Quyết định 519/QĐ-TTg Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn
519/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
16-04-2020
16-04-2020
Thủ tướng Chính phủ Số: 519/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2020 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DANH LAM THẮNG CẢNH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT NGŨ HÀNH SƠN
THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6
năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm
2014;
Căn cứ Nghị định số166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền,
trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch
sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du
lịch tại Tờ trình số59/TTr-BVHTTDL ngày 03 tháng 4 năm 2020.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (sau đây gọi là di tích), với các nội dung cụ thể sau đây:
1. Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của di tích, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
b) Ranh giới lập quy hoạch: Phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; Phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
2. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
a) Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, không gian cảnh quan, môi trường xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và giá trị cảnh quan thiên nhiên gắn với danh lam thắng cảnh.
b) Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.
c) Các yếu tố về đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư trong khu vực nghiên cứu; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích.
d) Các di tích, công trình, địa điểm du lịch và di sản văn hóa trong khu vực có mối liên hệ để kết nối, phát triển du lịch.
3. Mục tiêu lập quy hoạch
a) Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của Thành phố Đà Nẵng, điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.
b) Làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị đặc trưng, hệ sinh thái nguyên gốc của di tích.
c) Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật của khu vực di tích; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.
d) Định hướng lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển bền vững các loại hình du lịch.
đ) Làm căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan; để lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.
4. Nội dung Nhiệm vụ lập Quy hoạch
a) Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát; đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội và các nguồn lực phát triển khác trên địa bàn.
- Nghiên cứu khảo sát hệ thống di tích:
+ Khảo sát, đánh giá hiện trạng, đặc điểm, giá trị di tích; vai trò của di tích trong mối liên hệ vùng. Tình trạng kỹ thuật, quản lý sử dụng và phát huy giá trị di tích;
+ Nghiên cứu, đánh giá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương (sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán...);
+ Đánh giá tổng thể về hiện trạng phân khu chức năng của khu danh lam thắng cảnh, tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ các điểm di tích, các dự án có liên quan, các dự án hỗ trợ phát huy giá trị di tích trong vùng nghiên cứu từ các nguồn vốn đầu tư khác nhau trong giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch. Đánh giá kết quả, hiệu quả đầu tư các dự án, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm cơ sở đề xuất các giải pháp quy hoạch.
- Khảo sát, đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan:
+ Đánh giá hiện trạng di tích, hiện trạng các công trình kiến trúc xây dựng trong phạm vi quy hoạch;
+ Đánh giá vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng. Xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực;
+ Đánh giá hệ thống động vật, thực vật và môi trường sinh thái của khu vực; mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hóa;
+ Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch (giao thông, nguồn nước và cấp nước, nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện và thông tin liên lạc);
+ Bổ sung số liệu về các công trình, dự án đã và đang thực hiện trong khu vực danh lam thắng cảnh.
- Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực:
+ Đánh giá hiện trạng dân cư trong khu vực và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác; thực trạng hoạt động du lịch tại di tích;
+ Đánh giá mối liên hệ giữa bảo tồn di tích, di sản văn hóa phi vật thể và phát triển du lịch tại khu vực nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở đánh giá thực trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, sự phù hợp với các quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan
- Đánh giá tác động tới không gian kiến trúc cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch. Các nguyên nhân ảnh hưởng đến các dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu vực di tích.
- Phân tích tình hình thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích thời gian qua, làm cơ sở đánh giá sự thực tiễn bảo vệ khu vực với quy hoạch chuyên ngành khác. Xác định những vấn đề còn tồn tại chưa phù hợp trong quản lý, đầu tư phát triển khu vực để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.
b) Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích
- Nhận diện các yếu tố cấu thành di sản và các mặt giá trị; xác định giá trị, tiềm năng khai thác di tích trong hành trình Con đường di sản miền Trung.
- Xác định giá trị cấu trúc quy hoạch, nền cảnh thiên nhiên, không gian và cảnh quan; giá trị hình thức bố cục kiến trúc, kết cấu, vật liệu, phương thức xây dựng của quỹ kiến trúc; giá trị di sản văn hóa phi vật thể (Nghề thủ công truyền thống, văn hóa và nghi lễ - lễ hội); giá trị về môi trường sinh thái; các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ.
c) Xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích; kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích (trên cơ sở hiện trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của di tích) nhằm tạo lập không gian chuyển tiếp giữa các điểm di tích trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan phường Hòa Hải, sông Cổ Cò và các khu vực phụ cận.
