ĐỀ
ÁN
XÂY
DỰNG, QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA “NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN
2020-2030
(Kèm theo Quyết định số: /QĐ - BVHTTDL ngày tháng
năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
I. SỰ CẦN
THIẾT
- Nghề Sơn là một nghề cổ
truyền của Việt Nam có lịch sử phát triển lâu dài từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn
đến nay và gắn liền với sự hình thành của nhiều làng nghề nổi tiếng. Từ thế kỷ
XV-XVI, sơn mài đã đạt được những thành tựu nhất định trong kỹ thuật pha chế
sơn, trong đó sơn ta là nguyên liệu chính để làm nên độ bền đẹp cho tác phẩm
nghệ thuật, bên cạnh các loại nguyên vật liệu khác như cốt, phụ gia, màu sắc,
nguyên liệu (vàng, bạc quỳ) và kỹ thuật thực hiện. Sơn ta trồng ở các vùng
trung du phía Bắc nước ta, tập trung ở Phú Thọ nơi có kinh nghiệm nhiều năm ươm
trồng và khai thác chất lượng nhựa tốt nhất. Sơn ta được người Việt sử dụng làm
chất gắn kết các đồ vật bằng tre, gỗ, giấy, vải,… trang trí kiến trúc, trang
trí bề mặt các đồ vật, vừa làm tăng độ bền vừa làm tăng giá trị thẩm mỹ cho sản
phẩm. Chất liệu sơn ta được sử dụng cho tất cả các sản phẩm mỹ nghệ, trong cuộc
sống dân gian đến cung đình, trong quá trình giao thương và trao đổi hàng hóa
thủ công mỹ nghệ với các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á hoặc các quốc gia
phương Tây khác thông qua các thương cảng ở Việt Nam vào thế kỷ XVI, XVII.
- Trong lịch sử phát triển
đó, mỗi quốc gia từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam đều ứng dụng
nhựa sơn vào trang trí kiến trúc, sản phẩm mỹ thuật, sản phẩm gia dụng…tuy
nhiên, mỗi quốc gia vẫn có những sáng tạo riêng, góp phần tạo làm nên sự phong
phú cho nghệ thuật sơn mài thế giới, trong đó có Việt Nam thông qua kỹ thuật
sơn mài.
- Sự ra đời của trường Cao
đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, đã đánh dấu sự ra đời của tranh Sơn mài Việt
Nam thông qua những bài học trường quy về việc thể nghiệm bài học phương Tây
trên nền chất liệu sơn ta truyền thống vào những năm 30 của thế kỷ XX. Sự kết
hợp giữa nghệ thuật phương Tây và chất liệu sơn ta truyền thống của Việt Nam đã
đánh dấu một bước phát triển mới, đưa nghệ thuật sơn truyền thống mang đậm tính
trang trí sang lĩnh vực hội họa. Sự phát triển tiếp nối mạch nguồn từ sơn ta
đến sơn mài được coi là một dòng chảy không gián đoạn giữa quá khứ và hiện tại,
cung cấp cho chúng ta những giá trị về lịch sử Sơn mài Việt Nam, đánh dấu sự
thay đổi từ sơn mài thủ công truyền thống ở vai trò nghệ nhân, làng nghề, sản
phẩm có tính công năng sang Nghệ thuật Sơn mài hiện đại trong vai trò nghệ sĩ
sáng tác độc lập và mang tính thưởng ngoạn. Sự chuyển đổi này cũng thể hiện
việc thay đổi của chức năng sản phẩm, mục đích sử dụng, kỹ thuật thể hiện, vai
trò của chủ thể sáng tác… duy vẫn có điểm chung đó là chất liệu. Điều đó có
nghĩa là cây Sơn vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên
vật liệu để sản xuất (sản phẩm thủ công mỹ nghệ) và sáng tác (tác phẩm sơn
mài). Sự chuyển tiếp từ nghệ thuật thủ công truyền thống sang nghệ thuật thưởng
ngoạn thông qua kỹ thuật mài cho thấy sự truyền cảm của chất liệu trong mạch
nguồn văn hóa truyền thống của cha ông, sự độc đáo và sức hấp dẫn của chất liệu
khiến tranh Sơn mài Việt Nam trở nên khác biệt với mọi loại hình nghệ thuật
khác, trở thành sản phẩm độc đáo của người Việt Nam phản ánh giá trị thẩm mỹ
của người Việt từ trước đến nay.
