QUY CHẾ
CẬP NHẬT SỐ LIỆU KẾ TOÁN
THUẾ VÀ THU KHÁC ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
(Ban hành
kèm theo Quyết định số 3613/QĐ-TCHQ ngày 13/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng
cục Hải quan)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này
quy định về việc cập nhật số liệu kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này
áp dụng đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan,
Cục Hải quan, Chi cục Hải quan và các đơn vị tương đương, công chức hải quan
tham gia vào việc cập nhật số liệu kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm:
1. Tổng cục
Hải quan:
- Cục Thuế
xuất nhập khẩu;
- Cục Công
nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Cục CNTT&TK Hải quan);
- Cục Kiểm
tra sau thông quan;
- Cục Điều
tra chống buôn lậu;
- Các Vụ,
Cục nghiệp vụ, đơn vị chức năng khác theo sự phân công của Lãnh đạo Tổng cục Hải
quan.
2. Cục Hải
quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố:
- Phòng
Nghiệp vụ / Phòng Thuế xuất nhập khẩu;
- Phòng
chống buôn lậu và xử lý vi phạm;
- Chi cục
Kiểm tra sau thông quan;
- Phòng
Công nghệ thông tin hoặc bộ phận phụ trách CNTT;
- Đội Kiểm
soát Hải quan;
- Các đối
tượng sử dụng khác theo sự phân công của Cục trưởng.
3. Chi cục
Hải quan:
- Công chức
thực hiện theo quy trình thủ tục hải quan; kiểm tra sau thông quan;
- Công chức
thực hiện công tác theo dõi nợ thuế, kế toán thuế;
- Cán bộ
được phân công phụ trách công nghệ thông tin (CNTT).
- Các đối
tượng sử dụng khác theo sự phân công của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Chứng từ
kế toán: là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính
phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
2. Hệ thống
thông tin kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sau đây gọi tắt là hệ thống
KTTTT): là hệ thống chương trình ứng dụng công nghệ thông tin được quản lý, sử
dụng thống nhất trong ngành Hải quan phục vụ công tác quản lý, theo dõi tình
hình thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hệ thống KTTTT được thiết kế, xây
dựng và vận hành dựa trên những quy định hiện hành của chế độ kế toán thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu.
Điều 4. Nguyên tắc cập nhật số liệu vào hệ thống thông tin kế toán thuế
xuất khẩu, thuế nhập khẩu
1. Chứng từ
kế toán khi phát sinh phải được cập nhật kịp thời vào hệ thống KTTTT để được
theo dõi.
2. Trường
hợp, hệ thống KTTTT không hỗ trợ việc tính tiền chậm nộp (nếu có).
3. Việc cập
nhật chứng từ kế toán đảm bảo đúng theo từng nghiệp vụ nghiệp vụ kinh tế, tài
chính phát sinh, đúng chức năng theo hướng dẫn của hệ thống KTTTT đảm bảo hạch
toán kế toán theo quy định tại Thông tư số 174/2015/TT-BTC ngày 10/11/2015 của
Bộ Tài chính (Thông tư số 174) hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối
với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 112/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018
của Bộ Tài chính (Thông tư số 112) sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số
174/2015/TT-BTC.
Điều 5. Yêu cầu chung của kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu
1. Các
nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phát sinh
trong kỳ được cập nhật kịp thời vào sổ kế toán và báo cáo kế toán đảm bảo đúng
quy định của pháp luật.
2. Thông
tin, số liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải hợp pháp, hợp lệ, được cập
nhật chính xác và đúng thời gian quy định.
3. Thông
tin, số liệu kế toán phải được phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất, nội
dung và giá trị của nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu.
4. Thông
tin, số liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập
khẩu phải được phản ánh liên tục; số liệu kế toán phản ánh kỳ này phải kế tiếp
theo số liệu kế toán của kỳ trước.
5. Thông
tin, số liệu kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải được phân loại, sắp xếp
đúng trình tự nghiệp vụ phát sinh theo thời gian, có hệ thống, thống nhất với
các chỉ tiêu quản lý thuế.
