QUY TẮC ỨNG XỬ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
(Kèm theo Quyết định số: 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Điều 1. Mục đích
1. Nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử bảo vệ môi trường của các đối tượng có liên quan trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Tăng cường công tác truyền thông, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp tại địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi
Quy tắc này được khuyến khích áp dụng tại công trình, địa điểm là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch (sau đây gọi là địa điểm)
2. Đối tượng áp dụng
a) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ địa điểm.
b) Tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn, thi đấu và kinh doanh dịch vụ tại địa điểm.
c) Khách du lịch, khánh tham quan, khán giả tại địa điểm.
d) Cộng đồng dân cư tại địa điểm.
Điều 3. Quy tắc ứng xử chung tại địa điểm
1. Nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; xây dựng thái độ và hành vi sống thân thiện với môi trường.
2. Tích cực tham gia hoạt động, phong trào, mô hình, sự kiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động, tự giác thực hiện quyền và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và vận động người khác cùng thực hiện.
3. Phê phán, ngăn chặn và kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi xâm hại tới môi trường tại địa điểm.
4. Không hủy hoại môi trường vì lợi ích kinh tế.
Điều 4. Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân quản lý địa điểm
1. Thực hiện Quy tắc ứng xử chung được nêu tại Điều 3 của Quy tắc này.
2. Tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện quy định pháp luật bảo vệ môi trường khi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa điểm.
3. Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý.
4. Bố trí đầy đủ, hợp lý nhà vệ sinh đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong từng thời điểm cụ thể.
5. Giảm thiểu chất thải phát sinh; lắp đặt, bố trí trang thiết bị, phương tiện bảo đảm thu gom, phân loại rác tại nguồn, bỏ chất thải đúng nơi quy định, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
6. Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá, lắp đặt biển cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
7. Bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường và nhân lực kiểm tra việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường.
8. Xây dựng, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải sinh hoạt; khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường tại địa điểm.
9. Thực hành tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, chất đốt, chất tẩy rửa; tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…) tại những khu vực có tiềm năng, lợi thế.
10. Sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường phục vụ lưu thông nội bộ.
11. Thiết thực hưởng ứng chính sách, giải pháp hạn chế, tiến tới chấm dứt sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại địa điểm.
12. Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường để báo cáo, phản ánh, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền.
13. Phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về môi trường của địa điểm; xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý hành vi xâm hại môi trường theo quy định của pháp luật.
14. Bố trí kinh phí hoặc xây dựng kế hoạch kinh phí bảo vệ môi trường và phương án ứng phó sự cố môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
15. Biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích bảo vệ môi trường tại địa điểm.
Điều 5. Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn, thi đấu và kinh doanh dịch vụ tại địa điểm
1. Thực hiện Quy tắc ứng xử chung được nêu tại Điều 3 của Quy tắc này.
2. Chấp hành quy định về bảo vệ môi trường.
3. Không kinh doanh động vật hoang dã và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và vật phẩm được khai thác từ hệ sinh thái và cấu tạo địa chất của địa điểm (nhũ đá, san hô…); không đem vào địa điểm động thực vật ngoại lai gây nguy hại đến môi trường, con người.
4. Hạn chế phát sinh chất thải, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, tiến tới không sử dụng các sản phẩm này.
5. Gương mẫu, nêu cao trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia kiến tạo, giữ gìn cảnh quan xanh – sạch – đẹp tại địa điểm.
Điều 6. Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường của khách du lịch, khách tham quan, khán giả và cộng đồng dân cư tại địa điểm
1. Thực hiện quy tắc ứng xử chung được nêu tại Điều 3 của Quy tắc này.
2. Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường.
3. Không hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
4. Đi vệ sinh đúng cho, sử dụng nhà vệ sinh đúng quy định; giữ gìn và nhắc nhở người khác giữ gìn vệ sinh chung.
5. Không xâm hại cảnh quan môi trường, hệ động - thực vật tại địa điểm; không viết, vẽ, khắc lên hang động, cây xanh và các yếu tố khác cấu thành địa điểm.
6. Không mang vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc hại và ô nhiễm đến địa điểm.
7. Không mua bán, tiêu thụ, sử dụng động, thực vật hoang dã hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã.
8. Hạn chế mang theo hoặc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; tích cực sử dụng sản phẩm, công nghệ thân thiện với môi trường.
9. Hưởng ứng chính sách tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng chất tẩy rửa.
10. Tham gia, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường do tổ chức, cá nhân quản lý địa điểm phát động.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức, cá nhân chủ động, tự giác, tự nguyện thực hiện Quy tắc này khi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu và triển khai Quy tắc này tại địa phương phù hợp với chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền.
3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Quy tắc này tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý.
4. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì triển khai, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy tắc này.
5. Thủ trưởng cơ quan báo chí, Trung tâm thông tin thuộc Bộ đưa tin bài, tuyên truyền, phổ biến Quy tắc này trên các báo, tạp chí, trang tin điện tử được giao phụ trách.