Quyết định 68/QĐ-KTNN Quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các phòng, ban thuộc văn phòng kiểm toán nhà nước
68/QĐ-KTNN
Quyết định
Còn hiệu lực
18-01-2021
18-01-2021
Kiểm toán Nhà nước Số: 68/QĐ-KTNN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2021 |
Quyết định
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC PHÒNG, BAN THUỘC VĂN PHÒNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020
của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức
của Văn phòng Kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và
Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
1. Phòng Thư ký - Tổng hợp
a) Chức năng
Phòng Thư ký - Tổng hợp có chức năng tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác tổng hợp và thư ký lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước làm đầu mối tổng hợp, tham gia xây dựng đề án, chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước trong từng thời kỳ.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước theo dõi, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước thực hiện kế hoạch công tác được phân công; báo cáo hoặc kiến nghị với lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước để có giải pháp chỉ đạo xử lý kịp thời những vướng mắc nhằm hoàn thành kế hoạch công tác đạt chất lượng, đúng tiến độ.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước sắp xếp, bố trí kế hoạch, chương trình làm việc hàng tuần, hàng tháng của Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Thực hiện các nhiệm vụ thư ký cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trong các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng; chuẩn bị nội dung, chương trình các cuộc họp, buổi làm việc theo yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước; tổng hợp các ý kiến kết luận và chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, trình lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước để thông báo đến các đơn vị, cá nhân có liên quan theo phân cấp và ủy quyền của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thư ký giúp việc cho lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phụ trách theo lĩnh vực được phân công, cụ thể:
+ Nghiên cứu các văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phụ trách lĩnh vực được phân công, tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý hoặc giao cho các đơn vị chức năng xử lý.
+ Rà soát, kiểm tra các văn bản trước khi trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phụ trách lĩnh vực được phân công ký ban hành.
+ Theo dõi tình hình, đôn đốc các đơn vị thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phụ trách lĩnh vực được phân công.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổng hợp, đánh giá kết quả các mặt công tác của Kiểm toán nhà nước theo định kỳ hàng tháng, 6 tháng và hàng năm trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước; tổng hợp thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước; tham dự và tổng hợp việc xét duyệt kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán và các cuộc họp theo yêu cầu của Chánh Văn phòng và lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Tham gia nghiên cứu soạn thảo các văn bản theo sự phân công của lãnh đạo Văn phòng và lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác cải cách hành chính trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý công chức và người lao động của Văn phòng theo phân cấp của Kiểm toán nhà nước; tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
- Thực hiện công tác thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
- Giúp lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước rà soát, kiểm tra các văn bản của Văn phòng trước khi trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước; tổng hợp, lập kế hoạch công tác, báo cáo công tác tháng, 6 tháng, năm của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo báo cáo hàng tháng, quý, năm của phòng trình Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
2. Phòng Hành chính
a) Chức năng
Phòng Hành chính có chức năng tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện chức năng tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong toàn ngành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ văn thư, lưu trữ và thư viện tại cơ quan Kiểm toán nhà nước; công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý công tác văn thư, lưu trữ của toàn ngành:
+ Tham mưu xây dựng các quy định về công tác văn thư, lưu trữ của Kiểm toán nhà nước.
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của Kiểm toán nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ trong toàn ngành.
+ Xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác văn thư, lưu trữ.
