BỘ TƯ PHÁP --------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------- |
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUY MÔ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ CÁC YÊU CẤU
ĐỐI VỚI PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRỤ SỞ LÀM VIỆC
VÀ KHO VẬT CHỨNG CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-BTP ngày 20 tháng 01
năm 2020
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
------------------
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp
dụng
Các chủ đầu tư
trong hoạt động đàm phán, ký kết hợp đồng, giao nhiệm vụ thiết kế phải tuân thủ
các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý chất lượng
công trình xây dựng; quy chế quản lý kho vật chứng; tiêu chuẩn, định mức sử
dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; mô hình công
sở mẫu của các cơ quan hành chính nhà nước và các định mức, yêu cầu cụ thể về
trụ sở làm việc, kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương
được quy định tại Quyết định này.
Định mức, yêu cầu
cụ thể về trụ sở làm việc, kho vật chứng của Cục Thi hành án dân sự thành phố
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được phê duyệt trước khi lập Dự án đầu tư và
không thuộc đối tượng, phạm vi áp dụng của Quy định này.
Quy định này áp
dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng trụ sở và kho vật chứng được xây dựng từ
năm 2020.
Điều 2. Quy mô
diện tích đất
1.
Diện tích đất để xây dựng trụ sở làm việc và kho vật chứng của Cục Thi hành án
dân sự tỉnh, thành phố trực thuộctrung ương (gọi chung là cấp tỉnh) từ 3.000 -
5.000m2.
2.
Diện tích đất để xây dựng trụ sở làm việc và kho vật chứng của Chi cục Thi hành
án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) từ
1.500 - 2.500m2.
3.
Trong trường hợp địa phương cấp đất để xây dựng trụ sở và kho vật chứng không
phù hợp với yêu cầu tại khoản 1, 2 Điều này thì chủ đầu tư, đơn vị quản lý sử
dụng công trình có trách nhiệm báo cáo Bộ Tư pháp để xem xét về quy mô và quy
hoạch tổng thể trước khi lập Dự án đầu tư.
Điều 3. Tiêu
chuẩn, định mức thiết kế
1.
Tiêu chuẩn, định mức thiết kế trụ sở
Khi thiết kế trụ
sở làm việc phải đảm bảo các bộ phận diện tích sau:
a)
Diện tích làm việc của các chức danh
-
Diện tích làm việc của các chức danh tại đơn vị là diện tích sử dụng được xác
định cho một chỗ làm việc. Một người giữ nhiều chức danh thì áp dụng theo diện
tích của chức danh có tiêu chuẩn, định mức sử dụng cao nhất.
-
Tổng diện tích làm việc của các chức danh được xác định trên cơ sở biên chế, số
lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo định hướng biên
chế, số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) tại
thời điểm xác định.
-
Định mức diện tích làm việc của các chức danh xác định theo Phụ lục số 1 của
Quy định này.
b)
Diện tích sử dụng chung:
-
Diện tích sử dụng chung là diện tích sử dụng phục vụ hoạt động chung của đơn vị
xác định theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 6 Nghị định 152/2017/NĐ-CP ngày
27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc,
cơ sở hoạt động sự nghiệp, bao gồm: Sảnh chính, sảnh phụ, hành lang, ban công,
khu vệ sinh, kho tạp vụ, phòng thường trực, lái xe;
-
Định mức diện tích làm việc chung xác định theo Phụ lục số 2 của Quy định này.
c)
Diện tích chuyên dùng:
-
Bao gồm: Phòng tiếp dân và hành chính một cửa; phòng tiếp đương sự; phòng giải
quyết khiếu nại tố cáo; phòng quản trị hệ thống công nghệ thông tin; phòng
thường trực Ban chỉ đạo công tác thi hành án; kho lưu trữ hồ sơ thi hành án;
hội trường trực tuyến trên 100 chỗ (đối với cấp Cục);
-
Định mức diện tích chuyên dùng xác định theo Phụ lục số 3 của Quy định này.
d)
Các diện tích khác:
-
Bao gồm: cầu thang, nhà để xe 02 bánh, nhà để xe ôtô và diện tích chiếm chỗ của
kết cấu tường, cột và hộp kỹ thuật
-
Định mức diện tích khác xác định theo Phụ lục số 4 của Quy định này,
Diện tích quy
định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này là
diện tích tính theo kích thước thông thủy theo quy định của pháp luật
2.