- Quan tâm tới sự phát triển
của nghề Sơn và Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, trong những năm gần đây Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, các Viện nghiên cứu, đơn vị đào tạo mỹ thuật, bảo
tàng trong nước và các tổ chức nước ngoài đã quan tâm, tổ chức hội thảo liên
quan đến nghề Sơn Việt Nam, lịch sử, thành tựu và hạn chế, giải pháp và hướng
phát triển… cho thấy vai trò của nghề Sơn và Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam hiện
nay. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” là điều cần
thiết dựa trên cơ sở nền tảng truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa
dân tộc. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập với thị trường
văn hóa quốc tế, góp phần quảng bá nghệ thuật, phát triển du lịch, kinh tế, xã
hội của đất nước, đồng thời thiết lập thói quen sử dụng của người dân trong
nước và bạn bè quốc tế với các sản phẩm, tác phẩm sơn mài của Việt Nam.
II. CĂN
CỨ THỰC HIỆN
- Quyết định số 1755/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát
triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
- Quyết định số
3605/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể hóa và
Du lịch về việc xây dựng Đề án thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp
ảnh;
- Quyết định số
900/QĐ-BVHTTDL ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể hóa và Du
lịch về việc ban hành Kế hoạch của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện
Quyết định số 1755/QĐ-TTg.
III. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thúc đẩy sự phát triển của
Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam góp phần phát triển thị trường văn hóa, đóng góp
vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc
tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hóa.
- Góp phần chấn hưng và
khẳng định giá trị của Sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới
thiệu các sản phẩm, tác phẩm Sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ
thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp,
làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài
trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế.
- Góp phần bảo tồn, phát huy
giá trị truyền thống nghệ thuật Sơn mài Việt Nam. Tôn vinh chất liệu, người
trồng cây và người làm công cụ. Tạo điều kiện, đầu tư, hỗ trợ, phát triển vùng
trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác
sơn mài. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội về vị trí, vai trò cây
Sơn.
- Là cơ sở đầu tư giáo dục,
đổi mới chương trình đào tạo sáng tác trên chất liệu sơn mài trong các trường
nghệ thuật theo hướng giữ gìn, phát huy truyền thống nghề Sơn, mở các lớp đào
tạo sơn mài truyền thống. Có chính sách khuyến khích con em nghệ nhân học hỏi,
duy trì nghề thuyền thống của cha ông, hạn chế sự già hóa nghệ nhân tại các
làng nghề thủ công truyền thống.
2. Yêu cầu
- Khảo sát các làng nghề,
hoạt động sáng tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm để nhận diện thương hiệu.
- Xây dựng những tiêu chí,
quy chuẩn về chất liệu, kỹ thuật, quy trình chế tác sản phẩm, tác phẩm Sơn mài
Việt Nam đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia.
- Xây dựng, quản lý, phổ
biến, sử dụng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật Sơn mài Việt
Nam”.
IV. NỘI
DUNG
1. Tên
gọi, thời gian
- Tên gọi: Thương hiệu Quốc
gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”.
- Thời gian thực hiện Đề án:
từ năm 2020 đến năm 2030.
2. Các
nội dung thực hiện Đề án
a) Xây dựng logo nhãn hiệu
công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”
b) Tiêu chuẩn về nguyên liệu
làm sản phẩm sơn mài:
- Sơn vẽ (sơn chín): sơn
cánh gián và sơn then, sơn tổng hợp (với đồ thủ công mỹ nghệ), sơn mạt
dầu và sơn dọi nhất có tỷ lệ laccol cao, cho độ trong, độ bóng tốt và độ bền
vật liệu cao.
