Quyết định 496/QĐ-TTg Phê duyệt đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp
496/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
30-03-2021
30-03-2021
Thủ tướng Chính phủ Số: 496/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2021 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY, MẠNG LƯỚI VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vềcông tác dân số trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứsáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 02 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp gồm những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với công tác dân số và phát triển.
2. Nhà nước chăm lo, nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ về công tác dân số và phát triển cho mọi tầng lớp nhân dân.
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân số và phát triển; xây dựng mạng lưới, cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp với trọng tâm công tác dân số và phát triển, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
II. Mục TIÊU
1. Mục tiêu chung
Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính để giải quyết đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2021 - 2025
- Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành ở trung ương và củng cố ở địa phương nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành, cơ quan có liên quan đến lĩnh vực dân số và phát triển.
- Triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lồng ghép công tác gia đình, trẻ em vào nhiệm vụ của cộng tác viên dân số; khuyến khích sự tham gia tích cực và tình nguyện của cộng đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030
- Tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương.
- Triển khai và đánh giá kết quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
III. MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY, CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH, MẠNG LƯỚI CỘNG TÁC VIÊN
1. Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp
Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay; bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.
2. Cơ chế phối hợp liên ngành dân số và phát triển
Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành ở trung ương và địa phương. Căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế.
Tăng cường, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành về dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện nay để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về dân số và phát triển ở địa phương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế.
3. Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em
Triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện lồng chép các nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp
Tiếp tục quán triệt nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về các vấn đề liên quan đến công tác dân số trong tình hình mới; đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; vận động, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện chính sách dân số và phát triển.
Chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành; phân công nhiệm vụ, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn.
2. Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về dân số và phát triển
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số và phát triển.
Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tạo chuyển biến về nhận thức và thực hành về bình đẳng giới ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường; hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản ở thế hệ trẻ.
Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về chăm sóc người cao tuổi, hướng tới già hóa tích cực, chủ động.
3. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số và phát triển
Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số trong tình hình mới.
Rà soát, hoàn thiện chính sách, chế độ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
4. Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số và phát triển
Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số và phát triển. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số và phát triển nhằm nâng cao chất lượng dân số, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số và phát triển.
5. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và phát triển các cấp
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất.
Bảo đảm ổn định mạng lưới cộng tác viên dân số ở thôn, bản, tổ dân phố và có chính sách đãi ngộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên.
Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở trung ương, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về công tác dân số và phát triển, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, không phát sinh biên chế.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ về dân số và phát triển; dự báo, cung cấp số liệu dân số nhanh chóng, kịp thời, chính xác cho việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu, đánh giá tác động về dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Khảo sát, đánh giá, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về dân số và phát triển cho đội ngũ cán bộ dân số từ trung ương đến địa phương.
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân số và phát triển của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung về dân số vào các hoạt động của ngành, đơn vị.
Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực dân số và phát triển thông qua hệ thống đào tạo trong và ngoài nước.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế
Chủ trì thực hiện đề án, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án; kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện đề án định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì rà soát, xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về dân số và phát triển; thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại cơ sở; đánh giá hiệu quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại cơ sở; đánh giá hiệu quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại cơ sở; đánh giá hiệu quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em.
4. Bộ Nội vụ
Phối hợp với Bộ Y tế kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số và phát triển.
5. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án; giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay; kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em tại các thôn, bản, tổ dân phố.