn bản pháp luật Việt
Nam: Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa về việc bảo tồn cổ tích; Luật di sản văn hóa ngày
29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày
18/6/2009; Luật xây dựng ngày 18/6/2014; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày
21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản
văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Nghị định
số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự,
thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch
sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Nghị định số 61/2016/NĐ-CP; Thông tư số
18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
Thông tư số 17/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh
tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các văn bản khác có liên
quan;
- Các khái niệm cơ bản về di tích và tu bổ di tích.
b) Quan điểm và nguyên tắc trong tu bổ di tích:
- Quan điểm cơ bản trong tu bổ di tích;
- Nguyên tắc cơ bản trong tu bổ di tích.
c) Bài học kinh nghiệm trong hoạt động tu bổ di tích:
- Bài học kinh nghiệm tu bổ di tích trên thế giới: sơ
lược lịch sử hình thành và phát triển của bộ môn khoa học tu bổ di tích trên
thế giới; hoạt động tu bổ di tích tại một số nước châu Âu; hoạt động tu bổ di
tích tại một số nước châu Á;
- Bài học kinh nghiệm tu bổ di tích ở Việt Nam: sơ
lược quá trình áp dụng bộ môn khoa học tu bổ di tích ở Việt Nam; thực trạng
hoạt động tu bổ di tích ở Việt Nam; giới thiệu các kết quả đạt được, một số hạn
chế trong hoạt động tu bổ di tích và giải pháp khắc phục.
2.2.2. Kiến thức, quy trình và kỹ năng cơ bản trong
hoạt động tu bổ di tích
a) Kiến trúc truyền thống Việt Nam:
- Lịch sử hình thành và các nhân tố ảnh hưởng đến kiến
trúc truyền thống Việt Nam;
- Bố cục mặt bằng của di tích kiến trúc truyền thống
Việt Nam (thành lũy, đền tháp, lăng mộ, chùa, quán, đình, đền, miếu và các loại
hình di tích khác);
- Hình thức kiến trúc của công trình di tích, trang
trí, màu sắc và ý nghĩa biểu tượng, ý nghĩa văn hóa của các đề tài trang trí;
- Bài trí nội thất di tích: sơ đồ bài trí bàn thờ, đồ
thờ, tượng pháp và các hiện vật tại từng loại hình di tích cụ thể (đền tháp,
lăng mộ, chùa, quán, đình, đền, miếu và các loại hình di tích khác); ý nghĩa
văn hóa của các hiện vật, đồ thờ;
- Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
b) Vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống Việt
Nam:
- Giới thiệu vật liệu xây dựng truyền thống Việt Nam;
- Kỹ thuật xây dựng truyền thống Việt Nam: kỹ thuật
gia công, lắp dựng cấu kiện kiến trúc gỗ; kỹ thuật xử lý khối xây gạch, đá, cấu
trúc kim loại; kỹ thuật bảo quản vật liệu, kết cấu và các kỹ thuật khác có liên
quan;
- Giới thiệu một số vật liệu và kỹ thuật đặc biệt tại
các di tích ở Việt Nam.
c) Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong tu
bổ di tích:
- Giới thiệu một số kết quả ứng dụng thành tựu khoa
học và công nghệ trong hoạt động tu bổ di tích trên thế giới;
- Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong hoạt
động tu bổ di tích ở Việt Nam.
d) Quy trình và kỹ năng cơ bản trong hoạt động tu bổ
di tích:
- Quy trình thực hiện tu bổ di tích: xác định các
trường hợp lập quy hoạch, lập dự án, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, tu sửa cấp
thiết, bảo dưỡng định kỳ và thủ tục các bước thực hiện đối với từng trường hợp
cụ thể; quy trình kỹ thuật thi công tu bổ di tích, tu sửa cấp thiết di tích,
bảo dưỡng định kỳ di tích;
- Kỹ năng cơ bản trong hoạt động tu bổ di tích: kỹ
năng lập hồ sơ tu bổ di tích (xác định thành phần và nội dung cơ bản của hồ sơ
quy hoạch, hồ sơ dự án, hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật, hồ sơ thiết kế bản vẽ
thi công tu bổ di tích, hồ sơ tu sửa cấp thiết và bảo dưỡng định kỳ di tích);
kỹ năng tổ chức công trường, hoạt động thi công và giám sát thi công tu bổ di
tích.