- Màu vẽ: các màu tự nhiên
chiết xuất từ thần sa, chu sa (son trai, son tươi, son nhì, son thắm); sơn tổng
hợp; bột màu vẽ sơn mài và một số loại phẩm màu.
- Quỳ vàng, quỳ bạc: sản
xuất tại làng nghề. Một số quỳ vàng, quỳ bạc công nghiệp dùng trong sơn mài mỹ
nghệ.
c) Tiêu chuẩn về nguyên liệu
làm tác phẩm (tranh Hội họa Sơn mài)
- Vóc (cốt) sử dụng gỗ dán
hoặc vật liệu không cong, vênh, chịu được nhiệt độ thấp; Vải màn, mùn cưa, đất
phù sa, sơn sống chế từ nhựa cây sơn ta để làm vóc (cốt).
- Sơn vẽ (sơn chín): Sơn
cánh gián và sơn then được điều chế từ nhựa cây sơn ta với thành phần chính là
sơn mật dầu và sơn dọi nhất có tỷ lệ laccol cao, cho độ trong, bóng tốt và độ
bền vật liệu cao, pha với nhựa thông (hoặc dầu trẩu, dầu trám, nhựa dó) theo tỉ
lệ phù hợp.
- Màu vẽ: các màu tự nhiên
chiết xuất từ thần sa, chu sa (son trai, son tươi, son nhì, son thắm), bột màu
vẽ sơn mài.
- Quỳ vàng, quỳ bạc sản xuất
tại làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm - Hà Nội) và các vùng, làng nghề làm nguyên liệu để
chế tác tranh sơn mài.
- Các dụng cụ vẽ (mo, thép,
cưa, đục, dao cẩn trứng...) được sản xuất thủ công tại các làng nghề.
d) Quy trình chế tác sản
phẩm và tác phẩm sơn mài đạt chuẩn thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài
Việt Nam”
- Quy trình làm cốt vóc theo
phương pháp truyền thống.
- Quy trình vẽ phủ lớp và
thể hiện các kỹ thuật tạo chất bề mặt mang đặc trưng kỹ thuật, chất liệu sơn
mài Việt Nam (vẽ bằng chất liệu sơn mài; có độ sâu của các lớp màu, sơn kết hợp
hiệu quả tạo chất của các chất liệu vàng, bạc, trai, trứng).
- Quy trình ủ.
- Quy trình mài thô, mài
tinh, mài moi chi tiết.
- Quy trình đánh bóng, hoàn
thiện sản phẩm - tác phẩm (toát phủ tạo lớp màng bảo quản, chống oxi hóa, tăng
độ bền chất liệu).
đ) Các hoạt động quảng bá,
tuyên truyền giới thiệu về Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam trong nước và nước
ngoài.
- Triển lãm thường kỳ các bộ
sưu tập “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, Sản phẩm Sơn mài Việt Nam”;
- Tổ chức các workshop, hội
thảo, toạ đàm, trình diễn quy trình chế tác sản phẩm, tác phẩm theo tiêu chuẩn
thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”;
- Tổ chức tour du lịch khám
phá, trải nghiệm và thực hành sáng tạo nghề Sơn mài truyền thống Việt Nam;
- Tổ chức các hội chợ tác
phẩm và sản phẩm Sơn mài Việt Nam;
- Xuất bản sách, dựng phim
tài liệu, làm video clip về Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam;
- Tổ chức thiết kế, sản xuất
và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quà tặng lưu niệm, quà tặng du lịch chế tác bằng
sơn mài Việt Nam.
e) Tổ chức Liên hoan Nghệ
thuật Sơn mài quốc tế tại Việt Nam:
- Đăng cai tổ chức 02
năm/lần Liên hoan Nghệ thuật Sơn mài quốc tế tại Việt Nam với sự tham gia của
các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...
- Tổ chức Hội thảo về chất
liệu, kỹ thuật, quy trình chế tác và những vấn đề để phát triển sơn mài, phát
triển vùng nguyên liệu sơn mài.