Điều 6. Thông tin đầu vào của hệ thống thông tin kế toán thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu
1. Các loại
chứng từ kế toán được quy định tại chế độ kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu hiện hành.
2. Nguồn
thông tin để hạch toán từ hệ thống nghiệp vụ Hải quan:
- Hệ thống
thông quan tự động VNACCS/VCIS.
- Cổng
thanh toán điện tử Hải quan.
- Hệ thống
trao đổi trung ương Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính.
- Hệ thống
thông quan điện tử tập trung V5 (TQĐT-V5).
- Hệ thống
quản lý thông tin miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế.
- Hệ thống
quản lý vi phạm hải quan.
3. Ngoài
các thông tin đầu vào quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, các thông tin đầu
vào khác phải được thu thập, cập nhật kịp thời, chính xác vào hệ thống KTTTT
một cách thống nhất và được khai thác, sử dụng, lưu trữ theo quy định. Các
nghiệp vụ kinh tế phát sinh được cập nhật vào hệ thống KTTTT, đảm bảo theo dõi,
ghi sổ kế toán. Định kỳ kiểm tra đối chiếu số liệu phát sinh trong kỳ trước khi
khóa sổ kế toán.
Điều 7. Xử lý, điều chỉnh các khoản phải thu, đã thu trong kỳ kế toán
Các trường
hợp sửa chữa sai sót khi cập nhật vào hệ thống KTTTT phải lập chứng từ điều
chỉnh sai sót; cập nhật chứng từ điều chỉnh sai sót trên hệ thống KTTTT vào kỳ
phát hiện sai sót.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ TẠI CHI CỤC HẢI QUAN
Điều 8. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan
1. Chi cục
trưởng Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm:
- Tổ chức,
phân công, kiểm tra, đôn đốc các bộ phận nghiệp vụ và kỹ thuật của đơn vị mình
thực hiện những quy định tại quy chế này;
- Chịu
trách nhiệm trước Cục trưởng về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của số liệu kế
toán tại Chi cục;
- Phân công
công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý kỹ thuật để
theo dõi, quản lý và xử lý khi hệ thống KTTTT gặp sự cố.
2. Chi cục
trưởng Chi cục Hải quan phải có trách nhiệm phân công Lãnh đạo Chi cục Hải quan
có khả năng khai thác và sử dụng hệ thống KTTTT phụ trách công tác kế toán thuế
để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
3. Công
chức hải quan tại các khâu nghiệp vụ có trách nhiệm:
- Cập nhật
dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời theo các chức năng của hệ thống KTTTT;
- Hàng ngày
phải kiểm tra tính chính xác của dữ liệu đã cập nhật vào hệ thống KTTTT và hiệu
chỉnh trong trường hợp có sai sót.
Điều 9. Trách nhiệm của công chức hải quan thực hiện nhiệm vụ theo quy
trình thủ tục Hải quan, kiểm tra sau thông quan
1. Thực
hiện theo quy trình nghiệp vụ Hải quan, đảm bảo số liệu được cập nhật đầy đủ,
chính xác, kịp thời vào hệ thống KTTTT theo quy định.
2. Trường
hợp tờ khai giấy phát sinh số phải thu, công chức phải theo dõi cập nhật số
phải thu vào hệ thống KTTTT theo hướng dẫn tại Sổ tay nghiệp vụ kế toán thuế và
thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan.
3. Trường
hợp cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế, công chức hải quan cập nhật từng quyết định ấn định cho
từng tờ khai vào hệ thống KTTTT.
4. Trường
hợp cơ quan hải quan ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định
miễn, quyết định giảm, quyết định hoàn, quyết định không thu, chứng từ thoái
thu, chứng từ thu bán hàng tịch thu...., công chức cập nhật chi tiết tờ khai
hải quan, từng nghiệp vụ phát sinh vào hệ thống KTTTT.
