KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI
ĐUA YÊU NƯỚC “TOÀN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT CHUNG SỨC XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP
HIỆN ĐẠI, NÔNG DÂN GIÀU CÓ, NÔNG THÔN VĂN MINH”, GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 781/QĐ-BNN-TCCB ngày25 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
Ngày 14/11/2020, tại Đại hội Thi đua yêu
nước ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần thứ V, Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ, đã
phát động Phong trào thi đua “Toàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là
Phong trào thi đua).
Với truyền thống 75 năm xây dựng và phát
triển, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, đổi mới, hội nhập; quán triệt sâu sắc Chỉ
thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về
tiếp tục đổi mới công tác thi
đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai Kế
hoạch thực hiện phong trào
thi đua với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU:
Thông qua Phong trào thi đua nhằm:
- Khuyến khích, động viên cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành Nông nghiệp và PTNT thi đua,
phấn đấu hoàn thành xuất sắc
các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại,
nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
- Tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các tập thể, cá nhân trong toàn ngành
thực hiện về đích trước thời hạn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành hàng năm và
giai đoạn 05 năm (2021-2025).
- Ghi nhận, vinh danh tập thể, cá nhân
tiêu biểu, xuất sắc, là những tấm gương điển hình tiên tiến tích cực tham gia
phong trào thi đua, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn
Việt Nam.
II. MỤC TIÊU THI ĐUA
Thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi
nhiệm vụ chính trị, phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế,
thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn
minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông
thôn văn minh, hiện đại. Với một số mục tiêu cụ thể sau:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8 - 3,2%/năm.
- Đến năm 2025 tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%
(trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao,
10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành
nhiệm vụ xây dựng NTM; ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
- Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 52,27 tỷ USD (2025)
- Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn năm 2025 tăng
ít nhất 1,6 lần năm 2020.
- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 42% với năng
suất, trữ lượng, chất lượng
năm 2025 cao hơn 20% so với năm 2020.
III. NỘI DUNG THI
ĐUA
Các cơ quan, đơn vị và các Khối thi đua
trong Bộ, ngành bám sát các mục tiêu thi đua để cụ thể hóa nội dung thi đua
theo từng lĩnh vực chuyên ngành gắn với thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó tập trung
các nội dung sau:
1. Khối các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ:
Thi đua hoàn thành có chất lượng, đúng
thời hạn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện
cơ chế, chính sách, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chủ
động, tích cực nghiên cứu, rà soát, tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị
sửa đổi, bổ sung các chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thi đua
thực hiện cải cách hành chính, thực thi công vụ, xây dựng công sở văn minh, hiện đại.
2. Khối các đơn vị sự nghiệp, nghiên cứu khoa học thuộc Bộ:
Thi đua nghiên cứu khoa học, lao động sáng
tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học, đề tài đi vào thực
tiễn; đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tăng tỷ trọng nguồn thu ngoài ngân sách, nâng cao thu nhập
cho công chức, viên chức và người lao động.
3. Khối các đơn vị đào tạo thuộc Bộ:
Thi đua lập thành tích trong công tác giáo
dục và đào tạo; chủ động,
sáng tạo thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8
khóa XI; nâng cao chất lượng đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng dạy học; đẩy mạnh
ứng dụng CNTT; tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực, nhất là
nguồn nhân lực chất lượng
cao.
4. Khối các sở/ngành, Hội, Hiệp hội:
- Thi đua trong việc chỉ đạo, triển khai
thực hiện các chính sách trong sản xuất nông nghiệp; tích cực tham gia xây dựng
chính sách, phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được quy định.
- Thi đua trong việc tham mưu cho UBND
tỉnh, thành phố về chỉ đạo
sản xuất tại địa phương; ban hành chính sách đặc thù để khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, thành phố
- Thi đua trong công tác quy hoạch phát
triển các sản phẩm hàng hóa tập trung, theo chuỗi; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
5. Khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh,
dịch vụ:
Chủ động, tích cực hỗ trợ,
huy động nguồn lực trực tiếp cho nông dân, phát triển sản xuất, tạo việc làm,
tăng thu nhập, hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và đời sống; mở rộng
liên kết với Hợp tác xã, nông dân trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến; áp
dụng khoa học kỹ thuật trong
sản xuất, chế biến.
Thi đua xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao; mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
Thi đua đẩy mạnh triển khai hiệu quả
hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp
với tổ chức, HTX, trang trại, hộ nông dân.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Mỗi cơ quan, đơn vị, khối thi đua trong ngành xây
dựng, cụ thể hóa Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Toàn Ngành Nông
nghiệp và Phát triển nông nông thôn xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” của đơn vị mình, làm căn cứ tổ chức chỉ đạo thực hiện trong đơn vị. Kế hoạch thực hiện
Phong trào phải cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ trong từng năm, gắn với sơ
kết 3 năm, tổng kết 5 năm thực hiện.
