Quyết định 462/QĐ-TTg Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
462/QĐ-TTg
Quyết định
Còn hiệu lực
07-04-2020
07-04-2020
Thủ tướng Chính phủ Số: 462/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2020 |
Quyết định
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỈNH BÌNH DƯƠNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm
2017;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày
22 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan
đến quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14
ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số
điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05
tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13
tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02
tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được
tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy
định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07
tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Quy hoạch năm 2017;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình
Dương tại Tờ trình số 1187/TTr-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2020 về việc phê duyệt
nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050; Báo cáo thẩm định số 1301/BC-HĐTĐ ngày 02 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng
thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh
Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo số 49/BC-UBND
ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tiếp thu,
giải trình ý kiến thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung như sau:
I. TÊN QUY HOẠCH
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
II. PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi ranh giới quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên là 2.694,64 km2, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố (03 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; 02 thị xã: Tân Uyên, Bến Cát và 04 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên); ranh giới:
- Phía Bắc: giáp tỉnh Bình Phước;
- Phía Nam: giáp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Phía Đông: giáp tỉnh Đồng Nai;
- Phía Tây: giáp tỉnh Tây Ninh.
Tọa độ địa lý tỉnh: nằm từ 10°52’00” đến 11°30’00” vĩ độ Bắc và 106°20’00” đến 106°57’00” kinh độ Đông.
2. Thời kỳ quy hoạch:
- Thời kỳ quy hoạch: 2021-2030.
- Tầm nhìn dài hạn: đến năm 2050.
III. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH
1. Quan điểm lập quy hoạch:
- Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế của tỉnh Bình Dương luôn là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước. Xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển thịnh vượng; đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp, thông minh.
- Đảm bảo sự tương thích, tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017. Đồng thời, quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh; vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo.
- Đảm bảo đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước có tác động trực tiếp đến phát triển của tỉnh, của vùng, đặc biệt là kết nối giữa tỉnh Bình Dương với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên các lĩnh vực quan trọng như: phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, kết nối hạ tầng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và các cân đối cung - cầu thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Trong quá trình xác định các phương án phát triển, cần chỉ ra các đặc thù, lợi thế so sánh quan trọng nhất của tỉnh nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng; đồng thời, nghiên cứu đổi mới, sáng tạo để tỉnh đi đầu cả nước trong nhiều ngành, lĩnh vực then chốt.
2. Nguyên tắc lập quy hoạch:
Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch năm 2017. Cụ thể:
- Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên địa bàn tỉnh; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên;
- Thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia;
- Bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học;
- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất;
- Bảo đảm tính khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để lập các nội dung quy hoạch; bảo đảm tính thị trường trong các yếu tố phân tích, lựa chọn đánh giá các yếu tố đầu vào và các yếu tố đầu ra trong quá trình xây dựng các nội dung quy hoạch;
- Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch; tính tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của tỉnh; bảo đảm khả năng giải trình; bảo đảm tính khách quan, công khai và minh bạch.
3. Mục tiêu lập quy hoạch:
- Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
- Quy hoạch tỉnh phải đưa ra các quan điểm phát triển, tầm nhìn và mục tiêu phát triển mới cho tỉnh; đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược; đề xuất danh mục các dự án đầu tư quan trọng, cũng như chuẩn bị nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh theo các kịch bản khác nhau.
- Quy hoạch tỉnh phải định hướng phân bố không gian có tính chiến lược các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là không gian cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu đặt trong tổng thể vùng, quốc gia và những khu vực có vai trò động lực phát triển của tỉnh; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ, thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh.
- Quy hoạch tỉnh là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển trong dài hạn; là cơ sở để xây dựng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo tính khách quan, khoa học; là cơ sở để lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị - nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành tại tỉnh; là cơ sở để loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng cho người dân, doanh nghiệp và là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống, làm việc cũng như giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của tỉnh Bình Dương.
III. NỘI DUNG CỦA QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch:
a) Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên;
b) Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện;
c) Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai;
d) Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
2. Xác định nội dung lập quy hoạch:
a) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương;
b) Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn;
c) Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước;
d) Xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh:
- Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh;
- Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh;
- Lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội;
- Phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phương án phát triển đô thị và các thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh;
- Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao; khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phương án phát triển các cụm công nghiệp;
- Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phân bố hệ thống điểm dân cư;
- Xác định khu quân sự, an ninh; phương án phát triển những khu vực khó khăn; phương án phát triển những khu vực có vai trò động lực;
- Phương án phát triển mạng lưới giao thông;
- Phương án phát triển mạng lưới cấp điện; mạng lưới viễn thông; mạng lưới thủy lợi, cấp nước; mạng lưới thủy lợi, cấp nước liên huyện; các khu xử lý chất thải;
- Phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;
- Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
- Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
- Phương án cụ thể cho việc phát triển nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn lực, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình mà địa phương đã cam kết;
- Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;
- Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên;
- Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
- Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; - Xây dựng danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;
- Xây dựng báo cáo quy hoạch gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh;
đ) Yêu cầu về các nội dung đề xuất: các nội dung đề xuất nghiên cứu để đưa vào quy hoạch tỉnh phải có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương, xuất phát từ nhu cầu phát triển, yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương;
e) Yêu cầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
IV. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về phương pháp lập quy hoạch:
Sử dụng các phương pháp tiếp cận khoa học, phù hợp với thực tiễn như: tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực; tiếp cận tổng thể, liên ngành, liên vùng; tiếp cận tích hợp, lồng ghép; tiếp cận dựa trên nguyên tắc thị trường.
2. Các phương pháp lập quy hoạch:
Sử dụng các phương pháp lập quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và có độ tin cậy cao, cụ thể:
- Phương pháp tích hợp quy hoạch;
- Phương pháp dự báo phát triển và quy hoạch chiến lược;
- Phương pháp phân tích hệ thống; phương pháp phân tích, đánh giá tổng hợp; phương pháp so sánh; phương pháp kịch bản;
- Phương pháp chuyên gia và tham vấn các bên liên quan;
- Các phương pháp phân tích chuyên ngành khác, như phương pháp chồng lớp bản đồ với việc áp dụng công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin địa lý (GIS);
- Phương pháp phân tích hệ thống, so sánh, tổng hợp, mô hình tối ưu, mô hình toán, phân tích ma trận SWOT.
V. THÀNH PHẦN HỒ SƠ, CHI PHÍ, TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần hồ sơ quy hoạch:
a) Văn bản
- Tờ trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh;
- Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh;
- Báo cáo quy hoạch tỉnh gồm Báo cáo tổng hợp và Báo cáo tóm tắt; các phụ lục, sơ đồ của quy hoạch tỉnh;
- Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược;
- Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan khác.
Số lượng và tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch theo quy định.
b) Hệ thống bản đồ và sơ đồ phân tích
Danh mục và tỷ lệ bản đồ quy hoạch tỉnh quy định tại mục IX Phụ lục I của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017. Bao gồm:
- Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh;
- Các bản đồ về hiện trạng phát triển;
- Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng;
- Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn;
- Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng;
- Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;
- Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
- Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất;
- Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;
- Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu;
- Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
- Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;
- Hệ thống bản đồ chuyên đề (nếu có);
- Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển khu vực trọng điểm của tỉnh (nếu có).
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch
Thực hiện theo Điều 39, Điều 40 của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017.
2. Chi phí lập quy hoạch:
Thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Thời hạn lập quy hoạch:
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức lập và hoàn thành lập quy hoạch tỉnh không quá 18 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017 và quy định pháp luật liên quan;
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện lập quy hoạch.