KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
VỀ CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số
452/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 03 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải)
Kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận
tải về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn
2021 - 2025 để cụ thể hóa thực
hiện các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tài
nguyên, môi trường trong ngành GTVT nhằm phát triển giao thông vận tải bền
vững, thân thiện môi trường.
I. MỤC TIÊU
1. Về ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu
trong cập nhật, xây dựng mới 100% quy hoạch phát triển GTVT.
b) Từng bước nâng cao khả năng chống chịu
biến đổi khí hậu đối với kết cấu hạ tầng GTVT, nhất là tại khu vực miền núi và
đồng bằng sông Cửu Long.
c) Thực hiện giảm phát thải khí nhà
kính trong hoạt động GTVT, góp phần
vào mục tiêu giảm 7,3% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) của quốc
gia.
2. Về quản lý tài nguyên
a) Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng
tài nguyên thiên nhiên trong các hoạt động của ngành GTVT.
b) Tiếp tục thúc đẩy sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng trong GTVT theo
hướng tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
3. Về bảo vệ môi trường
a) 100% quy hoạch phát triển GTVT được
đánh giá môi trường chiến lược theo quy định.
b) 100% dự án đầu tư, công trình xây dựng
kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy
định.
c) Kiểm soát cơ bản được nguồn gây ô nhiễm
môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy
nội địa và hàng hải, hàng không.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Nâng cao nhận
thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đội ngũ cán bộ, công
chức ngành GTVT
a) Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên
truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật, tạo sự thống nhất trong toàn Ngành về
nhận thức và hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên
và bảo vệ môi trường; tổ chức thường xuyên hoạt động hưởng ứng các ngày môi
trường.
b) Tiếp tục lồng ghép nội dung về thích
ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, quản lý và sử dụng
đất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo, đánh
giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải,
.v.v. trong công tác đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động ngành GTVT.
c) Tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức,
cá nhân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện GTVT thân thiện
với môi trường.
d) Phát huy vai trò của truyền thông, gia
tăng số lượng, chất lượng tin, bài tuyên truyền, phổ biến về ứng phó với biến
đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường GTVT trên các ấn phẩm và
trên các trang thông tin điện tử.
đ) Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ
chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong công tác ứng phó với biến đổi khí
hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường GTVT.
2. Tăng cường khả
năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với kết cấu hạ tầng GTVT
a) Lồng ghép thực hiện Kế hoạch quốc gia
thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát
triển GTVT giai đoạn 2021 - 2025; nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công
trình giao thông đường bộ, đường
thủy ở những vùng thường bị đe dọa bởi lũ, lụt, nước biển dâng, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình
giao thông đường bộ có khả năng chống chịu với sạt lở đất khu vực miền núi phía
bắc và Tây Nguyên.
b) Rà soát sửa đổi bổ sung các tiêu chuẩn,
quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật
xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa,
hàng hải và hàng không nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
c) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công
nghệ tiên tiến, vật liệu mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
d) Vận động, thu hút sự tham gia của các
tổ chức tài chính, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ triển
khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong GTVT.
đ) Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng
thủy văn và năng lực dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai, hiện tượng khí
hậu cực đoan.
e) Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ
sở dữ liệu biến đổi khí hậu,
khung hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí
hậu; tăng cường năng lực phân tích, đánh giá tác động, rủi ro biến đổi khí hậu; hướng dẫn xác định, lựa chọn hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Nâng cao năng lực
quản lý phát thải khí nhà kính trong ngành GTVT
a) Tăng cường năng lực đội ngũ công chức
quản lý phát thải khí nhà kính trong toàn Ngành.
b) Xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý phát thải khí nhà kính trong ngành GTVT
phù hợp với Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các điều ước quốc tế trong lĩnh
vực hàng hải và hàng không mà Việt Nam là thành viên.
c) Xây dựng và triển khai hệ thống giám
sát, báo cáo, thẩm định (MRV) điện tử cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà
kính ngành GTVT.
d) Thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong ngành GTVT định kỳ 02 năm
một lần; nghiên cứu, cập nhật các kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
trong GTVT đến năm 2050 theo hướng phát triển các-bon thấp.