- Trao đổi, ký kết các thỏa
thuận về kinh doanh, sản xuất, mua, bán các sản phẩm, tác phẩm sơn mài.
V. KẾ
HOẠCH XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU “NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM”
1.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
- Đẩy mạnh thông tin, truyền
thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và
toàn xã hội về vị trí, vai trò của cây Sơn và các vùng làm nguyên liệu để chế
tác sơn mài. Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, làng nghề và nghệ nhân,
nghệ sỹ trong việc đầu tư cho sơn mài là một phần quan trọng trong việc phát
triển công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm, tác
phẩm sơn mài.
- Khuyến khích và tạo điều
kiện để các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân đầu tư sáng tác bằng
Sơn ta truyền thống.
- Huy động sự tham gia rộng
rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên
truyền, phổ biến những giá trị truyền thống, giá trị thẩm mỹ, văn hóa của các
sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Sơn mài và Hội họa Sơn mài Việt Nam.
2.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
- Xây dựng cơ chế, chính
sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm, tác phẩm “Nghệ thuật Sơn
mài”.
- Khuyến khích sáng tạo, đổi
mới phương thức hỗ trợ, đầu tư cho doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân,
thợ thủ công mỹ nghệ sơn mài.
- Có chính sách hỗ trợ vùng
trồng cây Sơn và các làng nghề sản xuất nguyên vật liệu đề làm sơn mài, đảm bảo
đáp ứng nguồn cung cấp nguyên liệu ở trong và ngoài nước.
3. Đẩy
mạnh phát triển nguồn nhân lực
- Thúc đẩy công tác đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ về sáng tác, thể hiện tác phẩm, sản phẩm sơn mài
cho các họa sĩ, nghệ nhân.
- Phối hợp với các trường mỹ
thuật, trường dạy nghề, cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng và đổi mới chương
trình đào tạo sáng tác bằng chất liệu sơn mài trong các trường Đại học, Cao
đẳng chuyên nghiệp về mỹ thuật theo hướng giữ gìn, phát huy truyền thống nghề
sơn và tiếp cận công nghệ mới trong khu vực và quốc tế để phát triển các sản
phẩm, tác phẩm sơn mài.
4. Tăng
cường ứng dụng khoa học và công nghệ
- Ứng dụng các trang thiết
bị kỹ thuật công nghệ trong nông nghiệp để phát triển vùng trồng cây Sơn; vùng
làm nguyên liệu (vàng quỳ, bạc quỳ) và các nguyên vật liệu làm sơn mài, khai
thác công nghệ thông tin và phối hợp với đối tác quốc tế trong xúc tiến quảng
bá, giới thiệu. Lựa chọn những công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về sơn
mài để giới thiệu, xuất bản, phổ biến.
- Khuyến khích các nhà khoa
học tham gia vào công nghệ chế biến chất liệu Sơn ta để chế tác sản phẩm, tác
phẩm sơn mài.
- Nghiên cứu chất liệu sơn
mài, đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống; ứng dụng để sáng tạo ra các
tác phẩm, sản phẩm sơn mài có tính thẩm mỹ, độc đáo, phù hợp với môi trường
sống của xã hội đương đại, mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích thiết thực.
5. Thu
hút và hỗ trợ đầu tư
- Xây dựng các chính sách ưu
đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.
- Khuyến khích các doanh
nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu,
sáng tạo, sản xuất các sản phẩm, tác phẩm sơn mài.
- Vận động tổ chức, cá nhân
đặt hàng, mua, bán, sử dụng các sản phẩm sơn mài.
6. Phát
triển thị trường
- Xây dựng thương hiệu Quốc
gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”.
- Từng bước hình thành thị
hiếu thẩm mỹ, nâng cao nhận thức của người dân về thị hiếu thẩm mỹ, giá trị
truyền thống văn hóa của Sơn mài Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
- Tổ chức các hoạt động
quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tác phẩm sơn mài đến công chúng và người tiêu
dùng.