+ Tham mưu, đề xuất ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác văn thư, lưu trữ; xây dựng báo cáo thống kê, sơ kết và tổng kết về công tác văn thư, lưu trữ.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ văn thư, lưu trữ và thư viện tại cơ quan Kiểm toán nhà nước:
+ Thực hiện nhiệm vụ văn thư tại cơ quan: tiếp nhận, đăng ký, trình, chuyển giao văn bản đến cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, bí mật thông tin theo quy định; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết văn bản đến; kiểm tra thể thức, hình thức và kỹ thuật trình bày văn bản; cấp số và thời gian ban hành; nhân bản; đóng dấu hoặc ký số và dấu chỉ mức độ khẩn, mật (nếu có); đăng ký, làm thủ tục phát hành, chuyển phát cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, bí mật thông tin theo quy định; theo dõi việc chuyển phát văn bản đi; lưu văn bản đi theo quy định; lập hồ sơ hiện hành và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý sổ sách và cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý văn bản; làm thủ tục cấp giấy giới thiệu, giấy đi đường cho cán bộ, công chức; sử dụng, quản lý con dấu và thiết bị lưu khóa bí mật để ký số của Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
+ Thực hiện nhiệm vụ lưu trữ tại cơ quan: thu thập hồ sơ, tài liệu đến hạn nộp lưu vào lưu trữ cơ quan; phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu; thực hiện các thủ tục tiêu hủy tài liệu hết giá trị; bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ; giao nộp tài liệu thuộc diện nộp lưu vào lưu trữ lịch sử.
+ Thực hiện nhiệm vụ thư viện của Kiểm toán nhà nước: tổ chức phòng đọc và phục vụ độc giả thuộc Kiểm toán nhà nước khai thác, sử dụng tài liệu thư viện; tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thư viện gồm: bổ sung, biên mục, số hoá tài liệu và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu; bảo quản vốn tài liệu và thanh lọc những tài liệu không phù hợp ra khỏi kho theo quy chế của thư viện; tổ chức thông tin, tuyên truyền vốn tài liệu thư viện.
+ Tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổng hợp, xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo báo cáo tình hình công tác văn thư, lưu trữ và thư viện hàng tháng, 6 tháng, năm của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Kiểm toán nhà nước.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
3. Phòng Kế toán
a) Chức năng
Phòng Kế toán là đơn vị dự toán cấp III có chức năng tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước quản lý, thực hiện công tác kế toán của cơ quan Kiểm toán nhà nước phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước: Quy chế chi tiêu nội bộ; tiêu chuẩn, định mức về tài chính, tài sản để thực hiện thống nhất trong các đơn vị thuộc khối cơ quan Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật; Dự toán chi các nhiệm vụ thường xuyên của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước như: Dự toán đoàn ra, đoàn vào, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo...; mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị cho khối cơ quan Kiểm toán nhà nước; phương án sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được hàng năm của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước.
- Về công tác lập dự toán: hướng dẫn các đơn vị thuộc khối cơ quan Kiểm toán nhà nước lập dự toán nhiệm vụ thu, chi hàng năm của đơn vị mình; tổng hợp lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật; tổng hợp kịp thời các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán được giao để tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước điều chỉnh, bổ sung dự toán hàng năm theo quy định.
- Về quản lý và sử dụng dự toán: Quản lý và sử dụng có hiệu quả dự toán được giao và các nguồn thu hợp pháp khác, thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý tài chính hiện hành, cụ thể: thẩm định dự toán chi các nhiệm vụ thường xuyên của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước, như: Dự toán đoàn ra, đoàn vào, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo...; mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị cho khối cơ quan Kiểm toán nhà nước; kiểm soát hoạt động thu, chi theo quy định của pháp luật; kiểm soát tạm ứng và tiến độ thanh toán tạm ứng theo quy định; kiểm tra, giám sát các nguồn thu hợp pháp của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước; kiểm soát, tư vấn các hợp đồng và hồ sơ liên quan về thu, chi ngân sách; hướng dẫn các cá nhân, đơn vị có liên quan thực hiện thu, chi theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ khối cơ quan Kiểm toán nhà nước và các quy định của Nhà nước; đề xuất chỉnh sửa, bổ sung quy chế khi cần thiết; tính kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm hàng năm theo quy định.
- Về công tác kế toán: tổ chức bộ máy kế toán; hạch toán đầy đủ, rõ ràng, chính xác, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh; lập Báo cáo quyết toán và báo cáo tài chính theo quy định.