5. Trường
hợp hệ thống KTTTT không tự động tính tiền chậm nộp (nếu có), công chức phải
chủ động cập nhật thông báo chậm nộp trên hệ thống KTTTT và thông báo cho người
nộp thuế biết để thực hiện
Điều 10. Trách nhiệm của công chức hải quan thực hiện nhiệm vụ kế toán thuế
1. Thực
hiện cập nhật chứng từ kế toán theo quy định tại Thông tư 174, Thông tư 112 và
Sổ tay nghiệp vụ kế toán thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu.
2. Hàng
ngày, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu các chứng từ nộp tiền, chứng từ
thoái thu và các chứng từ phát sinh khác với Kho bạc Nhà nước, thực hiện cập
nhật, điều chỉnh vào hệ thống KTTTT các trường hợp chênh lệch.
3. Định kỳ
kiểm tra, đối chiếu số liệu trên hệ thống KTTTT với số dư các tài khoản tương
ứng trên bảng cân đối kế toán. Kiểm tra sổ sách kế toán trước khi lập báo cáo
kế toán, lập và in bảng cân đối tài khoản kế toán và các loại báo cáo kế toán
khác theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm của công chức hải quan thực hiện nhiệm vụ quản lý kỹ
thuật của hệ thống KTTTT
1. Quản lý
theo dõi công chức được người sử dụng hệ thống KTTTT, cấp mã thẩm quyền sử dụng
chương trình theo chức năng, nhiệm vụ đã được lãnh đạo Chi cục phân công.
2. Hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng cho các đối tượng sử dụng hệ thống
KTTTT tại Chi cục.
3. Là đầu
mối tổng hợp, xử lý, phản ánh những vướng mắc phát sinh trong quá trình vận
hành hệ thống KTTTT.
Chương III
QUY ĐỊNH CỤ THỂ TẠI CỤC HẢI QUAN
Điều 12. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố
1. Chỉ đạo,
tổ chức, phân công, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh,
thành phố thực hiện những quy định tại quy chế này.
2. Chịu
trách nhiệm trước Tổng cục Hải quan về hiệu quả hoạt động của hệ thống KTTTT
trong phạm vi đơn vị mình quản lý.
Điều 13. Trách nhiệm của Phòng nghiệp vụ/Phòng Thuế xuất nhập khẩu
1. Tham mưu
cho Lãnh đạo Cục trong việc chỉ đạo thực hiện hệ thống KTTTT thống nhất về mặt
nghiệp vụ trên phạm vi toàn Cục.
2. Chủ trì
triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện hệ thống
KTTTT tại các Chi cục Hải quan.
3. Cử công
chức hải quan có kiến thức, kinh nghiệm trong công tác kế toán thuế và quản lý
hệ thống KTTTT trên phạm vi toàn Cục nhằm:
- Hỗ trợ,
hướng dẫn cho các đối tượng sử dụng hệ thống KTTTT tại Cục;
- Là đầu
mối tổng hợp, xử lý, phản ánh những vướng
mắc về mặt nghiệp vụ phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống KTTTT trên
phạm vi toàn Cục.
4. Đề xuất
những thay đổi quy trình nghiệp vụ, sửa đổi chế độ kế toán để thuận lợi cho
việc áp dụng CNTT và sửa đổi hệ thống KTTTT cho phù hợp với thực tế nghiệp vụ.
Điều 14. Trách nhiệm của Phòng Công nghệ thông tin hoặc Bộ phận chuyên
trách về CNTT
1. Cử cán
bộ tiếp nhận về mặt kỹ thuật của hệ thống KTTTT từ Tổng cục Hải quan để chủ
động triển khai và bảo trì hệ thống KTTTT trên phạm vi Cục Hải quan.
2. Duy trì,
đảm bảo kỹ thuật để hệ thống KTTTT hoạt động liên tục, thông suốt.
3. Đảm bảo
an ninh, an toàn và sao lưu dữ liệu của hệ thống KTTTT trên phạm vi toàn Cục.
4. Phối hợp với Phòng nghiệp vụ/Phòng Thuế xuất nhập khẩu xử lý
vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống KTTTT tại các Chi cục và
tại Cục.