đ) Xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2
trong hàng không dân dụng giai đoạn
2021 - 2025; nghiên cứu, đánh giá, chuẩn bị cho lĩnh vực hàng không tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon
theo quy định của Tổ chức Hàng không
dân dụng thế giới (ICAO).
e) Nghiên cứu xây dựng lộ trình quốc gia về giảm phát thải khí
thải từ hoạt động của tàu biển theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải thế giới
(IMO).
g) Xúc tiến hợp tác quốc tế, tranh thủ
nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong đào tạo nâng cao năng lực và xây
dựng chính sách, pháp luật về quản lý phát thải khí nhà kính trong GTVT.
4. Đẩy mạnh công tác
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT
a) Nghiên cứu xây dựng chương trình, đề án
quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải
công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện.
b) Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc về mức tiêu thụ nhiên liệu
(năng lượng) đối với xe ô tô con đến 09 chỗ ngồi và xe mô tô, xe gắn máy sản
xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; nghiên cứu, xây dựng quy định về dán nhãn năng
lượng cho xe ô tô điện, ô tô hybrid điện, xe mô tô điện, xe gắn máy điện sản
xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
c) Chủ động theo dõi, tổ chức triển khai các quy định của
IMO và ICAO về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực hàng hải
và hàng không dân dụng.
d) Tiếp tục thúc đẩy phát triển vận tải
hàng hóa đa phương thức; nâng cao thị phần của hệ thống vận tải đường sắt,
đường thủy nội địa và vận tải biển.
đ) Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ
vận tải hành khách công cộng
tại các đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phương thức vận tải nhanh, khối lượng
lớn như MRT, BRT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; ưu tiên đầu tư, khai thác vận hành các loại xe buýt, xe taxi tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường như: xe
hybrid; xe sử dụng nhiên liệu CNG, LPG; xe điện; .v.v.
e) Tăng cường ứng dụng năng lượng tái tạo,
công nghệ ít tiêu tốn năng lượng như pin năng lượng mặt trời, đèn LED, .v.v.
vào các hạng mục chiếu sáng,
báo hiệu giao thông, .v.v. trong dự án đầu tư và công trình bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT.
g) Mở rộng ứng dụng công nghệ thu phí
không dừng trên các tuyến
quốc lộ, đường cao tốc.
h) Triển khai các giải pháp tiết kiệm năng
lượng trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay; tiếp tục nghiên cứu
tối ưu hóa đường bay, phương pháp bay nhằm tiết kiệm nhiên liệu trong hoạt động bay.
5. Quản lý và sử dụng
hiệu quả tài nguyên trong các hoạt động của ngành GTVT
a) Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên
đất, giảm thiểu tác động đến cảnh
quan thiên nhiên, hệ sinh thái trong lập và thực hiện
quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển GTVT.
b) Lồng ghép thực hiện biện pháp sử dụng
tiết kiệm, hợp lý các loại vật liệu là tài nguyên thiên nhiên (đất, đá, cát
sỏi, .v.v.) trong các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
c) Nghiên cứu sử dụng vật liệu tái chế,
tái sử dụng đất đào, bùn cát nạo vét trong đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
6. Tăng cường bảo vệ
môi trường trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và bảo trì kết cấu hạ
tầng GTVT
a) Rà soát bổ sung, sửa đổi và xây dựng hệ
thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong công tác quy hoạch, đầu tư phát
triển và bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT cho phù hợp với Luật bảo vệ
môi trường năm 2020.
b) Tuân thủ quy định pháp luật về đánh giá môi trường chiến
lược trong xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phát triển GTVT.
c) Nâng cao chất lượng công tác lập báo
cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trong chuẩn bị dự
án đầu tư và công trình bảo
trì kết cấu hạ tầng GTVT.
d) Lồng ghép các biện pháp giảm thiểu tác
động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, công
trình bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT vào hồ sơ mời thầu và hợp đồng với nhà thầu
thi công xây dựng.
đ) Tổ chức thực hiện nghiêm biện pháp giảm
thiểu tác động xấu đến môi trường (nhất là các biện pháp
ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải), công tác quản lý chất thải, công
tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi
trường, sự cố tràn dầu và
công tác quan trắc, giám sát
môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
e) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn
đốc việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình thi
công xây dựng.