2. Phong trào thi đua: “Toàn ngành Nông nghiệp và PTNT chung sức xây dựng nền nông
nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” triển khai gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã được Thủ tướng Chính
phủ phát động, các phong trào thi đua chuyên đề đã và đang phát huy hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị.
3. Triển khai Phong trào thi đua yêu nước
gắn với thực hiện nâng cao
chất lượng công tác khen thưởng, xây dựng, nhân rộng tấm gương điển hình tiên
tiến ở cơ quan, đơn vị, quan
tâm thường xuyên công tác khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động trực tiếp, tập thể nhỏ, người nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp điển
hình tiên tiến trong ngành.
4. Phát huy vai trò của tổ chức, cấp ủy Đảng là nòng cốt trong chỉ đạo, đôn đốc
triển khai thực hiện Phong trào. Tổ chức đoàn thể phối hợp, tuyên truyền, giám
sát triển khai thực hiện trong các cơ quan, đơn vị.
V. TIẾN ĐỘ, THỜI
GIAN THỰC HIỆN
1. Năm 2021:
Các cụm, khối thi đua, các cơ quan, đơn vị
trong Bộ, ngành tổ chức phát
động, ký giao ước thi đua thực hiện Phong trào thi đua. Cụ thể hóa thành phong
trào thi đua nhánh, chuyên đề phù hợp với cụm, khối, đơn vị cùng với việc ban
hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trong Quý I,
II năm 2021.
2. Giai đoạn 2022 - 2023:
- Triển khai sâu rộng phong trào để thực
hiện các nội dung kế hoạch.
- Phát hiện, xây dựng điển hình tiên tiến
trong cụm, khối, cơ quan, đơn vị.
- Cuối năm 2023 tổ chức sơ kết 3 năm thực
hiện Phong trào thi đua theo khối thi đua, đánh giá kết quả triển khai và đề
xuất các giải pháp tổ chức thực hiện phong trào trong những năm tiếp theo.
3. Giai đoạn 2024 - 2025:
- Tiếp tục triển khai phong trào thi đua
theo nội dung đã phát động.
- Bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên
tiến.
- Đầu năm 2025 phát động thi đua đặc biệt
hoàn thành vượt mức kế hoạch chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần
thứ XI và Đại hội thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp và PTNT lần thứ VI.
- Tổ chức tổng kết tại các cụm, khối thi
đua, các cơ quan, đơn vị và toàn ngành.
VI. HÌNH THỨC KHEN
THƯỞNG
1. Khen thưởng hàng năm:
Hàng năm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị,
Trưởng các cụm, khối thi đua chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện,
đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, lấy kết quả triển khai tổ chức thực hiện Phong
trào thi đua là một tiêu chí trong đánh giá thi đua cho các đơn vị.
Hội đồng thi đua khen thưởng các cơ quan, đơn vị đánh
giá thành tích trong triển khai tổ chức phong trào thi đua để đưa vào thành
tích chung của các tập thể,
cá nhân phục vụ công tác xét thi đua khen thưởng theo hình thức khen thưởng
theo công trạng hàng năm.
2. Khen thưởng sơ kết giai đoạn 2021 - 2023:
Các Khối thi đua, các cơ quan, đơn vị tổ chức sơ kết thực hiện phong trào thi đua và đề xuất Bộ xét khen thưởng theo
quy định.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ lựa chọn
những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu thuộc các lĩnh vực
trong ngành để đề nghị Bộ trưởng tặng thưởng Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ và
trình Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
3. Khen thưởng tổng kết phong trào:
Việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá
nhân đạt thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết của các cơ quan, đơn vị do đơn vị thực hiện theo
quy định.
Đề xuất Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Bộ khen thưởng Bằng khen Bộ trưởng, Cờ thi đua của Bộ và lựa chọn những
tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất thuộc các lĩnh vực
trong ngành để đề nghị tặng
thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Bộ
sẽ có Hướng dẫn cụ thể về thời gian sơ/tổng kết phong trào, tiêu chuẩn và số lượng khen
thưởng riêng).
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ,
ngành căn cứ Kế hoạch này cụ
thể thành kế hoạch/hướng dẫn tổ chức thi đua, vận động cán bộ, công chức, viên
chức và người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm
vụ đã đề ra
2. Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam
chỉ đạo các cấp công đoàn trong toàn ngành tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn
viên công đoàn và người lao động tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi
đua yêu nước.
3. Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng Bộ chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai
thực hiện Phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong toàn ngành, kịp thời
rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến.
4. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong Bộ tổ chức thực hiện Kế hoạch
này; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ. Tổ chức sơ kết, tổng kết và trình Bộ xem xét khen thưởng các đơn vị và cá nhân
có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua./.