- Theo dõi, quản lý, hạch toán đầy đủ tài sản cố định được trang bị phục vụ cho công tác chuyên môn của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước; phối hợp với bộ phận Quản trị kiểm kê tài sản định kỳ, xây dựng kế hoạch mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, thanh lý tài sản.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo; quản lý hồ sơ, tài liệu tài chính - kế toán của khối cơ quan Kiểm toán nhà nước theo quy định.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
4. Phòng Thông tin - Truyền thông
a) Chức năng
Phòng Thông tin - Truyền thông có chức năng tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức, thực hiện công tác thông tin, truyền thông và quản lý Cổng thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của nhà nước; các quy định, nội quy, quy chế, chỉ thị, nghị quyết của Kiểm toán nhà nước và của Tổng Kiểm toán nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện, hội nghị, lễ kỷ niệm của Kiểm toán nhà nước theo quy định
- Là đầu mối giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phối hợp, liên hệ với các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức bên ngoài nhằm trao đổi thông tin, truyền thông, quảng bá về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Nghiên cứu, đề xuất các hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù của ngành.
- Điểm báo, tổng hợp tin tức liên quan đến hoạt động của Kiểm toán nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, phục vụ công tác quản lý và điều hành của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức và quản lý Phòng Truyền thống của Kiểm toán nhà nước.
- Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức các Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có liên quan và theo dõi việc thực hiện Quy chế.
- Là bộ phận thường trực của Cổng thông tin điện tử Kiểm toán nhà nước, tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phối hợp với Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Kiểm toán nhà nước quản lý và vận hành Cổng thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật và của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Thực hiện việc soạn thảo, in ấn các ấn phẩm truyền thông của Kiểm toán nhà nước.
- Đầu mối phối hợp với Báo, Tạp chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của ngành Kiểm toán nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo các báo cáo hàng tháng, 6 tháng, năm của Phòng trình Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phê duyệt và phối hợp với các phòng, ban trực thuộc Văn phòng xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo các báo cáo, các văn bản khác của Văn phòng và của Kiểm toán nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của phòng.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
5. Phòng Quản lý đầu tư
a) Chức năng
Phòng Quản lý đầu tư có chức năng giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý đầu tư phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý nhà nước về công tác đầu tư công, xây dựng và đấu thầu của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành các văn bản có liên quan về đầu tư công, xây dựng và đấu thầu của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch về đầu tư công và xây dựng của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trong việc phối hợp với các chủ đầu tư để tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt về chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế thi công và dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trong việc hướng dẫn lập báo cáo, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán các dự án đầu tư hoàn thành của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng nguồn vốn, tài sản được hình thành từ các dự án đầu tư và công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu của các dự án theo quy định của pháp luật và của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có liên quan tình hình thực hiện công tác đầu tư công, xây dựng, đấu thầu 6 tháng, hàng năm và đột xuất; đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư của Kiểm toán nhà nước.