7. Kiểm soát phát thải
các loại chất thải từ hoạt động của phương tiện, thiết bị GTVT
a) Triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải
mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; nghiên cứu đề xuất
nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sản
xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
b) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy định
về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trong xây dựng
Luật giao thông đường bộ sửa đổi; tổ chức mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy phù hợp với Luật giao thông đường bộ
sửa đổi; nghiên cứu áp dụng phương pháp kiểm tra có tải đối với xe ô tô đang lưu hành.
c) Rà soát sửa đổi, bổ sung hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm đối
với phương tiện thủy nội địa, tàu biển theo quy định pháp luật của Việt Nam và
Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
d) Xây dựng đề án gia nhập Công ước quốc
tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu 2004 (Công ước BWM 2004), Công ước quốc tế
Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường năm 2010 (Công
ước SR 2010).
đ) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt
động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải từ phương tiện giao thông
tại nhà ga, cảng, bến.
e) Nâng cao năng lực, đầu tư phương tiện, trang
thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật
phục vụ công tác kiểm định về bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị
GTVT.
g) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong quản lý,
xử lý chất thải từ hoạt động của phương tiện, thiết bị GTVT.
8. Thúc đẩy doanh
nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giao thông vận tải xanh
a) Đẩy mạnh thiết lập, triển khai quản lý
môi trường theo ISO 14001 và quản lý năng lượng theo ISO 5001.
b) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
và tổ chức thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý hoặc hợp đồng với các tổ chức có
chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định;
thu gom, xử lý triệt để nước thải, đáp ứng quy chuẩn môi trường; thực hiện quan
trắc định kỳ các thông số môi trường về nước thải, khí thải, tiếng
ồn, độ rung, .v.v. theo quy định.
c) Quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và
giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo
quy định pháp luật và Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Bộ
trưởng Bộ GTVT.
d) Tổ chức triển khai Đề án phát triển
cảng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 2027/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2020 của Bộ
Giao thông vận tải.
đ) Xây dựng năng lực và chủ động tổ chức
thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố tràn dầu, sự cố tràn hóa chất
trong phạm vi trách nhiệm theo quy định.
e) Hoàn thiện xây dựng bản đồ tiếng ồn đối
với các cảng hàng không, sân bay và phương án giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do
hoạt động hàng không dân dụng.
g) Tăng cường đầu tư sử dụng công nghệ,
phương tiện, thiết bị mới, thân thiện môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng
năng lượng và giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức
năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ
chức triển khai phù hợp các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành động trong chương trình, kế hoạch
công tác hàng năm.
2. Giao trách nhiệm cụ thể cho một số cơ
quan, đơn vị như sau:
a) Vụ Môi trường:
- Là đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực
hiện; tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Kế hoạch hành động theo yêu
cầu.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc
Bộ đề xuất, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành
động.
- Chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ
tại điểm b, c, d mục 3 và điểm a, e mục 6 Phần II.
b) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì tham mưu thực
hiện các nhiệm vụ tại điểm đ mục 1 và điểm a mục 3 Phần II.
c) Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì tham mưu
thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a mục 2, điểm a mục 5 và điểm b mục 6 Phần II.
d) Vụ Vận tải chủ trì tham mưu thực hiện
nhiệm vụ tại điểm d mục 4 Phần II.
đ) Vụ Khoa học - Công nghệ chủ trì tham
mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khoa học - công nghệ để thực hiện
các nhiệm vụ tại điểm b, c mục 2 và điểm c mục 5 Phần II.
e) Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại điểm
b mục 4 và điểm a, b, c, e mục 7 Phần II.
g) Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì thực hiện
các nhiệm vụ tại điểm e mục 3, điểm d mục 7 và điểm d mục 8 Phần II.
h) Cục Hàng không Việt Nam chủ trì thực
hiện nhiệm vụ tại điểm đ mục 3 Phần II; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cảng
hàng không, sân bay thực hiện nhiệm vụ tại điểm e mục 8 Phần II.
i) Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành
phố chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ tại điểm đ mục 4 Phần II.
k) Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chủ trì thực hiện nhiệm vụ tại điểm a mục 4 Phần II.
l) Trường Cán bộ quản lý GTVT chủ trì thực
hiện nhiệm vụ tại điểm b mục 1 Phần II.
m) Ban quản lý dự án và chủ đầu tư các dự
án đầu tư, các công trình bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT chủ trì thực hiện các
nhiệm vụ tại điểm e mục 4, điểm b mục 5 và điểm c, d, đ mục 6 Phần II./.