Tiêu chuẩn, định mức thiết kế kho vật chứng, lán thép
a)
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh căn cứ vào số lượng và đặc điểm tang
vật chứng đã thu giữ trung bình 05 năm gần nhất để đề xuất lựa chọn quy mô kho
vật chứng cho các đơn vị thuộc quyền quản lý. Quy mô xây dựng kho vật chứng cho
các cơ quan thi hành án dân sự địa phương được chia làm 03 mức: lớn, vừa và nhỏ
ở cả 02 cấp Cục và Chi cục;
Định mức diện
tích xây dựng kho vật chứng, sân bãi xác định theo Phụ lục số 5 của Quy định
này.
b)
Trường hợp khi xác định quy mô thiết kế kho có những sự sai khác đột biến (thực
tế quá lớn hoặc quá nhỏ so với tiêu chuẩn định mức quy định tại điểm a khoản
này), Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo cơ quan
cấp trên đồng thời báo cáo Bộ để xem xét, quyết định quy mô và phương án kiến
trúc trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Điều 4. Về
phương án thiết kế
1.
Về tổ chức mặt bằng, dây chuyền công năng sử dụng:
a)
Việc Quy hoạch tổng mặt bằng phải tuân thủ các quy định chung về quy hoạch xây
dựng của địa phương. Đối với các trụ sở nằm trong quy hoạch khu đô thị phải bố
cục không gian kiến trúc hiện đại, mật độ xây dựng hợp lý, phải tạo được sự hài
hòa với cảnh quan kiến trúc khu vực và đóng góp vào bộ mặt cảnh quan, kiến trúc
của đô thị.
b)
Tổng mặt bằng công trình cần nghiên cứu thiết kế bố trí đầy đủ các hạng mục,
công trình hoàn chỉnh, đồng bộ để đảm bảo nhu cầu sử dụng lâu dài và có định
hướng phát triển trong tương lai. Các hạng mục, công trình chính bao gồm: Nhà
làm việc, kho vật chứng (trừ trường hợp đơn vị đã được xây chung cụm kho với
đơn vị khác); cổng, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ, sân đường nội bộ, sân bãi tập
kết vật chứng (nếu được xây kho), hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước tổng
mặt bằng và cây xanh; hệ thống phòng chống mối theo tiêu chuẩn hiện hành. Trong
khuôn viên cần bố trí sân, đường nội bộ, nơi để xe, vườn hoa cây xanh hợp lý,
tạo điều kiện để công hình tiếp cận với môi trường tự nhiên và đảm bảo công tác
phòng cháy, chữa cháy. Công trình cần được bố trí có khoảng lùi hợp lý so với
chỉ giới xây dựng, số tầng xây dựng tùy thuộc vào quy mô đầu tư xây dựng, thông
số quy hoạch chi tiết của từng địa phương và diện tích đất được cấp.
c)
Tổ chức mặt bằng dây chuyền công năng sử dụng của nhà làm việc phải đảm bảo phù
hợp với đặc thù của cơ quan Thi hành án dân sự:
c1) Nơi tiếp công
dân, nơi tiếp đương sự phải thể hiện được tính uy nghiêm, minh bạch của cơ quan
công quyền. Nơi giải quyết khiếu nại tố cáo cần thiết kế thêm cửa sau để đảm
bảo an toàn cho chấp hành viên khi có xung đột; bố trí lối tiếp cận cho người
tàn tật tới cơ quan làm việc theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam;
c2) Các phòng làm
việc nên thiết kế phòng lớn để thuận tiện cho việc quản lý cán bộ và trao đổi
chuyên môn, đồng thời tiết kiệm cho việc bố trí điều hòa (trừ các phòng làm
việc Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo Chi cục). Phần thiết bị chỉ trang bị các thiết bị
gắn với phần xây dựng. Phần trang thiết bị phục vụ làm việc của công chức được
mua sắm theo định mức từ nguồn kinh phí hành chính;
c3) Hội trường,
Phòng thường trực Ban chỉ đạo công tác thi hành án, nơi tập trung đông người
cần chú ý giải pháp thoát hiểm và bố trí sảnh giải lao cho hợp lý;
c4) Kho lưu trữ
hồ sơ Thi hành án cần phải phân thành khu vực theo thời gian để tiện quản lý,
tra cứu và bảo quản;
c5) Các phòng sử
dụng chung bao gồm: Phòng tiếp dân và hành chính một cửa, phòng tiếp đương sự,
phòng giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng quản trị hệ thống công nghệ thông tin,
phòng Thường trực Ban chỉ đạo công tác thi hành án, kho lưu trữ hồ sơ thi hành
án, hội trường, được trang bị đồ gỗ (bàn ghế, tủ đựng, giá đựng hồ sơ, tài
liệu), thiết bị (hệ thống âm thanh, ánh sáng, quạt gắn tường hoặc trần, điều
hòa nhiệt độ) phù hợp với công năng sử dụng của từng phòng. Đối với hội trường
và phòng thường trực Ban Chỉ đạo công tác thi hành án được trang bị thêm bục
sân khấu và tượng Bác.