- Thẩm định hồ sơ trong công tác lựa chọn nhà thầu đối với các dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Trụ sở cơ quan Kiểm toán nhà nước do Văn phòng Kiểm toán nhà nước làm chủ đầu tư.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
6. Phòng Quản trị
a) Chức năng
Phòng Quản trị có chức năng tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác quản trị của Kiểm toán nhà nước, của cơ quan Kiểm toán nhà nước phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bảo trì tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước và cơ quan Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bảo trì tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước và của cơ quan Kiểm toán nhà nước theo phân cấp; thực hiện cấp phát, điều chuyển tài sản, máy móc, thiết bị của Kiểm toán nhà nước trên cơ sở tiêu chuẩn định mức và kế hoạch được duyệt.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức quản lý cơ sở vật chất của Kiểm toán nhà nước; đảm bảo các điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước theo quy định của Nhà nước và quy chế phân cấp, cụ thể:
+ Tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định các chủ trương, biện pháp hiện đại hóa công sở, áp dụng công nghệ thông tin, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước;
+ Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác quản lý cơ sở vật chất; tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Nhà nước và của Kiểm toán nhà nước;
+ Thực hiện quản lý tài sản của cơ quan Kiểm toán nhà nước và của Kiểm toán nhà nước theo phân cấp; tổ chức kiểm kê tài sản, công cụ, dụng cụ của các đơn vị thuộc khối cơ quan Kiểm toán nhà nước; tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản của ngành;
+ Khảo sát, đề xuất chủ trương cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc của Kiểm toán nhà nước và tổ chức thực hiện theo quy chế phân cấp;
+ Thực hiện sửa chữa, bảo trì tài sản, máy móc, thiết bị của cơ quan Kiểm toán nhà nước theo quy định.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức công tác lễ tân, phục vụ của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cụ thể:
+ Bố trí phòng tiếp khách đến làm việc với lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và các đơn vị tại trụ sở cơ quan Kiểm toán nhà nước; bố trí phòng tiếp công dân theo quy định của Nhà nước; tổ chức công tác đón tiếp khách, tiếp công dân theo quy định.
+ Tổ chức công tác lễ tân, phục vụ tại phòng làm việc của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo các đơn vị thuộc khối cơ quan Kiểm toán nhà nước; các hội nghị, sự kiện, cuộc họp tại trụ sở cơ quan Kiểm toán nhà nước.
+ Chuẩn bị công tác hậu cần cho các Đoàn đi công tác: mua vé máy bay, vé tàu, ký kết các hợp đồng nhà nghỉ cho các đoàn đi công tác (trong điều kiện cho phép); cung cấp văn phòng phẩm, công cụ, dụng cụ cho các đơn vị theo quy định.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh, cảnh quan, môi trường tại trụ sở cơ quan Kiểm toán nhà nước; phối hợp tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức và quản lý nhà ăn, tổ chức bữa ăn trưa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan Kiểm toán nhà nước và tổ chức bữa ăn phục vụ các hội nghị, sự kiện theo yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác bảo vệ, an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ, phòng chống bão lụt, bảo mật nội bộ cơ quan, bảo đảm kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính theo nội quy, quy chế làm việc của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cụ thể:
+ Tổ chức bảo vệ trụ sở cơ quan, bảo đảm an toàn tài sản của cơ quan và tài sản (ô tô, xe máy, xe đạp) của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để trong khu vực cơ quan; bảo đảm an ninh trật tự trong cơ quan;
+ Thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn công tác phòng chống cháy, nổ, kịp thời phát hiện dấu hiệu cháy, nổ để có biện pháp khắc phục; khi có sự cố cháy nổ xảy ra phải tổ chức cứu chữa, đồng thời báo cho cơ quan chức năng theo quy định; thực hiện công tác phòng chống bão lụt, thiên tai tại trụ sở cơ quan Kiểm toán nhà nước;
+ Thực hiện bảo mật nội bộ cơ quan, bảo đảm kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính theo nội quy, quy chế làm việc của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tham mưu lãnh đạo Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác quân sự địa phương của Kiểm toán nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch công tác, báo cáo hàng tháng, 6 tháng, năm của phòng trình Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
- Tham gia phối hợp với các phòng, ban thuộc Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo các báo cáo và các văn bản khác của Văn phòng Kiểm toán nhà nước và của Kiểm toán nhà nước liên quan đến chức năng nhiệm vụ của phòng.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
7. Phòng Quản lý xe
a) Chức năng
Phòng Quản lý xe có chức năng tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước hướng dẫn, thực hiện công tác quản lý, sử dụng xe ô tô trong toàn ngành và của cơ quan Kiểm toán nhà nước phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Phối hợp với các phòng, ban có liên quan giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch mua sắm ô tô hàng năm trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước; tiến hành thủ tục đăng ký, đăng kiểm, lưu hành xe ô tô mới mua, xe ô tô điều chuyển, thanh lý các xe ô tô hết thời hạn sử dụng, xe ô tô đổi biển kiểm soát theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước ban hành các quy định về quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô trong toàn ngành; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước thực hiện quản lý, sử dụng xe ô tô theo quy định của Nhà nước và quy định về quản lý, sử dụng tài sản công của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng phương án thuê xe ô tô, điều động xe ô tô trong ngành phục vụ các sự kiện lớn của Kiểm toán nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức quản lý, điều hành, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô phục vụ lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và xe ô tô phục vụ công tác của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cụ thể:
+ Tiếp nhận giấy đăng ký xe ô tô phục vụ công tác của các đơn vị; trình lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước ký “lệnh điều động xe ô tô” theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công của Kiểm toán nhà nước; mở sổ theo dõi tình hình điều động xe ô tô, hành trình hoạt động của các xe ô tô theo lệnh điều động; phân công nhân viên lái xe đưa, đón cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết các sự cố xảy ra theo đúng các quy định của pháp luật.
+ Xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô hàng năm trình lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước; mở sổ theo dõi tình hình kỹ thuật xe ô tô của cơ quan Kiểm toán nhà nước; kiểm tra, đề xuất phương án bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô theo quy định;
+ Rà soát, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu của từng xe ô tô trình lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước quyết định theo quy định Nhà nước.
- Giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm tra tay lái đối với các lái xe trước khi tuyển dụng vào làm nhân viên lái xe của Kiểm toán nhà nước, theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ hoặc của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
- Tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước lập cam kết trách nhiệm của lái xe khi nhận bàn giao quản lý vận hành xe ô tô của Kiểm toán nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo báo cáo hàng tháng, 6 tháng, năm của Phòng trình Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
- Phối hợp với các phòng, ban trực thuộc Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng xe ô tô của Kiểm toán nhà nước các Khu vực, dự thảo các báo cáo và các văn bản khác của Văn phòng Kiểm toán nhà nước và của Kiểm toán nhà nước liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Phòng.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc phòng.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước giao.
8. Ban Tài chính
a) Chức năng
Ban Tài chính là đơn vị dự toán cấp I, giúp Chánh Văn phòng tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý, chỉ đạo thực hiện thống nhất công tác tài chính - kế toán của Kiểm toán nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật và phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Về công tác nghiên cứu, hướng dẫn chế độ:
+ Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước trình Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật quy định chế độ, chính sách về quản lý tài chính – kế toán của nhà nước, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan đến công tác quản lý tài chính công, tài sản công của Kiểm toán nhà nước.
+ Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn các quy định về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức của nhà nước trong quản lý tài chính công, tài sản công của Kiểm toán nhà nước.
+ Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản nội quy, quy chế, quy định nội bộ trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công của Kiểm toán nhà nước.
- Về công tác xây dựng, phân bổ, giao và điều chỉnh dự toán:
+ Hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Kiểm toán nhà nước lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm, trung hạn và dài hạn.
+ Thẩm định dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm, trung hạn và dài hạn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
+ Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổng hợp, xây dựng trình Tổng Kiểm toán nhà nước dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm, trung hạn và dài hạn của Kiểm toán nhà nước.
+ Bảo vệ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 năm, trung hạn và dài hạn của Kiểm toán nhà nước.
+ Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng phương án và trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách hàng năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
+ Xây dựng bổ sung dự toán đối với các khoản chi đột xuất ngoài kế hoạch và các khoản chi phát sinh theo chế độ của nhà nước; Tổng hợp, thẩm định đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán của các đơn vị; Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định điều chỉnh, bổ sung dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
+ Thẩm định, kiểm tra, phê duyệt dự toán các nhiệm vụ chi ngân sách hàng năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành.
+ Tổ chức thực hiện dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
+ Tổng hợp, công khai dự toán ngân sách nhà nước quý, năm theo quy định.