Việc đề xuất mở rộng phạm vi quy hoạch phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học đã có, phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, các quy hoạch có liên quan; bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị với các hoạt động đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ văn hóa và quy định của pháp luật hiện hành.
d) Nội dung về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích
Định hướng bảo vệ, phát huy giá trị di tích cần phải dựa trên quan điểm lấy giá trị văn hóa, lịch sử làm động lực để vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương vừa là nguồn lực để bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa; việc phân loại và khoanh vùng ranh giới các khu vực bảo vệ, những chỉ tiêu cụ thể riêng biệt đối với từng khu vực, từng đối tượng di tích cần bảo vệ để quản lý, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện cụ thể
- Xác định nguyên tắc, phương hướng chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị di sản văn hóa của toàn khu vực nghiên cứu (dạng cơ cấu sử dụng đất ở phạm vi toàn bộ quận Ngũ Hành Sơn) và khu vực quy hoạch (phường Hòa Hải); danh mục các đối tượng di tích và mức độ cần bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích.
- Xác định khoanh vùng khu vực bảo tồn, xác định quy mô, phạm vi, mức độ và các tiêu chí bảo tồn, khai thác; xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình.
- Định hướng giải phóng mặt bằng, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm và phương án tái định cư trong khu vực di tích (nếu có).
- Đề xuất các hạng mục công trình cần xây dựng bổ sung để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Định hướng về phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng mới.
- Đề xuất khai thác, phát huy di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở lấy bảo tồn di sản là nhiệm vụ trung tâm, phát triển kinh tế-xã hội là quan trọng nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho di sản và chủ động ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng, xâm hại di sản.
- Đề xuất nội dung quản lý, bảo vệ, phòng trừ bệnh hại hệ thống cây xanh trong khu vực Danh lam thắng cảnh.
- Đề xuất giải pháp bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc tôn vinh giá trị di tích, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
đ) Xác định kế hoạch thực hiện Quy hoạch
- Đề xuất lộ trình thực hiện quy hoạch.
- Xác định kế hoạch công tác cắm mốc giới cho khu vực danh lam thắng cảnh sau khi có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch và các hoạt động khác theo quy định; kế hoạch triển khai các dự án tổng thể về đầu tư xây dựng, phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật.
- Xác định các nhóm dự án thành phần, dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư phù hợp với từng thời kỳ quy hoạch và khả năng đảm bảo nguồn lực thực hiện, gồm: Giải phóng mặt bằng và tái định cư; bảo tồn, tôn tạo di tích, bảo tồn cảnh quan sinh thái gắn với di tích; bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích và cộng đồng dân cư ở khu vực; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
- Đề xuất nguồn vốn, giải pháp huy động vốn và các nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư.
5. Thành phần hồ sơ và sản phẩm
a) Hình thức, quy cách thể hiện bản đồ, bản vẽ, thành phần hồ sơ sản phẩm bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác về xây dựng.
- Hệ thống bản đồ, bản vẽ, bao gồm:
+ Bản đồ vị trí và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch (Tỷ lệ 1/5.000 - 1/15.000);
+ Các bản đồ tỷ lệ 1/2.000, gồm: Bản đồ hiện trạng tổng hợp về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và đánh giá quỹ đất và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt (xây dựng trên nền bản đồ đo đạc địa hình khu vực đã được phê duyệt và còn hiệu lực); Bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích và khu vực cần giải tỏa vi phạm tại khu vực Danh lam thắng cảnh; Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị khu vực Danh lam thắng cảnh; Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật;
+ Các bản vẽ phối cảnh minh họa có liên quan khác (nếu có).
- Bản chụp các văn bản liên quan kèm theo, gồm: Ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng tại khu vực lập quy hoạch; Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch; văn bản thẩm định đồ án Quy hoạch di tích và các văn bản khác có liên quan.
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp đồ án Quy hoạch; Tờ trình phê duyệt quy hoạch và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Hồ sơ lưu trữ đồ án quy hoạch theo quy định của pháp luật về lưu trữ (bao gồm cả định dạng tài liệu điện tử đối với các thành phần hồ sơ nêu trên).
b) Tổ chức thực hiện
- Tiến độ: Thời gian lập quy hoạch không quá 18 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
- Trách nhiệm:
+ Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;
+ Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng;
+ Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Đơn vị tư vấn: Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.