d)
Tổ chức mặt bằng dây chuyền công năng sử dụng của kho vật chứng phải được
nghiên cứu, tính toán và thiết kế nhằm đảm bảo:
d1) Đầy đủ các
chức năng: Phòng làm việc của cán bộ quản lý kho, lưu trữ thẻ kho; Phòng bảo
quản vật chứng đặc biệt; Khu vực bảo quản vật chứng thông thường có kích thước
vừa và nhỏ; Kho hở để các vật chứng có kích thước lớn, cồng kềnh, số tầng kho
vật chứng xây dựng cần được tính toán phù hợp với quy mô diện tích sàn theo quy
định tại điểm a và điểm b, khoản 2 Điều 3 nói trên, quy hoạch chi tiết của địa
phương và diện tích đất được cấp. Đối với khu vực bảo quản vật chứng kích thước
lớn cần đủ chiều cao phù hợp đảm bảo điều kiện lưu trữ vật chứng.
d2) Khi thiết kế
kho vật chứng từ 02 tầng trở lên phải được thiết kế thang nâng với kích thước
và tải trọng nâng phù hợp.
d3) Diện tích mặt
bằng từng loại chức năng đã nêu tại điểm d1 nói trên cần được nghiên cứu tính
toán trên cơ sở quan sát, thống kê số lượng, kích thước, tính chất đặc thù của
vật chứng đã thu giữ trong những năm qua và dự báo trong những năm tới.
d4) Phương án
thiết kế phải phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn xây dựng Việt
Nam hiện hành. Nhà kho đảm bảo an toàn trong lưu giữ, an toàn phòng chống cháy
nổ; đảm bảo chiếu sáng, thông gió, độ ẩm, vệ sinh môi trường. Trong đó, đặc biệt
lưu ý phòng bảo quản vật chứng đặc biệt phải được thiết kế đảm bảo an toàn
tuyệt đối. Nếu xây dựng kho vật chứng theo cụm thì phương án thiết kế phải quy
định rõ ràng, rành mạch phạm vi, ranh giới kho của từng đơn vị tiện cho quá
trình bảo quản và quản lý. Hệ thống đường giao thông nội bộ khu vực nhà kho
phải được bố trí hợp lý, đảm bảo an toàn cho vận chuyển vật chứng và chữa cháy.
e)
Trong điều kiện địa phương không bố trí quỹ đất để xây dựng kho vật chứng riêng
biệt, phải xây dựng kho vật chứng với trụ sở làm việc hoặc xây dựng kho vật
chứng trong khuôn viên trụ sở, Chủ đầu tư và cơ quan tư vấn thiết kế cần nghiên
cứu kỹ các đặc điểm cơ bản của vật chứng đã và đang thu giữ để bố trí khu vực
kho cho phù hợp không làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc của cán bộ, công
chức và mỹ quan của trụ sở. Có thể bố trí kết hợp kho bảo quản vật chứng tại
tầng 1 trụ sở cơ quan đảm bảo mục tiêu tăng độ an toàn và lưu giữ vật chứng lâu
dài.
2.
Về kiến trúc công trình:
a)
Tổng thể kiến trúc phải có bố cục mặt bằng, mặt đứng tuân thủ quy hoạch địa
phương, cân đối hợp lý với công năng sử dụng; đường nét kiến trúc theo hướng
hiện đại, trang nghiêm, rộng mở và khoẻ khoắn, kiến trúc mặt tiền phải đảm bảo
tính thống nhất, tạo ấn tượng thẩm mỹ tốt, không thiết kế rườm rà; màu sắc công
trình phù hợp với tính chất của công sở; đảm bảo phù hợp với điều kiện vật liệu
và giá thành xây lắp ở Việt Nam hiện nay;
b)
Khuyến khích trụ sở các cơ quan Thi hành án dân sự được thiết kế theo phong
cách kiến trúc hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập, vừa thể hiện tính công
quyền của công sở nhà nước vừa tạo được sự gần gũi, thân thiện với môi trường
và người dân.
3.
