Thông tư 03/2024/TT-BXD Hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
03/2024/TT-BXD
Thông tư
Còn hiệu lực
24-07-2024
09-09-2024
Bộ Xây dựng Số: 03/2024/TT-BXD |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2024 |
Thông tư
HƯỚNG DẪN VỀ HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ VÀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC LĨNH VỰC XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Thông tư này hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng (sau đây viết tắt là Hội đồng quản lý), mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý và Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực xây dựng.
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 3. Nguyên tắc, điều kiện thành lập Hội đồng quản lý
Nguyên tắc, điều kiện thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý
1. Chức năng: Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển trung hạn và hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Quyết định chủ trương về xây dựng tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật viên chức, người lao động; tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, huy động các nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Quyết định về định hướng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và phát triển khoa học công nghệ của đơn vị sự nghiệp công lập.
đ) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý, việc thực hiện kế hoạch, việc triển khai quy chế dân chủ trong các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
e) Quyết định về chủ trương và trình cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chế độ chính sách đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
g) Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
h) Định kỳ hoặc đột xuất yêu cầu người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
i) Thông qua việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị cấu thành của đơn vị sự nghiệp công lập; Đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc hàng năm, điều chỉnh số lượng người làm việc hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập trước khi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định phê duyệt theo thẩm quyền.
k) Thông qua kế hoạch tài chính, tài chính hàng năm, 3 năm, mức phí của các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; các chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và báo cáo quyết toán tài chính hằng năm của đơn vị sự nghiệp công lập.
l) Quyết định các vấn đề khác của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý
1. Cơ cấu của Hội đồng quản lý gồm:
a) Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
b) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.
2. Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các Thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.
Chủ tịch Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn, bổ nhiệm từ đại diện lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm.
3. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm.
Điều 6. Quy chế hoạt động và chế độ làm việc
1. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Các quy định chung;
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý;
c) Số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý;
d) Cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý;
đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý; bổ nhiệm, bổ sung, thay thế, miễn nhiệm, kỷ luật thành viên Hội đồng quản lý;
e) Mối quan hệ công tác;
g) Các quy định khác bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật.
2. Chế độ làm việc:
a) Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết. Nghị quyết của Hội đồng quản lý được thông qua khi có ít nhất ba phần tư số thành viên Hội đồng dự họp nhất trí thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín. Hình thức biểu quyết được quy định cụ thể trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
b) Hội đồng quản lý họp định kỳ theo Quy chế hoạt động; họp đột xuất, bất thường theo yêu cầu công việc; đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của đa số thành viên Hội đồng quản lý. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng quản lý tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc 01 thành viên của Hội đồng quản lý được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy quyền điều hành cuộc họp.
c) Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên, cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; thành viên Hội đồng quản lý là công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; các thành viên Hội đồng quản lý là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và được xác định trong Đề án thành lập Hội đồng quản lý.
d) Hội đồng quản lý hoạt động theo quy chế hoạt động được cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý phê duyệt.
đ) Hội đồng quản lý được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập để triển khai công việc của Hội đồng quản lý.
1. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với cơ quan quản lý cấp trên
a) Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
b) Hội đồng quản lý có trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan quản lý cấp trên các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Cơ quan quản lý cấp trên thông qua hoặc có ý kiến đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của Hội đồng quản lý.
2. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập
a) Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý điều hành hoạt động của đơn vị thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghị quyết trước Hội đồng quản lý và trước pháp luật.
c) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất báo cáo các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Hội đồng quản lý.
d) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản lý.
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý
1. Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý.
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và ý thức kỷ luật tốt.
b) Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
c) Có trình độ từ đại học trở lên.
d) Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
đ) Độ tuổi đảm bảo để đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ (05 năm).
e) Không phải là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng quản lý
a) Đáp ứng tiêu chuẩn thành viên Hội đồng quản lý.
b) Có kinh nghiệm quản lý hoặc chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Có năng lực quản lý và đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
3. Thẩm quyền bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý.
Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm.
Điều 9. Miễn nhiệm Chủ tịch và Thành viên Hội đồng quản lý
1. Điều kiện miễn nhiệm thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi không tham gia thành viên Hội đồng quản lý;
b) Bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự;
c) Sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã nghỉ quá 06 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục;
d) Bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
đ) Có trên 50% tổng số thành viên của Hội đồng quản lý kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm;
e) Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác khác hoặc cấp có thẩm quyền bố trí công tác khác không phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Thông tư này;
g) Có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ;
h) Vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng quản lý và thành viên Hội đồng quản lý
Trong trường hợp có đề xuất hợp pháp về việc miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý thì Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có) hoặc Thư ký Hội đồng quản lý chủ trì cuộc họp giải quyết; cuộc họp phải đảm bảo về tỷ lệ và thành phần tham gia, tỷ lệ biểu quyết theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp miễn nhiệm đồng thời Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này quyết định việc tổ chức cuộc họp.
Hội đồng quản lý có trách nhiệm xem xét trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư này việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý và gửi hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định.
Hồ sơ đề nghị gồm có: (1) Tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm; (2) Biên bản họp Hội đồng quản lý; (3) Các văn bản khác có liên quan (nếu có).
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2024.
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh có đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực xây dựng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, giải quyết./.