5. Là đầu
mối tổng hợp, xử lý, phản ánh những vướng mắc về mặt kỹ thuật phát sinh trong
quá trình vận hành hệ thống KTTTT. Báo cáo những vướng mắc vượt quá thẩm quyền
xử lý lên Tổng cục Hải quan.
6. Quản lý
người sử dụng hệ thống cấp Cục, cấp Phòng Nghiệp vụ/ Phòng Thuế xuất nhập khẩu
và các Phòng ban khác có liên quan, cấp mã thẩm quyền sử dụng chương trình theo
chức năng, nhiệm vụ đã được phân công.
Chương IV
QUY ĐỊNH CỤ THỂ TẠI TỔNG CỤC HẢI QUAN
Điều 15. Trách nhiệm của Cục Thuế xuất nhập khẩu
1. Hướng
dẫn các nghiệp vụ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu trên phạm vi toàn ngành.
Chỉ đạo các đơn vị hải quan thực hiện hệ thống KTTTT thống nhất về mặt nghiệp
vụ trên phạm vi toàn ngành.
2. Tổng hợp
báo cáo kế toán nghiệp vụ thuế xuất khẩu, nhập khẩu toàn ngành, phân tích các
thông tin báo cáo để phục vụ yêu cầu quản lý.
3. Tham mưu
cho Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong việc cải
tiến, đánh giá thực trạng, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hệ thống
KTTTT trong công tác quản lý kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu trình các cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
4. Vận hành
hệ thống KTTTT phục vụ công tác tại đơn vị. Phối hợp với Cục
CNTT&TK Hải quan xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh về nghiệp vụ trong
quá trình vận hành hệ thống KTTTT.
Điều 16. Trách nhiệm của Cục CNTT & Thống kê Hải quan
1. Chủ trì
phối hợp với Cục Thuế xuất nhập khẩu duy trì, hoàn thiện và phát triển hệ thống
KTTTT.
2. Tổ chức
triển khai hệ thống KTTTT cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên cơ sở kế
hoạch do Lãnh đạo Tổng cục Hải quan phê duyệt.
3. Đảm bảo
kỹ thuật cho hệ thống KTTTT hoạt động liên tục, thông suốt đảm bảo an ninh, an
toàn thông tin theo quy định.
4. Tổ chức
đào tạo, hướng dẫn và sử dụng hệ thống KTTTT cho các Cục Hải quan địa phương.
5. Hỗ trợ,
hướng dẫn các đơn vị khi có phát sinh, vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình sử
dụng hệ thống KTTTT.
Điều 17. Trách nhiệm của các Vụ, Cục chức năng thuộc Cơ quan Tổng cục Hải
quan
1. Khi điều
chỉnh, bổ sung các quy định trong quy trình nghiệp vụ Hải quan có liên quan đến
sự vận hành của hệ thống KTTTT cần phối hợp và thông báo trước cho Cục Thuế
xuất nhập khẩu và Cục CNTT&TK Hải quan để điều chỉnh hệ thống KTTTT cho phù
hợp.
2. Phối hợp
với Cục Thuế xuất nhập khẩu và Cục CNTT&TK Hải quan kiểm tra việc áp dụng
Hệ thống KTTTT trên quy trình thủ tục hải quan tại các Cục Hải quan tỉnh, thành
phố theo chức năng, nhiệm vụ đơn vị được giao.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân sử dụng và khai thác hệ thống
KTTTT
Các đơn vị
Hải quan và cá nhân được trang bị máy móc, thiết bị để quản lý và sử dụng Hệ
thống KTTTT có trách nhiệm bảo quản và tuân thủ những quy định của Quy chế này.
Điều 19. Sửa đổi, bổ sung quy chế
Trong quá
trình thực hiện Quy chế, nếu phát sinh những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, Cục
Thuế xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với Cục CNTT&TK Hải quan và các đơn vị liên
quan đề xuất trình Lãnh đạo Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định./.