2.2.3. Nghiên cứu, khảo sát thực địa và làm bài tập
thực hành
a) Nghiên cứu, khảo sát thực địa: khảo sát một di tích
đã hoặc đang được tiến hành tu bổ nhằm tiếp cận với hồ sơ khoa học tu bổ di
tích, các giải pháp về kết cấu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, vật liệu xây dựng
và những vấn đề có liên quan;
b) Làm bài tập thực hành: khảo sát một di tích đang
xuống cấp cần tu bổ, tổ chức làm việc theo nhóm để thảo luận, xây dựng bài tập
thực hành trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng, giá trị và đề xuất định
hướng, phương án tu bổ di tích.
2.2.4. Tiểu luận thu hoạch
Tiểu luận thu hoạch được thực hiện theo một trong
những lĩnh vực cụ thể: lập quy hoạch tu bổ di tích; lập dự án, báo cáo kinh tế
- kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích;
giám sát thi công tu bổ di tích.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
3.1. Hình thức, phương pháp
3.1.1. Hình thức: tập trung tại cơ sở bồi dưỡng.
3.1.2. Phương pháp: kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết,
khảo sát, thảo luận tại thực địa và làm bài tập thực hành.
3.2. Cơ sở bồi dưỡng, giảng viên và tài liệu bồi dưỡng
3.2.1. Cơ sở bồi dưỡng là trường đại học, cao đẳng,
viện nghiên cứu có khoa hoặc ngành hoặc chuyên ngành đào tạo hoặc phòng, ban
chức năng liên quan đến hoạt động tu bổ di tích.
3.2.2. Giảng viên, báo cáo viên giảng dạy lớp bồi
dưỡng là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm giảng dạy hoặc hoạt động
trong lĩnh vực liên quan trực tiếp tới nội dung Chương trình bồi dưỡng kiến
thức về tu bổ di tích.
3.2.3. Tài liệu bồi dưỡng được cơ sở bồi dưỡng tổ chức
biên soạn theo kết cấu mở để thường xuyên bổ sung, cập nhật vào nội dung bài
giảng những quy định, những bài học kinh nghiệm và kỹ năng mới có liên quan đến
hoạt động tu bổ di tích nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.
3.3. Yêu cầu, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ
3.3.1. Việc tổ chức lớp bồi dưỡng tại các cơ sở bồi
dưỡng phải bảo đảm nội dung và thời lượng quy định tại Khung Chương trình và Mô
tả nội dung Chương trình.
3.3.2. Đối tượng được bồi dưỡng phải tham gia tối
thiểu 80% thời lượng trên lớp, nghiên cứu, khảo sát thực địa, làm bài tập thực
hành và có Tiểu luận thu hoạch được đánh giá đạt yêu cầu thì được cấp chứng
chỉ.
3.3.3. Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng có thẩm quyền cấp
chứng chỉ đã hoàn thành Chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích cho
đối tượng được bồi dưỡng đáp ứng quy định tại mục 3.3.2 của Chương trình này.
3.4. Trách nhiệm thực hiện
3.4.1. Vụ Đào tạo chủ trì, phối hợp với Cục Di sản văn
hóa và các đơn vị liên quan:
a) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực
hiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích;
b) Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3.4.2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và
Thể thao có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và phối hợp với các cơ quan, đơn vị
thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra cơ sở bồi dưỡng và việc tổ chức
thực hiện Chương trình này tại địa phương.
3.4.3. Cơ sở bồi dưỡng:
a) Tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức về
tu bổ di tích theo nội dung Chương trình này;
b) Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức lớp bồi
dưỡng kiến thức về tu bổ di tích;
c) Xây dựng mẫu hồ sơ dự tuyển và thông báo tuyển
sinh;
d) Ký kết hợp đồng với giảng viên, báo cáo viên đủ
điều kiện;
đ) Tổ chức in, quản lý, cấp phát chứng chỉ đã hoàn
thành Chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định hiện
hành;
e) Tổ chức đánh giá kết quả từng lớp bồi dưỡng kiến
thức về tu bổ di tích và gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ
Đào tạo và Cục Di sản văn hóa)./.