Thông tư 02/2014/TT-BYT Quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần
15-01-2014
07-02-2014
01-03-2014
Bộ Y tế Số: 02/2014/TT-BYT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2014 |
Thông tư
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, HỒ SƠ, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN PHÁP Y VÀ GIÁM ĐỊNH VIÊN PHÁP Y TÂM THẦN
Căn cứ Luật giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần.
1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp, không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật giám định tư pháp và có đủ tiêu chuẩn cụ thể dưới đây được bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần:
a) Tiêu chuẩn “có trình độ đại học trở lên” quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp cụ thể như sau: Đối với giám định viên pháp y phải là bác sỹ, dược sỹ đại học hoặc tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực giám định pháp y; đối với giám định viên pháp y tâm thần phải là bác sỹ đã qua đào tạo định hướng chuyên khoa tâm thần trở lên;
b) Tiêu chuẩn “đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo” quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp là thời gian làm việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo tại cơ sở y tế từ đủ 05 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần là người trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn phải từ đủ 03 năm trở lên;
c) Chứng chỉ “đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định” quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp là chứng chỉ do Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc cơ sở đào tạo có Bộ môn Pháp y, Bộ môn Tâm thần cấp cho người tham gia khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định từ đủ 03 tháng trở lên theo chương trình đào tạo đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Người đã có bằng hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y, pháp y tâm thần thì không phải qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
2. Bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần do cơ sở giáo dục của nước ngoài cấp phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục hoặc theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên được làm thành 02 bộ bao gồm:
1. Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần và danh sách trích ngang theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Bản sao chứng thực các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần;
3. Bản sơ yếu lý lịch tự thuật theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này, có dán ảnh màu 4cm x 6cm chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 06 tháng, đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Phiếu lý lịch tư pháp;
5. Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
1. Trung ương:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ xem xét, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp gửi Bộ Y tế.
Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản hướng dẫn cơ quan, đơn vị, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp pháp, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế thẩm định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.
Trường hợp không bổ nhiệm thì Bộ Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2. Địa phương:
a) Công an cấp tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, Bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa tâm thần đối với tỉnh chưa có Bệnh viện Tâm thần hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội xem xét, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp gửi về Sở Y tế.
Sở Y tế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Y tế có văn bản hướng dẫn đơn vị hoặc cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp pháp, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.
Trường hợp không bổ nhiệm thì Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày bổ nhiệm giám định viên, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, đăng tải danh sách giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần đã được bổ nhiệm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.
Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên được làm thành 02 bộ, thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật giám định tư pháp.
1. Trung ương:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ, xem xét, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp gửi Bộ Y tế.
Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp pháp, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế thẩm định hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định miễn nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.
Trường hợp không miễn nhiệm thì Bộ Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2. Địa phương:
a) Công an cấp tỉnh, Trung tâm pháp y tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa Tâm thần đối với tỉnh chưa có Bệnh viện Tâm thần hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội xem xét, lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp gửi về Sở Y tế.
Sở Y tế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Y tế có văn bản hướng dẫn đơn vị hoặc cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp pháp, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định miễn nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.
Trường hợp không miễn nhiệm thì Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, đăng tải danh sách giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần bị miễn nhiệm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.
2. Thông tư số 04/2007/TT-BYT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên cứu, giải quyết./.