Quyết định 520/QĐ-TTg Phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021 - 2030
520/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
01-04-2021
01-04-2021
Thủ tướng Chính phủ Số: 520/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2021 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ CÁC CẤP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XlI về công tác dân số trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2021 - 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân số và phát triển, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân số đã được đề ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
- Nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác dân số và phát triển cho đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách về dân số, cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số.
- Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm năng lực quản lý, tổ chức, triển khai công tác dân số trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp.
2. Các mục tiêu cụ thể
a) Công tác đào tạo đội ngũ làm công tác dân số các cấp
Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.
b) Công tác bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dân số các cấp
- Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng dân số cơ bản cho đội ngũ công chức làm công tác dân số (tối thiểu 80% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản).
- Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức làm công tác dân số đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao (100% viên chức làm công tác dân số được bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số).
- Tối thiểu 90% nhân viên y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản ở các cơ sở y tế huyện và xã có kiến thức, kỹ năng cung cấp các dịch vụ dân số và phát triển.
- Tối thiểu 80% lãnh đạo y tế đơn vị y tế huyện và xã được bồi dưỡng về quản lý dân số và phát triển để thực hiện quản lý công tác dân số được giao.
- Hàng năm bồi dưỡng tập huấn kiến thức cho cộng tác viên dân số theo nhu cầu và khả năng của các địa phương.
II. NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, kịp thời cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý về dân số và phát triển, các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số với các nội dung:
1. Các kiến thức về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số; các nội dung về dân số và phát triển.
2. Cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý chuyên ngành; kiến thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
3. Nội dung về tư vấn và cung ứng các dịch vụ dân số.
4. Nội dung thông tin, thống kê chuyên ngành, gồm các kỹ năng xử lý văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm văn phòng; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin; các phần mềm chuyên ngành dân số; phương pháp thẩm định phúc tra số liệu.
5. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học: kỹ năng thực hành phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng, vấn đề chọn mẫu, chuẩn hóa bộ công cụ và thang đo, thiết kế và phân tích số liệu nghiên cứu, số liệu cơ bản, phân tích số liệu định tính sử dụng NVIVO, phân tích hồi quy và năng lực, kỹ năng khác về dân số.
6. Cơ chế chính sách, quy định pháp luật về dân số, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về dân số
- Nghiên cứu đẩy mạnh công tác đào tạo về dân số và phát triển trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dân số.
- Xây dựng các chương trình, tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số, phù hợp với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số.
- Khuyến khích tự học và đào tạo trình độ sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số phù hợp với chuyên môn, gắn với quy hoạch sử dụng lâu dài.
2. Hoàn thiện chương trình, tài liệu, đào tạo, bồi dưỡng
- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng về dân số và phát triển cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp, cộng tác viên dân số và các đối tượng khác làm công tác dân số.
- Xây dựng chương trình bồi dưỡng chuyên môn theo vị trí việc làm về dân số.
3. Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về dân số
- Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng: Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng y tế hiện có ở trung ương và địa phương. Tăng số lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tham gia giảng dạy về dân số. Tăng cường phối hợp với các trường đại học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển.
- Xây dựng đội ngũ giảng viên: Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao để đáp ứng nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số và cộng tác viên dân số.
Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý về dân số ở địa phương trở thành giảng viên tuyến tỉnh, để tham gia giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dân số và phát triển cho cán bộ của địa phương; xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng về dân số và phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực về tài chính, kiến thức, kinh nghiệm triển khai công tác dân số
- Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước để thu hút nguồn lực, kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển.
- Đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm quốc tế với các nước có điều kiện tương đồng về dân số; kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để vận dụng vào thực tiễn dân số tại Việt Nam.
- Khuyến khích hợp tác thu hút hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế; viện trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai Đề án.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án
- Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc triển khai Đề án nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng về dân số và phát triển.
- Xây dựng quy trình ISO về quản lý các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành, theo dõi, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng.
IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2021 đến hết năm 2030.
2. Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án
- Năm 2021: Cập nhật nội dung và biên soạn mới chương trình, giáo trình và tài liệu quy chuẩn; triển khai các chương trình bồi dưỡng; cải tạo nâng cấp cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
- Năm 2022 - 2024: Triển khai các chương trình bồi dưỡng.
- Năm 2025: Tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng, sơ kết Đề án.
- Năm 2026: Cập nhật nội dung và biên tập, bổ sung kiến thức chương trình, giáo trình và tài liệu quy chuẩn; tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng.
- Năm 2027 - 2029: Tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng.
- Năm 2030: Tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng, tổng kết, đánh giá chất lượng thực hiện Đề án.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chương trình tài liệu, đầu tư cơ sở vật chất được bố trí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.
- Khuyến khích thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số. Rà soát nội dung, bảo đảm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án không trùng lắp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khác.
- Tổ chức giám sát, kiểm tra; thường xuyên đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Y tế xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số trong từng giai đoạn phù hợp với năng lực, nhiệm vụ được giao; phối hợp tổ chức thực hiện mục tiêu của Đề án. Củng cố, tăng cường nguồn nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất về trang thiết bị, công nghệ thông tin và các điều kiện bảo đảm cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Y tế bố trí kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung các nội dung đào tạo về dân số và phát triển cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp và cộng tác viên dân số đến năm 2030 tại địa phương theo nội dung Đề án.
- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án.
- Định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.