- Đẩy mạnh giao lưu giới
thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trong và nước ngoài khi tham gia các hội
chợ, triển lãm.
- Sản xuất các sản phẩm quà
tặng du lịch bằng chất liệu sơn mài.
7. Mở
rộng giao lưu, hợp tác quốc tế
- Thường xuyên tổ chức các
hoạt động trưng bày, giới thiệu Hội họa Sơn mài và Sản phẩm Thủ công mỹ nghệ
Sơn mài ở trong nước và quốc tế; mở rộng, phát huy các mối quan hệ hợp tác,
liên kết nhằm tăng cường xúc tiến quảng bá, giới thiệu về chất liệu sơn mài.
Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao vị thế của Nghệ thuật Sơn mài
Việt Nam trên trường quốc tế.
- Chú trọng lồng ghép chương
trình hoạt động mỹ thuật trong đó chú trọng Hội họa Sơn mài và Sản phẩm Thủ
công mỹ nghệ Sơn mài gắn với các sự kiện ngoại giao văn hóa.
- Tích cực tuyên truyền, phổ
biến Hội họa Sơn mài và Sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Sơn mài trong nước và quốc
tế.
- Đăng cai tổ chức Liên hoan
Nghệ thuật Sơn mài quốc tế tại Việt Nam với sự tham gia của các nước như: Trung
Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...02 năm/lần.
VI. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí hoạt động sự
nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và
Triển lãm (Kinh phí thực hiện Đề án);
- Kinh phí của các doanh
nghiệp, làng nghề, đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm,
tác phẩm sơn mài;
- Kinh phí xã hội hóa (nếu
có).
VII. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Cơ quan Chỉ đạo
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao.
- Nhiệm vụ: Chỉ đạo, định
hướng công tác tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.
2. Đơn vị tổ chức thực
hiện Đề án
- Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và
Triển lãm; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Các doanh
nghiệp; Làng nghề Sơn mài.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bình Dương, Bắc Ninh...
VIII. LỘ
TRÌNH, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
STT | NỘI DUNG | TIẾN ĐỘ |
1 | -
Xây dựng, ban hành Đề án “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” | 2020 |
2 | - Xây dựng logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện
“Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” -
Ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu, tiêu chí của “Nghệ
thuật Sơn mài Việt Nam” | 2021-2025 |
3 | - Đầu tư, quảng bá, giới thiệu mô hình phát triển
vùng trồng cây Sơn ở Phú Thọ - Đầu tư, quảng bá, giới thiệu phát triển sản phẩm
thủ công mỹ nghệ Sơn mài ở Làng nghề Sơn mài Hạ Thái, Hà Nội -
Đầu tư, quảng bá, giới thiệu bảo tồn và phát triển Làng Sơn mài Tương Bình
Hiệp thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương | 2022-2023 |
4 | -
Tổ chức Liên hoan “Nghệ thuật Sơn mài quốc tế” lần thứ I tại Việt Nam | 2023-2024 |
5 | -
Tiếp tục đầu tư quảng bá, giới thiệu mô hình cây Sơn ở Phú Thọ, làng nghề sản
xuất vàng quỳ, bạc quỳ ở Bắc Ninh | 2024-2025 |
6 | -
Tổ chức Liên hoan “Nghệ thuật Sơn mài quốc tế” lần thứ II tại Việt Nam | 2025-2026 |
7 | - Xuất bản sách giới thiệu “Nghệ thuật Sơn mài Việt
Nam” -
Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”. | 2026-2027 |
8 | -
Tổ chức Liên hoan “Nghệ thuật Sơn mài quốc tế” lần thứ III tại Việt Nam. | 2027-2028 |
9 | -
Đặt hàng sáng tác tác phẩm, sản phẩm đạt chuẩn Thương hiệu Sơn mài Việt Nam. | 2028-2029 |
10 | -
Tổ chức Liên hoan “Nghệ thuật Sơn mài quốc tế” lần thứ IV tại Việt Nam. | 2030 |