Về kết cấu chịu lực chính:
Kết cấu chịu lực
chính nên sử dụng khung bê tông cốt thép chịu lực đảm bảo đáp ứng các diện tích
rộng để bố trí các phòng làm việc, phòng họp, hội trường. Đối với các hạng mục
phụ trợ: Nhà bảo vệ, nhà xe, tường rào bảo vệ, tùy thuộc vào đặc điểm địa chất
của công trình, vật tư, vật liệu của địa phương có thể linh hoạt trong việc lựa
chọn kết cấu chịu lực chính (bê tông cốt thép, tường gạch hoặc khung thép chịu
lực). Đối với Nhà kho hở khuyến khích thiết kế khung kết cấu thép để vượt nhịp
lớn, phù hợp với không gian bảo quản vật chứng kích thước lớn, cồng kềnh.
Đối với các công
trình xây dựng trên khu vực địa hình địa chất phức tạp (địa hình đồi núi phức
tạp hoặc nền đất yếu như đồng bằng sông Cửu Long), lưu ý các biện pháp xử lý kè
chắn, xử lý nền đất yếu nhằm tăng độ an toàn công trình trong quá trình sử
dụng.
4.
Về quy cách bản vẽ thiết kế:
a) Quy cách các
bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế phải tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn, quy
chuẩn và quy định của pháp luật hiện hành.
b)
Bản vẽ thiết kế thi công phải đầy đủ chi tiết, đủ thông số kỹ thuật để làm cơ
sở cho việc lập dự toán thi công xây dựng, kiểm tra, nghiệm thu và thanh quyết
toán công trình. Bản vẽ thiết kế phải có kích cỡ, tỷ lệ, khung tên được thể
hiện theo các tiêu chuẩn áp dụng trong hoạt động xây dựng; khung tên từng bản
vẽ phải có đầy đủ chữ ký theo quy định của pháp luật hiện hành.
c)
Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế phải đóng thành từng tập hồ sơ theo khuôn
khổ thống nhất, được lập danh mục, đánh số, ký hiệu để tra cứu và bảo quản lâu
dài.
Điều 5. Về sử
dụng vật tư, vật liệu đưa vào công trình
Vật liệu đưa vào
sử dụng cho công trình yêu cầu phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ
ràng (khuyến khích dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng, sản xuất trong nước), do
các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp có uy tín trên thị trường cung cấp và bảo
hành theo quy định, có giá cả hợp lý và phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật
đã được chỉ ra trong hồ sơ thiết kế được duyệt. Vật liệu gạch xây cần tuân thủ
các quy định tại Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy
định về sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng. Ngoài ra, đối
với vật liệu hoàn thiện, yêu cầu phải có màu sắc và kiểu dáng phù hợp với tính
chất công sở. Yêu cầu cụ thể đối với một số vật liệu hoàn thiện chính như sau:
1.
Vật liệu sơn, bả
Mặt ngoài công
trình chính yêu cầu dùng sơn chống thấm, chống rêu mốc, trong trường hợp cần
thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ kiến trúc, có thể ốp đá trên một số chi tiết
kiến trúc. Mặt trong công trình có thể dùng sơn nước bán bóng để nâng cao tính
thẩm mỹ và tránh bắt bụi.
2.
Vật liệu gạch, đá ốp lát
Gạch lát dùng
gạch gốm (Ceramic)
hoặc gạch Granite nhân
tạo, có màu sắc và có kích thước thích hợp, cầu thang, tam cấp, sảnh chính có
thể lát đá Granit tự nhiên.
3.
Vật liệu cửa đi, cửa sổ
Khuôn cửa, đố cửa
và kính cần phải thiết kế đủ độ dày để đảm bảo khả năng chịu lực và phải được
quy định rõ trong hồ sơ thiết kế.
Có thể sử dụng hệ
cửa đi, cửa sổ kính khung nhôm, nhựa lõi thép đảm bảo chất lượng; hoặc dùng cửa
Panô kính khung gỗ, có khuôn, gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp (có độ bền chịu lực
tương đương gỗ nhóm III). Đối với các cửa tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên
ngoài nhà, tại các địa phương vùng ven biển, có thể dùng khung tăng cường khả
năng chịu lực, kính an toàn.
4.
Vật liệu lợp mái chống nóng
Sử dụng vật liệu
ngói hoặc tôn có màu sắc và độ dày thích hợp chống nóng và chống thấm. Riêng
đối với các địa phương vùng ven biển, hải đảo nên sử dụng biện pháp dán ngói
trên mái nghiêng bê tông.
5.
Vật tư điện, nước
Hệ thống dây
điện, cáp điện, bóng điện, ổ cắm, công tắc, ổn áp, aptomat, tủ điện phải đảm
bảo công suất truyền tải; hệ thống đường ống cấp nước, thoát nước, côn, tế, cút
phải đảm bảo chiều dày tiêu chuẩn, đảm bảo sức chịu áp lực nước; bồn chứa nước,
thiết bị vệ sinh phải đủ dung tích chứa, đủ độ bền để đáp ứng được tần suất sử
dụng cao của công trình công cộng. Chất lượng vật tư phải đảm bảo có nguồn gốc
xuất xứ rõ ràng, khuyến khích dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng trong nước, các
thông số kỹ thuật phải được quy định rõ trong hồ sơ thiết kế.
Điều 6. Về thiết bị lắp đặt cho
công trình
Thiết bị lắp đặt
trong công trình phải được dự kiến, tính toán từ khi lập Dự án đầu tư hoặc Báo
cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình để đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với
mặt bằng dây chuyền công năng sử dụng. Trong đó:
1.
Máy điều hòa nhiệt độ
a)
Đối với những địa phương luôn chịu ảnh hưởng của thời tiết nóng các phòng làm
việc và phòng họp lớn được sử dụng máy điều hòa một chiều lạnh, loại treo tường
cho phù hợp với khối tích của phòng và đảm bảo mỹ quan cho công trình;
b)
Đối với một số địa phương thuộc vùng, miền núi cao, về mùa đông có thời tiết
quá lạnh như: Một số huyện của tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà
Giang, Lạng Sơn cần lắp đặt loại điều hòa 2 chiều cho phù hợp.
2.
Thang máy
a)
Chỉ sử dụng cho các trụ sở có chiều cao từ 6 tầng trở lên theo quy định. Tải
trọng nâng và số điểm dừng phải được thiết kế tính toán cho phù hợp;
b)
Chất lượng: Thang máy sử dụng hãng sản xuất bảo đảm chất lượng và có uy tín
trên thị trường hiện nay để đảm bảo quá trình sử dụng được lâu dài được quy
định rõ trong hồ sơ thiết kế.
3.
Trang thiết bị làm việc:
Trang thiết bị
làm việc (bao gồm cả hệ thống trang thiết bị âm thanh hội trường) phải được,
thiết kế sơ bộ, khái toán ngay từ giai đoạn lập dự án.
Bàn, ghế phòng
họp, hội trường, bàn ghế tiếp khách, tiếp đương sự, tủ đựng tài liệu hồ sơ phải
đảm bảo chất lượng, màu sắc và kiểu dáng phù hợp với cơ quan công sở. Vật liệu dùng để sản xuất phải đảm bảo chất lượng
(tương đương gỗ nhóm II trở lên) để sử dụng lâu dài.
4.
Phần giá, kệ, tủ sắt của cụm kho vật chứng
Hệ thống giá, kệ, tủ sắt........ phải
được tính toán và thiết kế đảm bảo khả năng bảo quản và lưu trữ vật chứng một
cách linh hoạt và hiệu quả nhất. Vật liệu dùng để sản xuất phải đảm bảo chất
lượng để sử dụng lâu dài (gỗ tương đương gỗ nhóm III, sắt sơn mạ tĩnh điện).
5.
Hệ thống thông tin, liên lạc, chống sét, và phòng cháy chữa cháy
Các đường mạng
Internet, mạng điện thoại, hệ thống chống sét, phòng cháy chữa cháy phải được
tính toán, lắp đặt sẵn để đảm bảo đồng bộ trong quá trình đưa công trình vào
khai thác, sử dụng.
6.
Thiết bị đặc thù
Đối với các thiết
bị đặc thù như: Thiết bị phòng cháy chữa cháy đối với các công trình đòi hỏi
phải có hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, thiết bị của hội trường giao ban
trực tuyến phải do các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp thiết kế và được thẩm tra
theo quy định, đảm bảo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1.
Chủ đầu tư; các đơn vị quản lý, sử dụng công trình và các đơn vị khác có liên
quan có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định nói trên và các quy định
hiện hành khác của pháp luật có liên quan.
2.
Cục trường Cục Kế hoạch - Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân
sự có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản và các
định mức, yêu cầu cụ thể về trụ sở làm việc, kho vật chứng của các cơ quan thi
hành án dân sự địa phương được quy định tại Quyết định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo bằng văn bản về Bộ Tư pháp (Cục Kế hoạch -
Tài chính) và Tổng cục Thi hành án dân sự để xem xét, hướng dẫn, sửa đổi, bổ
sung kịp thời./.