Thông tư 02/2021/TT-BGTVT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
04-02-2021
25-03-2021
Bộ Giao thông vận tải Số: 02/2021/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2021 |
Thông tư
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 12/2020/TT-BGTVT NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 2020 CỦA BỘ
TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
BẰNG XE Ô TÔ VÀ DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ.
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm
2008;
Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm
2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng
xe ô tô;
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11
năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật giá;
Căn cứ Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm
2020 của Chính phủ về công tác văn thư;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm
2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Tổng cục
trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm
2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động
vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Quy định về quản lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô
1. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu sau:
a) Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn (MP4 hoặc H.264 hoặc H.265) và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ), thời gian; video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p. Hình ảnh tại camera phải đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng (bao gồm cả vào ban đêm);
b) Dữ liệu từ camera truyền về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam dưới định dạng ảnh theo chuẩn .JPG và phải có độ phân giải tối thiểu là 640x480 pixel. Trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, dữ liệu từ camera phải được gửi lại đầy đủ, chính xác theo quy định về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại;
c) Các dữ liệu được ghi và lưu trữ tại camera lắp trên xe và tại máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo không bị xoá, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định.
2. Đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình bảo đảm quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống của xe. Đơn vị kinh doanh vận tải niêm yết hướng dẫn việc trích xuất dữ liệu từ camera ở vị trí dễ quan sát để người lái xe theo dõi, các thông tin niêm yết gồm:
a) Số điện thoại, địa chỉ liên hệ đơn vị lắp đặt camera lắp trên xe;
b) Trạng thái hoạt động, truyền dữ liệu của thiết bị thông qua tín hiệu hoặc báo hiệu;
c) Thao tác kết nối camera với máy tính hoặc kết nối với thiết bị chuyên dụng để đọc, trích xuất dữ liệu.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của camera lắp trên xe ô tô.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 19 như sau:
“3. Niêm yết tại quầy bán vé các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước.”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 19 như sau:
“b) Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;”.
4. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 19 như sau:
“c) Niêm yết ở trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại di động đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, của Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu, biển hiệu.”.
5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 29 như sau:
“a) Niêm yết bên ngoài xe:
Phía trên kính trước và sau xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến; chiều cao chữ tối thiểu 06 cm;
Hai bên thành xe: số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;”.
6. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 29 như sau:
“b) Niêm yết bên trong xe: biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé (giá cước) đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; số điện thoại di động đường dây nóng của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách;”.
7. Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 30 như sau:
“a) Sở Giao thông vận tải công bố mẫu nhà chờ xe buýt áp dụng trong phạm vi địa phương mình;”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 như sau:
“2. Phải được niêm yết thông tin như sau:
a) Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Trường hợp xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền còn phải hiển thị trên giao diện dành cho hành khách bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này.”.
9. Sửa đổi khoản 1 Điều 48 như sau:
“1. Thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 7 Điều 14, Điều 16 và Điều 54 của Thông tư này.”.
10. Sửa đổi, bổ sung nội dung “NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý” tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, như sau:
“NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
- Kích thước Giấy chứng nhận: dài 90 mm, rộng 60 mm.
- Ảnh chụp không quá 06 tháng. Đơn vị cấp Giấy đóng dấu giáp lai ở góc bên phải phía dưới ảnh.
- Giấy chứng nhận này chỉ cấp cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đã hoàn thành khoá tập huấn theo nội dung quy định.
- Giấy chứng nhận có giá trị tối đa 03 năm, kể từ ngày cấp và không có giá trị thay thế giấy tờ tuỳ thân.
- Giấy chứng nhận sẽ không có giá trị khi bị tẩy xoá hoặc có sự thay đổi nội dung.”.
11. Bỏ cụm từ: “* Ghi chú: Sở Giao thông vận tải đóng dấu treo vào mặt sau của Phù hiệu, biển hiệu do đơn vị mình cấp.” quy định tại Phụ lục 4, Phụ lục 5, Phụ lục 7, Phụ lục 8, Phụ lục 12, Phụ lục 15, Phụ lục 16 và Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/05/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
12. Bổ sung Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tương ứng với Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2021. Bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
2. Việc niêm yết tại quầy bán vé, trên xe ô tô các thông tin theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.