- Về công tác kiểm tra, xét duyệt và tổng hợp quyết toán:
+ Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý tài chính, kế toán hàng năm và đột xuất tại các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Kiểm toán nhà nước; kiến nghị với Tổng Kiểm toán nhà nước xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức xét duyệt hoặc thẩm định quyết toán ngân sách hàng năm đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trực thuộc Kiểm toán nhà nước theo quy định; Thông báo xét duyệt quyết toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
+ Tổng hợp, lập quyết toán ngân sách các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
+ Lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên; lập báo cáo tài chính nhà nước.
+ Tổng hợp, công khai báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định.
- Về công tác quản lý tài sản:
+ Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
+ Hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước việc cập nhật thông tin của tài sản phải báo cáo kê khai vào cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước; quản lý, lưu trữ kết quả báo cáo kê khai.
+ Hướng dẫn việc xác nhận thông tin về tài sản và việc chấp hành chế độ báo cáo kê khai của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.
+ Tổng hợp tài sản toàn ngành gửi bộ, ngành liên quan theo quy định.
- Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản:
+ Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng, hàng quý, và quyết toán vốn đầu tư hằng năm theo quy định.
+ Phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các dự án đầu tư công.
+ Tham gia thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình, dự án thuộc Kiểm toán nhà nước.
- Về công tác khác:
+ Phối hợp với Vụ Tổng hợp, Bộ Tài chính rà soát, đối chiếu, xác nhận kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán làm căn cứ tính kinh phí được trích 5% hàng năm. Xây dựng phương án trích, phân bổ và sử dụng kinh phí 5%.
+ Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định.
+ Tham mưu Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành: quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất của Kiểm toán nhà nước; Kế hoạch hành động của Kiểm toán nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và giai đoạn. Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng hợp và báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định.
+ Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước; thực hiện quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định.
+ Xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo báo cáo hàng tháng, quý, năm của Ban trình Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
+ Tham gia phối hợp với các phòng, ban trực thuộc Văn phòng xây dựng kế hoạch công tác, dự thảo các báo cáo và các văn bản khác của Văn phòng và của Kiểm toán nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban.
+ Tổng kết, báo cáo rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao công tác quản lý tài chính công của ngành.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc ban.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và Lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
9. Ban Thi đua - Khen thưởng
a) Chức năng
Ban Thi đua - Khen thưởng có chức năng tham mưu giúp Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước thực hiện công tác thi đua - khen thưởng của Kiểm toán nhà nước và của Văn phòng Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định tại Quyết định số 1368/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn
- Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng để áp dụng trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
- Làm nhiệm vụ Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Kiểm toán nhà nước.
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch thi đua - khen thưởng của Kiểm toán nhà nước với nội dung, hình thức và các phong trào thi đua phù hợp để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện.
- Thực hiện các nhiệm vụ về thi đua - khen thưởng của Khối thi đua các Bộ, ngành Nội chính Trung ương.
- Phát động, triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng của Kiểm toán nhà nước theo quy định.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
- Sơ kết, tổng kết, phát hiện điển hình tiên tiến, đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình tiên tiến; tổ chức trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; xem xét, thẩm định và đề xuất các hình thức khen thưởng.
- Trích lập, huy động, quản lý và sử dụng quỹ thi đua - khen thưởng; quản lý, cấp phát hiện vật khen thưởng của Kiểm toán nhà nước theo phân cấp; làm thủ tục cấp, đổi hiện vật khen thưởng bị hư hỏng, thất lạc và xác nhận các hình thức khen thưởng.
- Xây dựng báo cáo thường xuyên, định kỳ (hàng tháng, 6 tháng, năm, giai đoạn) và đột xuất về công tác thi đua - khen thưởng của Kiểm toán nhà nước.
- Thực hiện công tác thi đua - khen thưởng của Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
- Phối hợp với Phòng Thư ký - Tổng hợp xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
- Quản lý công chức và người lao động thuộc ban.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước.